Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Phổ cập GDMN phải đi vào thực chất


Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, năm học 2011-2012 là năm học đạt được nhiều thành tựu vượt bậc ở bậc học mầm non dù còn nhiều khó khăn. Đến nay 100% tỉnh, thành phố đã phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án Phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015. Nhờ vậy, những đầu tư về cơ sở vật chất, hạ tầng và nhân lực cho bậc học này cũng được quan tâm hơn.


Cụ thể, năm học 2011-2012 cả nước đã tăng 470 trường mầm non so với năm học trước, nâng tổng số lên 13.446 trường mầm non. Đặc biệt có 1.853 trường mầm non bán công được chuyển sang trường công lập. Hiện tại đã có 9 tỉnh, thành trong cả nước đăng ký hoàn thành mục tiêu phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi ngay trong năm 2012 (gồm Hòa Bình, Phú Thọ, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Khánh Hòa, TPHCM); trong đó, có 3 tỉnh vừa được công nhận đạt chuẩn GDMN cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 là Bắc Ninh, Hải Dương và Hòa Bình.


Tính đến hết năm học vừa qua, cả nước đã có 3.714/9.349 xã, phường được công nhận đạt phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, đạt khoảng 40%. Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, đây là kết quả rất đáng mừng bởi với 60% còn lại, ngành giáo dục cả nước hoàn toàn có thể thực hiện đúng tiến độ của đề án phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.


Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nổi bật, hiện nay bậc học mầm non ở các địa phương vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó bức xúc nhất là thiếu trường, lớp, thiếu giáo viên, trang thiết bị dạy học... Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, ở bậc học này, hiện cả nước còn thiếu đến 21.058 phòng học, 22.800 giáo viên. Ngoài ra, kinh phí dành cho GDMN cũng còn hạn chế. Đây chính là những rào cản lớn trong việc thực hiện phổ cập GDMN tại các địa phương. Để khắc phục những khó khăn này, hiện nhiều địa phương đang nỗ lực với nhiều cách làm riêng. Đơn cử như tại Hậu Giang, một trong những địa phương khó khăn nhất ĐBSCL, để có đủ trường lớp, tỉnh đang huy động xã hội hóa xây trường mầm non trên địa bàn "trắng trường". Ông Lê Hoàng Tươi, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang cho biết: "Hậu Giang hiện còn 7 xã chưa có trường mầm non, mẫu giáo độc lập, các điểm trường xập xệ, tạm bợ, học nhờ cũng còn rất nhiều. Để giải quyết khó khăn này, tỉnh đã vận động các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia xây dựng trường. Và đáng mừng là các doanh nghiệp đều tích cực tham gia, dự kiến đến năm 2013, 7 xã chưa có trường mầm non, mẫu giáo của tỉnh sẽ có trường".


Đánh giá về những thành tựu của bậc học mầm non, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng GDMN trong năm qua đã có những bước tiến đáng ghi nhận. Chẳng hạn như, tỷ lệ trẻ được ăn bán trú ở nhà trẻ đạt 91% và mẫu giáo đạt 76,8%; chương trình GDMN mới được thực hiện ở 13.229 trường, đạt trên 98%, trong đó trẻ 5 tuổi học chương trình mới và học 2 buổi/ngày đều tăng so với năm học trước... Tuy nhiên ông Hiển lưu ý: "Chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học được nâng cao thêm một bước qua việc thực hiện chương trình GDMN mới. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT lưu ý các địa phương cần phải phổ cập đi vào thực chất. Bộ sẽ kiểm tra kỹ lưỡng kết quả của các địa phương đăng ký phổ cập, tránh tình trạng vì thành tích mà đốt cháy giai đoạn".


Theo SGGP