Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Lớp học “oằn mình” vì quá tải


Theo Điều lệ trường mầm non, trường tiểu học do Bộ GDĐT ban hành thì mỗi lớp học tiểu học không quá 35 học sinh (HS); lớp mẫu giáo tối đa cũng chỉ 35 trẻ. Tuy nhiên, hầu hết các trường mầm non, tiểu học công lập trên địa bàn Hà Nội đều không đáp ứng được yêu cầu này.


Nhiều lớp học mầm non trong tình trạng quá tải.


Sĩ số cao chót vót
Điều lệ trường mầm non quy định, mỗi lớp mầm non công lập đảm bảo tối đa 35 trẻ/lớp/2 giáo viên (GV) và cứ thêm 10 trẻ thì phải bổ sung một GV. Diện tích lớp học cho mỗi trẻ phải từ 1,5-1,8m2; đủ ánh sáng tự nhiên và thoáng; nền nhà láng ximăng, lát gạch màu sáng hoặc gỗ. Song trên thực tế, số lượng trẻ ở các lớp mầm non đều cao hơn so với quy định đề ra, đáng báo động là có những lớp sĩ số lên tới 70 trẻ.


Tại Trường Mầm non Dịch Vọng, chị Thúy Nga (ở đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy) phản ánh: "Cháu nhà tôi học lớp mẫu giáo 4 tuổi, theo quy định lẽ ra chỉ 25-30 trẻ/lớp, nhưng đằng này, lớp học đông tới 70 cháu/lớp/4 GV".


Phụ huynh Đỗ Thoa có con học tại Trường Mẫu giáo Chim non (phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng) cũng cho hay, lớp học của con chị cũng ở mức 61 cháu, nhưng chỉ có 3 GV nên chị cũng cảm thấy không yên tâm lắm. Một số phụ huynh khác tiết lộ, khi tuyển sinh đầu vào, các lớp học đều không đến mức "đông như kiến cỏ" như vậy, tuy nhiên cứ đến giữa kỳ, nhà trường lại nhận thêm HS, đẩy sĩ số mỗi lớp ngày càng chót vót(!?).


Tương tự, tại các lớp tiểu học công lập, không ít phụ huynh than phiền rằng sĩ số quá đông, vừa khiến con em họ thiệt thòi, lại tạo ra áp lực không nhỏ cho GV, như vậy, liệu con cái họ có được chăm sóc chu đáo? Một phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Thành Công B cho hay, lớp của con trai anh cũng đông khoảng 50 HS.


Khảo sát qua các trường tiểu học khác như Kim Liên, Nam Thành Công, Cát Linh..., tình trạng lớp học quá tải cũng xảy ra phổ biến ở mức gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với quy định đề ra.


Thầy mệt, trò oải
Theo thống kê, Hà Nội hiện có 857 trường mầm non với 12.847 nhóm lớp, 368.700 cháu. Thế nhưng, số trường mầm non công lập chỉ khoảng 660 cơ sở, đáp ứng cho 9.284 nhóm lớp và 312.400 cháu. Ở cấp tiểu học, số trường công lập là 656, trong khi nhu cầu học là rất lớn. Quá tải không chỉ dừng lại ở cấp tiểu học.


Cô Bùi Tú Ngọc - GV tiếng Anh (Trường THCS Giảng Võ) - than phiền: "Tiếng Anh là môn đặc thù, nhưng lúc nào cũng khoảng 50-60 em/lớp (so với lớp chuẩn chỉ là 36-48 HS/lớp). GV trên bục giảng nhiều khi nói không ra hơi, trong khi HS dưới lớp mệt mỏi, uể oải, nhất là vào những ngày nóng nực. Ở các quốc gia khác, chẳng hạn như Australia, môi trường học tập lý tưởng chỉ khoảng 20 HS/lớp...".


Lý giải sự quá tải tại các lớp học, cô Ngọc cho rằng, ngoài điều kiện khách quan là quy mô trường lớp chưa tương xứng, còn do tâm lý chọn trường của phụ huynh, khiến "nước chảy chỗ trũng". Cùng với đó là sự thiếu hụt hệ thống trường công trong khi trường tư thì học phí đắt đỏ, khiến phụ huynh lâm vào cảnh hoang mang.


"Ngay tại hệ thống các trường công lập cũng có sự so sánh, khiến phụ huynh thích trường này, chê trường kia. Tôi cho rằng, trừ một số trường điểm thực sự thì trường nào cũng có đội ngũ GV nòng cốt, chất lượng là ngang ngửa..." - cô Ngọc nói.


Một thực tế đang diễn ra là sĩ số lớp học quá đông, trong điều kiện cơ sở vật chất chưa tương xứng dẫn đến nhiều hệ lụy, ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tiếp thu bài giảng của HS, trẻ mầm non cũng chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Một số GV bày tỏ, họ thực sự cảm thấy lo lắng khi số lượng GV thì ít mà số trẻ trong lớp quá đông, nên không thể bao quát hết được, chỉ một phút sơ sẩy có thể dẫn đến hậu quả khó lường. Về góc độ sức khỏe, các bác sĩ cho rằng, trong môi trường học tập chật chội, ngột ngạt, trẻ dễ mắc các bệnh học đường như cận thị, cong vẹo cột sống... ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của trẻ về sau.


TP.Hà Nội hiện có 2.434 trường, trong đó có 546 trường đạt chuẩn quốc gia. Số lớp học là 46.300 lớp với 1,6 triệu HS và 110.400 cán bộ, GV, nhân viên (trong đó có 82.900 GV các cấp học). Hệ thống trường ngoài công lập có 371 cơ sở giáo dục với 6.100 nhóm, lớp học, 159.100 HS (chiếm 10,1% tổng số HS) và 15.400 GV.


Theo LĐ