Thuở nhỏ, mỗi lần bị ba đánh hay bị mẹ la rầy con thường tủi thân, suy diễn hay là con không phải là con ruột của ba mẹ. Con chưa bao giờ được ba mẹ nâng niu, dỗ dành ngon ngọt như những đứa trẻ khác.
Con té ba bảo "phải tự đứng lên", con đi học bị bạn bè ăn hiếp về méc mẹ, mẹ còn mắng thêm vì tội "nhút nhát". Cứ thế, con lớn lên trong sự dạy dỗ nghiêm khắc của ba và mẹ.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Con vào cấp II, trường cách nhà gần 5 cây số, tiện đường ba đi làm, con cứ đinh ninh sẽ được ba đưa đón vậy mà mẹ rinh về chiếc xe đạp cũ bắt con tập chạy để mai mốt tự đi học. Con tập xe té lên té xuống trầy cả hai đầu gối mà ba mẹ vẫn tỉnh bơ.
Ngày con đậu vào đại học, đãi bạn bè chỉ là nồi chè đậu xanh do mẹ nấu trong khi các bạn khác đãi tiệc linh đình dù nhà mình khá giả hơn họ. Con giận dỗi, ba bảo "Tiền bạc kiếm được rất vất vả, phải chi xài đúng cách, đậu đại học chỉ là bước khởi đầu, không có gì to tát". Cả thị trấn này chỉ có con và hai bạn nữa đậu đại học, vậy mà với ba mẹ vẫn là điều bình thường.
Con vào thành phố trọ học, thi thoảng mới có dịp về thăm nhà nhưng lần nào ở quá 2 ngày là ba đã nhắc nhở "Coi mà về trên đó sớm lo bài vở, ở nhà chơi không chứ chẳng làm gì?"; mẹ cũng giục "Sắp xếp thời gian học rồi tìm chỗ làm thêm, kiếm tiền đóng học phí". Vừa buồn, vừa tự ái con ở miết Sài Gòn, lao vào học hành, làm thêm quên cả nỗi nhớ nhà.
Giờ con đã là một người phụ nữ thành đạt, nhìn lại chặng đường đã qua con mới nhận thấy, chính việc ba mẹ "thương con theo cách khác người" ấy đã giúp con trưởng thành như hôm nay. Con học được cách sống tự lập ngay từ bé, biết tiết kiệm, khiêm tốn, biết tích lũy kinh nghiệm từ ngày còn ngồi ở giảng đường.... Tình thương của ba mẹ dành cho con là mộ thứ tình thương lặng thầm mà sâu sắc.
Theo PN