Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Những nốt ban thường gặp ở bé


Những nốt ban ở bé có thể là vô hại nhưng cũng có thể cần phải điều trị thuốc bôi, thuốc uống từ bác sĩ.

 

Phát ban sơ sinh

Một vài nốt ban đỏ lốm đốm trên người ngay khi bé chào đời là dấu hiệu không cần quá lo. Nguyên nhân có thể do da bé bị cọ vào áo quần, ga, gối...

Điều nên làm: Không cần làm gì vì các nốt ban này sẽ tự biến mất.

Phát ban do nhiệt

Chủ yếu xuất hiện trên đầu và cổ của bé, những nốt ban li ti có thể tụ thành từng mảnh nhỏ.

Điều nên làm: Không cần làm gì. Nguyên nhân nổi ban là do cơ thể tự điều chỉnh để thích nghi với nhiệt độ bên ngoài môi trường tử cung.

Phát ban sữa

Còn gọi là ban do hormone, được gây ra do hormone từ mẹ chuyển sang bé trong quá trình chuyển dạ. Chúng kích thích tuyến dầu quá mức và làm bé nổi mụn nhỏ.

Điều nên làm: Không cần làm gì vì ban sẽ lặn trong vòng 3 tháng.

Hăm tã

Da đỏ, đầy vết loang lổ quanh vùng quấn tã. Nó được gây ra bởi ẩm ướt, ma sát.

Điều nên làm: Thay tã ngay khi tã bẩn. Có thể dùng kem bôi chống hăm cho con sau mỗi lần thay tã. Một khi những mảng hăm xuất hiện, cách tốt nhất là tránh đeo bỉm cho con, cần để vùng mông của bé được thông thoáng.

Ban do viêm màng não

Có 2 loại viêm màng não. Viêm màng não do virus thường ít nghiêm trọng. Bé có thể hồi phục sau một vài tuần. Còn viêm màng não do vi khuẩn thì cần lưu ý đặc biệt. Viêm màng não có thể gây nhiễm trùng huyết (ngộ độc máu), khiến bé nổi ban đặc biệt với những đốm đỏ hoặc tím. Các triệu chứng khác tương tự như khi bé bị cảm. Bé có thể sốt, buồn ngủ, uốn lưng, cổ cứng, bỏ ăn, cáu kỉnh...

Dấu hiệu cần đưa bé đi khám

- Sốt cao.

- Nôn trớ lặp lại trong vòng 24 tiếng.

- Bụng chướng to.

- Hôn mê hoặc buồn ngủ.

- Có dấu hiệu mất nước như khô miệng, tiểu đậm màu, tã khô.

- Co giật.

- Không ăn (bú) trong suốt 6-8 tiếng.

- Có dấu hiệu vàng da.

Theo Mevabe