Bên cạnh ho, sốt thì viêm tai là một trong những khó chịu thường gặp ở bé. Có tới trên 50% số bé bị viêm tai ở nhiều cấp độ trong 3 năm đầu đời, đặc biệt là ở giai đoạn 6-24 tháng tuổi.
1. Cho bé bú mẹ: Nghiên cứu chỉ ra rằng, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu có thể bảo vệ bé khỏi viêm tai. 2. Không được cho bé tiếp xúc với khói thuốc lá: Khói thuốc làm tê liệt các sợi lông nhỏ trong ống eustachian. Khi đó, chất lỏng không di chuyển ra khỏi tai giữa, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
3. Cho bé chủng ngừa theo lịch: Một nghiên cứu cho biết, văcxin chống lại phế cẩu khuẩn có thể chống được viêm tai, viêm não và các bệnh khác. 4. Tránh cho bé đi nhà trẻ quá sớm, nếu có thể: Những bé đi nhà trẻ có xu hướng bị viêm tai nhiều hơn. Nếu bạn phải gửi con đi nhà trẻ sớm, nên chọn nhà trẻ có ít bé. 5. Không cho bé bú bình hoặc uống từ cốc mỏ vịt khi nằm thẳng: Đảm bảo đầu bé luôn cao hơn bụng của bé để chất lỏng không chảy từ ống eustachian vào tai giữa. 6. Chống dị ứng: Nếu bạn nghi bé bị viêm tai do dị ứng thì nên loại bỏ các yếu tố gây dị ứng trong nhà bạn. Ví dụ, không nuôi vật nuôi, vệ sinh phòng để tránh bụi bẩn, không dùng đồ có lông vũ cho bé... Lý do bé dễ bị viêm tai Viêm tai là do dịch lỏng bị kẹt trong tai giữa (bộ phận nằm sau màng nhĩ), kết hợp với viêm nhiễm do vi khuẩn hoặc virus. Viêm tai gia tăng khi ống eustachian (đường hẹp nối họng với tai giữa) bị tắc nghẽn. Thông thường, sự tắc nghẽn này là do cảm lạnh hoặc dị ứng, gây viêm, cản trở các ống eustachian. Ở các bé, ống eustachian thường ngắn, ít góc cạnh hơn so với người lớn. Điều đó có nghĩa là chất lỏng và các mầm bệnh dễ bị mắc kẹt lại trong tai giữa. Ngoài ra, hệ miễn dịch của bé vẫn còn đang phát triển. Bởi vậy, bé sẽ khó khăn hơn so với người lớn để chống lại vi khuẩn và virus. Xác định viêm tai ở bé Do bé sơ sinh và bé mới biết đi chưa nói được nên viêm tai khá khó khăn để phát hiện. Những bé lớn hơn có thể nói cho cha mẹ biết tai bé đang bị đau. Nhìn chung, những dấu hiệu viêm tai ở bé mà cha mẹ cần cảnh giác gồm: - Sốt cao. Đây được coi là triệu chứng nổi bật của viêm tai. - Bé kéo tai. Tuy đây không phải dấu hiệu điển hình nhưng cũng được coi là một triệu chứng của viêm tai. - Bé khó chịu khi nằm. Do nằm làm tăng áp lực lên các ống eustachian. - Dấu hiệu khác gồm khó ngủ, kém bú, kém ăn, nôn trớ, tiêu chảy... - Thính giác của bé có vẻ không được tốt, khó đáp ứng với các âm thanh xung quanh. Hãy yên tâm là khả năng nghe ở bé sẽ được cải thiện khi khỏi viêm tai. - Có nước (dịch) chảy từ tai, mũi của bé. Đây là dấu hiệu nguy hiểm. Có thể do màng nhĩ bị vỡ do dịch trong tai giữa gây quá nhiều áp lực vào màng nhĩ. Thủng màng nhĩ trường hợp nhẹ có thể tự lành mà không cần cha mẹ quá sợ hãi. Viêm tai và thuốc kháng sinh Mặc dù kháng sinh thường được chỉ định để điều trị viêm tai nhưng bác sĩ khuyến cáo, một số trường hợp bé không cần dùng kháng sinh mà sẽ tự khỏi. Đó là vì 1/3 trường hợp viêm tai là do virus, không đáp ứng với thuốc kháng sinh. Một số trường hợp viêm tai do vi khuẩn sẽ tự cải thiện mà không cần dùng thuốc. Thêm nữa, dùng đi dùng lại kháng sinh có thể làm bé bị nhờn thuốc. Thông thường, khi dùng kháng sinh cho bé, bác sĩ sẽ xem xét các yếu tố như tuổi tác, mức độ nghiêm trọng của bệnh... Thường thì những bé dưới 2 tuổi được chỉ định dùng kháng sinh khi bị viêm tai do lo ngại những biến chứng của bệnh, chẳng hạn như mất thính lực hayc ác vấn đề hiếm gặp khác. Nếu bé trên 2 tuổi, viêm tai nhẹ thì bác sĩ có thể cũng không chắc là bé bị viêm tai. Nếu bé không sốt cao, vẫn khỏe, ít quấy khóc, bác sĩ có thể quyết định theo dõi thêm 48-72 tiếng rồi mới xem xét việc dùng thuốc. Sau thời gian này, triệu chứng viêm tai ở bé có thể được tự cải thiện. Theo Mevabe
|