Theo một nghiên cứu mới đây, khoảng 75% trẻ nhỏ đang tiêu thụ lượng muối cao hơn đáng kể so với hàm lượng khuyến cáo trong chế độ ăn ở độ tuổi của các bé.
Nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Bristol trên 1200 trẻ 8 tháng tuổi cho thấy một nửa số bé đang tiêu thụ gấp đôi lượng muối so với lượng đề nghị cho lứa tuổi này - 1g muối / ngày. Một trong các nguồn thực phẩm nghi vấn gây ra tình trạng này là sữa bò - được khá nhiều phụ huynh cho con uống trong giai đoạn cai sữa mẹ và ăn dặm - chứa gấp 4 lần lượng muối so với sữa mẹ.
Không nên nêm muối và gia vị vào thức ăn dặm của bé - Ảnh: Inmagine
Kết quả này là một lời cảnh báo đối với các bậc phụ huynh và các nhà trẻ, trường mầm non về việc cần phải cẩn trọng hơn khi lựa chọn thức ăn cho trẻ nhỏ, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh. Một trong các lời khuyên quan trọng của chuyên gia dinh dưỡng dành cho bố mẹ là không nên cung cấp sữa bò như loại thức uống chính cho trẻ nhỏ, và tốt nhất là không cho trẻ uống sữa bò khi chưa đủ 12 tháng tuổi.
Các loại thực phẩm chế biến khác như nước hầm xương / thịt, mì / nui cũng góp phần đáng kể vào lượng muối vượt chuẩn cho phép này. Khoảng ¾ lượng muối trong chế độ ăn của trẻ đến từ các thực phẩm chế biến dành cho người lớn / hoặc chế biến cho cả người lớn, bên cạnh đó là thực phẩm chế biến công nghiệp luôn chứa lượng muối khá lớn. Nhiều bà mẹ thường cũng không ý thức được rằng khẩu vị của người lớn là quá mặn đối với trẻ dẫn đến việc nêm nếm quá tay khi nấu ăn cho trẻ.
Dung nạp quá nhiều muối khiến thận của bé hoạt động quá tải để thải lọc và hình thành thói quen ăn mặn không tốt cho sức khỏe về lâu dài.
Nguồn: Webtretho (lược dịch)