Truyện cổ tích là một phần không thể thiếu trong thế giới tuổi thơ. Tuy nhiên, không dễ để trẻ lớn lên cùng với thói quen đọc sách truyện.
Khi dạy con, cha mẹ không dễ thuyết minh để con hiểu thế nào là nhường nhịn, khiêm tốn, thật thà... Tuy nhiên, thông qua những chuyện cổ tích như: hai chú gấu tham ăn, chú gà trống kiêu căng, cậu bé chăn cừu nói dối, ăn khế trả vàng... bé dễ dàng nhận diện những điều xấu không nên làm và những phẩm chất đáng noi theo. Có khi không cần người mẹ phải gợi mở để bé "liên hệ bản thân" mà chính bé đã có thái độ thương ghét rõ ràng. Bé có thể kể về những việc xấu mình vừa làm với vẻ hối lỗi hay vui mừng, hãnh diện về những việc tốt.
Đọc truyện cho con, làm một lần thì dễ nhưng duy trì nó để tạo thành thói quen thì không dễ. Ngày đầu tiên đề xướng, tôi được sự ủng hộ nhiệt tình của cả hai cha con. Những ngày sau đó, tôi cảm thấy điều này thật phiền phức vì giải quyết việc nhà xong, vừa ngồi vào bàn làm việc là đến giờ đọc truyện. Tuy nhiên, lâu dần tôi cũng làm quen được với nó. Những lúc tôi bận, ông xã làm thay tôi. Bây giờ mọi việc cũng đi vào nền nếp, trước khi đi ngủ con bé tự giác ôm gối chờ tôi đọc truyện. Cũng nhờ đó mà con chịu ngủ đúng giờ. Chẳng biết con tôi có gặp cô tiên xinh đẹp trong giấc mơ không, nhưng tôi thì luôn được ngắm nhìn gương mặt thiên thần như một phần thưởng cuối ngày.
Cô bạn tôi luôn phải đánh vật với những câu hỏi "vì sao" của cậu nhóc. Thấy thế, nhân tiện đi nhà sách, tôi lựa một quyển truyện cổ tích tặng bạn. Tôi giục bạn "tập đọc" để khỏi bị những câu hỏi của trẻ con hạ "đo ván". Bạn tôi mới thú nhận là do bận công việc nên không có thời gian đọc truyện cho con, dù biết rằng truyện cổ tích là cứu tinh của phụ huynh khi gặp những câu hỏi bắt bí.
Ở cái tuổi lên năm, con gái tôi cũng có rất nhiều câu hỏi khiến tôi bối rối, rất nhiều thái độ làm tôi bất ngờ. Câu nói: "Con phải..." dường như khó thuyết phục với con bé, nhưng nếu như nói: "Cô tiên thích các bạn..." hay "Ông Bụt thương các em bé..." thì hình như mọi yêu cầu của tôi đều được thực hiện nhanh chóng. Và cũng có lẽ truyện cổ tích chính là phương thức truyền tải những thói quen, những truyền thống tốt đẹp hiệu quả nhất. Có những khi vừa kể dứt truyện, không chờ tôi hỏi, con gái nói ngay những lời nhận xét chỉ có con trẻ mới nghĩ ra được, khiến tôi bật cười. Cũng nhờ đó mà tôi có thể hiểu được bé đang nghĩ gì và kịp thời uốn nắn con. Từ khi bắt đầu đọc truyện, vợ chồng tôi đã có tiếng nói chung về cách dạy con.
Giờ đây, con gái tôi đã quen với việc đọc truyện. Thực tế, cũng có trường hợp đọc truyện trở thành con dao hai lưỡi. Đó là khi cha mẹ chỉ đọc chứ không dành thời gian để trò chuyện và giải thích cặn kẽ, thấu đáo, dẫn đến con hiểu lầm, hiểu lệch. Có khi cha mẹ giao khoán cho anh chị đọc sách truyện cho em nghe. Ở tuổi nhỏ, các anh chị chưa hiểu đúng và đầy đủ về ý nghĩa câu chuyện để truyền đạt và thảo luận, định hướng cho em.
Truyện cổ tích là thế giới của tuổi thơ nhưng cũng có lúc nó lại trở nên kỳ diệu trong thế giới người lớn. Chỉ một câu chuyện, nếu khéo léo người ta có thể dùng nó để hòa giải với trẻ con, để hiểu trẻ con hơn, để trẻ hành động đúng đắn hơn và đặc biệt giúp cho cha mẹ - con cái gần nhau hơn.
Theo PN