Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nhũ nhi mắc bệnh sốt xuất huyết, khó phát hiện!


Ngày 4/7, BS Nguyễn Thị Thúy, phó trưởng Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng II, cảnh báo nhũ nhi dưới 18 tháng tuổi, nếu mắc bệnh sốt xuất huyết thường nặng hơn so với các trẻ lớn, do khó phát hiện và dễ lầm với các bệnh khác.

 Đến 10 giờ sáng ngày 4/7, Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng II đang tiếp nhận và điều trị cho 30 trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết trong đó có 3 trẻ nhũ nhi khoảng từ 6 - 7 tháng tuổi.

Tổng số bệnh sốt xuất huyết tại Khoa Nhiễm vào thời điểm này chiếm từ một phần ba đến hơn một nửa so với các bệnh truyền nhiễm khác như viêm não, bệnh tay chân miệng.

 Theo số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2006 của BV Nhi Đồng II, Khoa Nhiễm đã nhận và điều trị cho 870 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó bệnh nhân độ I chiếm 149, độ II là 649, độ III là 65, độ IV là 7. So với cùng kỳ năm ngoái, bệnh nhân sốt xuất huyết chỉ có hơn 440 trẻ trong đó độ II là 326, độ III là 46. 
Theo BS Thúy, vào mùa mưa, có những giờ cao điểm trong khoa có đến 60 bệnh nhân nhi mắc bệnh sốt xuất huyết, trong khi toàn khoa chỉ có 100 giường bệnh.

Đồng thời, týp vi-rút gây sốt xuất huyết chủ yếu được xác định trong 5 tháng qua là týp 2, một týp có độc lực cao và dễ có khả năng gây thành dịch lớn.

Triệu chứng bệnh sốt xuất huyết ở nhũ nhi thường là sốt cao, ho, sổ mũi, tiêu chảy. Do đó, khi trẻ bị bệnh sốt xuất huyết thường dễ lầm với các bệnh khác như: tiêu chảy, viêm phế quản, viêm hô hấp trên.

Đối với các bậc phụ huynh, đặc biệt là các bà mẹ có con là nhũ nhi, khi trẻ bị sốt cao trên 2 ngày, quấy khóc, ói, bỏ ăn kèm theo xuất huyết dưới da, phải lập tức đưa trẻ đến khám tại các Trung tâm Y tế quận, huyện để bác sĩ chỉ định xét nghiệm máu, theo dõi diễn tiến bệnh.

Khi chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà, khi cho trẻ uống thuốc hạ sốt, các bậc phụ huynh tránh dùng aspirin và ibuprofen. Hai loại thuốc này có thể gây xuất huyết đường tiêu hóa. Trẻ sốt cao có thể đắp mát để giúp hạ thân nhiệt và cho trẻ uống nhiều nước.

Vietnamnet