Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Báo động tình trạng bỏng trẻ em


+ Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ tử vong do bỏng tăng cao là cách cứu chữa sai lầm như đắp bùn non, bôi nước mắm, giấm hoặc kem đánh răng lên vết bỏng. Hội nghị quốc tế bỏng với chủ đề "Điều trị và giải phẫu tái tạo phục hồi" tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 27-28/7/2004 do Hội bỏng Việt Nam, Viện bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác phối hợp với Quỹ bảo trợ Việt - Mỹ đồng tổ chức. Tại hội thảo, các chuyên gia y tế cảnh báo tình trạng bỏng trẻ em có dấu hiệu gia tăng đồng thời đưa ra những tiến bộ kỹ thuật mới nhất cho việc điều trị bỏng cho trẻ em. "Trẻ em có đặc điểm về sinh lý, giải phẫu khác người nên khi bị bỏng nặng thường diễn biến rất nặng nề, để lại di chứng ảnh hưởng đến thẩm mỹ, chức năng vận động, dẫn đến tàn tật thậm chí còn gây tử vong", Giáo sư Lê Thế Trung, Chủ tịch Hội bỏng Việt Nam, nói. Theo GS Trung, ở nước ta số trẻ em bị bỏng chiếm từ 38,6% đến 65,8% trong tổng số người bị bỏng đến điều trị tại bệnh viện. Trong số này trẻ từ 1 đến 5 tuổi chiếm nhiều nhất, từ 50,52% đến 57,5%. Trẻ em ở lứa tuổi này hiếu động, tò mò và chưa hiểu hết các mối nguy hiểm. Các động tác của chi cũng chưa thành thục và việc trông nom chăm sóc của gia đình cũng còn thiếu thận trọng. Kết quả thống kê của Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh cho thấy cứ 5 bệnh nhân nhập viện do tai nạn có 1 trẻ em bị bỏng phải điều trị nội trú. Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 5 trẻ bị bỏng điều trị nội trú. Một phần ba trong số đó bị bỏng nặng và có nguy cơ tử vong. Viện Bỏng Quốc gia cho biết số trẻ bị bỏng vào viện điều trị chiếm 53,83% tổng số bệnh nhân trong đó trẻ dưới 5 tuổi chiếm 72,13%. Khoa Ngoại Chấn thương - Bỏng, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, mỗi năm tiếp nhận khoảng 200 bệnh nhân là trẻ em bị bỏng. Qua một vài con số thống kê của các bệnh viện cho thấy tỉ lệ trẻ em bị bỏng và tử vong vì bỏng tại Việt Nam ngày càng tăng cao. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ bị bỏng hầu hết do lỗi của cha mẹ bất cẩn. Tuổi thường gặp nhất là dưới 3 tuổi, chiếm 80,6%. Lứa tuổi này hiếu động, muốn tìm hiểu sự vật xung quanh và cũng chưa hiểu được sự nguy hiểm của tác nhân bỏng. Đối tượng này chủ yếu ở vùng nông thôn. 70,3% số ca mắc do cha mẹ, người thân bận nhiều công việc, dân trí thấp nên ít quan tâm đến dự phòng tai nạn xảy ra trong đó có bỏng. Thời điểm xảy ra bỏng thường trước và sau bữa ăn 1 giờ. Đây là thời điểm mà người lớn ít chú ý đến sự hoạt động của trẻ. Tác nhân gây bỏng chủ yếu là bỏng ướt do sờ vào các vật nóng như nước sôi, canh nóng, v.v. Qua phỏng vấn 500 bà mẹ ở nông thôn có con dưới 5 tuổi, được biết, phần lớn bà mẹ có nhận thức đúng về bệnh bỏng. 68,6% bà mẹ được hỏi cho biết điều trị bỏng tốn kém. 79,0% biết bỏng có thể dẫn đến tử vong. 77,6% cho rằng bỏng có thể để lại vết sẹo xấu và 84,6% cho rằng bỏng có thể phòng tránh được. Các mẹ biết nhiệt ướt là nguyên nhân gây bỏng nhiều nhất và trẻ chủ yếu bị bỏng tại nhà chỉ chiếm 75%. Điều đáng nói là có đến 78,2% số bà mẹ cho rằng bỏng do tự trẻ gây ra mà chưa thấy trách nhiệm của người lớn. Nhiều gia đình ở nông thôn trình độ dân trí thấp, điều kiện quan tâm chăm sóc cho trẻ nhỏ không có nhiều. Những gia đình ấy thường để trẻ có điều kiện tiếp xúc với tác nhân gây bỏng. Không chỉ ở Việt Nam, tình trạng trẻ em bị bỏng trên thế giới cũng đang có chiều hướng gia tăng. Tại Thái Lan, bỏng là một trong số các nguyên nhân chính gây thương tích và tử vong cho trẻ em. Theo một nghiên cứu 100.000 gia đình trung bình có 9 trẻ chết hàng ngày do tai nạn lao động, 4 trẻ em chết đuối và sau đó là bỏng. Bỏng ở trẻ em là nguyên nhân hàng thứ hai của các tai nạn ở Thái Lan bao gồm bỏng nhiệt, bỏng do nước sôi, lửa hoặc tia lửa, bỏng điện, bỏng hoá chất và bỏng do phóng xạ. Bỏng nhiệt và do nước sôi thường xảy ra ở nhà và trong bếp và có thể dự phòng được. Trẻ dưới 2 tuổi có diện tích bỏng khác của từng phần khác với trẻ em lớn hơn. Da mỏng hơn và các đặc điểm sinh lý khác là lý do làm cho tỷ lệ tử vong cao hơn. Khi bỏng nặng trẻ thường bị sốc đột ngột. Sốc kéo dài có thể gây suy đa phủ tạng gây khó khăn cho điều trị về sau. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ tử vong do bỏng tăng cao là cách cứu chữa sai lầm như đắp bùn non, bôi nước mắm, giấm hoặc kem đánh răng lên vết bỏng. Những phương pháp này khiến bệnh trạng bệnh nhân trở nên trầm trọng hơn thậm chí dẫn đến biến chứng nguy hiểm. Các bà mẹ nhận thức sai về sơ cứu bỏng chiếm tỷ lệ cao. Chỉ có 36,2% biết cắt bỏ quần áo, 15,4% biết dùng nước lạnh ngâm vết bỏng, và 28,6% biết băng phủ vết bỏng và cho trẻ uống nước NetNam - Mai Hương