Thủ tướng vừa phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020 nhằm đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.
Với giáo dục mầm non, mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 30% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và 80% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc tại các cơ sở giáo dục mầm non, tỷ lệ suy dinh dưỡng trong các cơ sở giáo dục mầm non giảm xuống dưới 10%; tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở tiểu học là 99%, trung học cơ sở là 95% và 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn THPT và tương đương, có 70% trẻ em khuyết tật được đi học; với giáo dục nghề nghiệp và đại học, phấn đấu đạt tỷ lệ 350 - 400 sinh viên/1 vạn dân và tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp và đại học đạt khoảng 70%.
Đến năm 2020 sẽ có ít nhất 80% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc tại các cơ sở giáo dục mầm non. (Ảnh: minh họa)
Chiến lược đề ra 8 giải pháp để phát triển giáo dục gồm: đổi mới quản lý giáo dục; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục; gắn đào tạo với sử dụng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; hỗ trợ phát triển giáo dục đối với các vùng khó khăn, dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách xã hội; phát triển khoa học giáo dục; tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục.
Trong 8 giải pháp đó, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là giải pháp then chốt. Theo chiến lược, đến năm 2020 có 100% giáo viên mầm non và phổ thông đạt chuẩn trình độ đào tạo; 38,5% giáo viên trung cấp chuyên nghiệp, 60% giảng viên cao đẳng và 100% giảng viên đại học đạt trình độ thạc sỹ trở lên; 100% giảng viên đại học và cao đẳng sử dụng thành thạo một ngoại ngữ.
Theo Nguoiduatin.vn