Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đừng tưởng cho con uống B1 là sẽ ăn tốt


Ở nhà, bé Minh Quân được ông bà, bố mẹ gọi với cái tên hết sức dễ thương là Bi, nhưng sau đó chuyển thành Bi Bò. Sở dĩ là Bi Bò bởi từ nhỏ Bi đã ăn uống rất tốt.


Mẹ Bi Bò không bao giờ phải mất thời gian đưa Bi Bò đi từ đầu phố đến cuối phố chỉ để ăn một bát bột hoặc bát cháo bé tẹo như nhiều bạn khác trong khu. Thậm chí, có bữa ăn hết bát cháo của mình rồi mà Bi Bò vẫn đòi ăn nữa, nếu không cho ăn Bi sẽ lăn ra khóc. Nếu các bạn chỉ ăn một hộp sữa chua hoặc váng sữa mỗi ngày thì Bi phải ăn 2 - 3 hộp, bánh kẹo ăn cả ngày không chán mà cũng không ảnh hưởng gì đến bữa chính. Đặc biệt Bi Bò không hề kén ăn, mẹ cho ăn gì là Bi Bò đều ăn hết thì thôi. So với các bạn cùng tháng, bao giờ Bi Bò cũng nặng hơn vài kilogam, cao hơn vài centimet. Mặc dù bác sĩ đã khuyến cáo Bi Bò có dấu hiệu béo phì và khuyên bố mẹ nên hãm không cho con ăn nhiều nhưng bố mẹ vẫn khăng khăng con lớn như vậy là bình thường.

Gần 3 tuổi, Bi Bò bắt đầu tập ăn cơm để đi lớp. Nhưng sang giai đoạn này Bi Bò lười ăn hẳn đi. Cả ngày có khi chỉ được một bát cơm chia làm 2 - 3 bữa. Cứ hễ cho miếng cơm vào miệng là Bi nhai đến nhuyễn cả hạt cơm và ngậm chứ nhất định không nuốt. Bố mẹ dọa nạt, nịnh nọt đủ kiểu Bi Bò vẫn ngậm, phải đến khi mẹ cho uống nửa cốc nước thì mới nuốt hết thìa cơm đó. Cứ như vậy thành ra cả bữa Bi Bò chỉ ăn được vài thìa cơm.
Ông bà sốt ruột, bố mẹ đứng ngồi không yên. Cả nhà lại thống nhất cho Bi Bò ăn một bữa cơm xen lẫn bữa cháo trong ngày nhưng tình hình cũng không khá hơn, ngay cả cháo Bi Bò cũng ngậm. "Cuộc chiến" ăn uống của Bi Bò xem ra căng thẳng vô cùng. Ăn ít đi, uống nhiều nước hơn nên Bi Bò có xu hướng cao lên chứ không "to" như trước nữa. Nhìn chân tay con mất dần những ngấn, cả nhà lo lắng vô cùng. Vậy là, một kế hoạch làm sao để Bi Bò lấy lại "phong độ" ăn uống như xưa được cả nhà ngồi lại để bàn bạc. Ép ăn thì không ổn vì mẹ cứ ép ăn là Bi Bò lại nhổ ra và khóc, có lần vừa khóc vừa nôn hết những gì đã ăn khiến mẹ vừa bực mình vừa tiếc.

Cuối cùng cả nhà thống nhất cho Bi Bò uống kèm thêm nhiều vitamin B, nhất là B1 và các thuốc bổ tỳ dạng siro khác nhằm kích thích ngon miệng, thúc đẩy ăn uống ở trẻ. Thực ra, trước đây, bố mẹ đã cho Bi Bò uống các loại thuốc này rồi và thấy cu cậu ăn rất tốt nên rất tin tưởng. Nhưng sau đó nghe nói nếu uống trong thời gian dài sẽ không tốt thì bố mẹ liền cho Bi Bò dừng lại. Đến bây giờ, thấy tình trạng ăn uống của con ngán ngẩm như thế này, bố mẹ Bi Bò nghĩ đến chuyện lại cho con uống những loại thuốc đó để ăn uống tốt hơn, hi vọng không còn ngậm cơm, ngậm cháo mỗi khi ăn nữa.

Nhưng đã hơn một tháng thử nghiệm cách thức này mà bố mẹ Bi Bò vẫn không thấy hiệu quả đâu. Bi Bò vẫn ngậm, thậm chí giờ đây cả ngày cu cậu chỉ ăn một hộp sữa chua, bánh kẹo thì chỉ ăn loáng thoáng vài cái. Đến lúc này, cả nhà Bi Bò chỉ biết thở dài ngao ngán và tặc lưỡi: "Thôi thì con ăn được bao nhiêu thì ăn, trẻ con ăn uống cũng có từng thời kì, hy vọng thời kì chán ăn này của con sẽ nhanh chóng qua đi".

Các mẹ cũng nên biết một điều, cơ thể có thể tự tổng hợp vitamin, vậy nên nếu muốn bổ sung vitamin cho trẻ, cha mẹ cũng nên chú ý, đừng để trẻ dùng quá liều. Thiếu vitamin B1 dễ gây bệnh Beriberi với những dấu hiệu tổn thương thần kinh, thừa vitamin B1 gây dị ứng, choáng. Dùng vitamin B1 quá liều sẽ có hiện tượng hoảng hốt, đau đầu, mệt mỏi, tê thần kinh bắp thịt, tim mạch đập nhanh, chuột rút, phù nề. Tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung vitamin B1 cho con các mẹ nhé.

Theo Afamily