Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cần có một mô hình đào tạo theo hướng phân hóa trong đào tạo sư phạm mầm non.


CẦN CÓ MỘT MÔ HÌNH ĐÀO TẠO THEO HƯỚNG PHÂN HOÁ TRONG ĐÀO TẠO SƯ PHẠM MẦM NON

 

Giáo dục mầm non (GDMN) là bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân nước ta. Để đáp ứng yêu cầu mỗi ngày một cao của xã hội, cần xây dựng nguồn nhân lực phục vụ GDMN đủ về cơ cấu và trình độ như thế nào? Hoạt động đào tạo của chúng ta đáp ứng đòi hỏi đó ra sao? Chúng tôi xin điểm qua những nét chính sau đây:

Căn cứ thực tiễn giáo dục trẻ tại các cơ sở GDMN và hoạt động đào tạo nghiên cứu tại các trườngm khoa sư phạm và các trung tâm nghiên cứu GDMN, có thể thấy, chúng ta đang cần nguồn nhân lực với những chức danh như:

Trước hết, là giáo viên mầm non (GVMN). Hiện nay loại nhân lực này đang được ưu tiên đào tạo. Quy mô đào tạo GVMN đặc biệt bùng phát kể từ sau quyết định 161 2002/QĐ-TTG Thủ tướng Chính phủ. Điều cần xem xét là, liệu có hợp lý không khi hầu như tất cả các chương trình đào tạo của chúng ta từ trung học sư phạm cho đến cao đẳng và đại học, đều xác định mục tiêu chính là đào tạo ra GVMN (chỉ khác ở trình độ)? Và mục tiêu này, cũng chưa được phân hoá một cách hợp lý. Trong khi, bên cạnh đội ngũ GVMN làm công tác chủ nhiệm lớp (mà chúng ta đào tạo), thực tiễn giáo dục còn cần những giáo viên đảm trách một số hoạt động giáo dục mang tính năng khiếu, đặc thù. Họ là các giáo viên âm nhạc, thể dục, tiếng Anh, giáo viên làm công tác can thiệp sớm. Những giáo viên năng khiếu này, hiện đang được đào tạo theo một số chương trình song song với các chương trình đào tạo GVMN ở các trường CĐSP. Tuy nhiên, chúng ta cần xem xét lại chương trình đào tạo này theo hướng liên thông với chương trình đào tạo GVMN hiện hành.

Công tác tổ chức chăm sóc giáo dục trẻ ở các trường mầm non hiện nay, còn cần đến một loại nhân lực nữa đó là cán bộ quản lý. Họ là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn hoặc phụ trách bán trú. Ở nước ta hiện nay không có chương trình đào tạo chính quy nào, đặt ra mục tiêu đào tạo các nhà chuyên môn ở diện này.

Trong một vài chương trình đào tạo GVMN trình độ cao đẳng, có đề cập đến việc trang bị một số trí thức - tiềm lực để sau này có thể tham gia công tác quản lý. Hiện nay, đa số cán bộ quản lý các trường mầm non trưởng thành từ những GVMN có thành tích và thâm niên công tác. Trước hoặc sau khi được bổ nhiệm, họ được bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý tại các trường cán bộ quản lý giáo dục địa phương hoặc trung ương. Phần đông các cán bộ quản lý và thanh tra GDMN ở các địa phương được đào tạo theo cách này.

Một loại nhân lực nữa ngành GDMN rất cần, nhưng hiện nay đang khủng hoảng trầm trọng, đó là đội ngũ giảng viên dạy lĩnh vực chuyên ngành ở các khoa SPMN của các trường sư phạm. Hiện nay, ở nước ta không có một chương trình đào tạo này cho nhân lực này, kể cả chính quy và không chính quy. Trong tình hình đào tạo mã ngành đào tạo GVMN được mở ở hầu hết các trường sư phạm trung ương và đại phương như hiện nay, tình trạng thiếu hụt giảng viên dạy chuyên ngành phổ biến cả nước ta. Nếu coi việc chăm sóc giáo dục trẻ ở các trường mầm non là một nghề thì hiện tượng: người không có nghề đi dạy nghề, không còn là chuyện lạ!

Tiếp nữa là loại nhân lực làm loại công tác nghiên cứu thuộc loại lĩnh vực GDMN họ là những người hiện nay đang công tác ở các trung tâm nghiên cứu giáo dục trong đó có trung tâm nghiên cứu trẻ em trước tuổi học và đội ngũ đông đảo giảng viên giảng dạy ở các trường cao đẳng và đại học. Theo quy định mới nhất của bộ GD&ĐT, những giảng viên này phải dành ít nhất 30% quỹ thời gian lao động cho hoạt động nghiên cứu. Năng lực nghiên cứu của đội ngũ này chủ yếu được trau dồi qua thực tiễn và qua các khoá bồi dưỡng ngắn, tuỳ vào kế hoạch của mỗi đơn vị công tác.

Hiện nay, việc rèn luyện bồi dưỡng năng lực nghiên cứu trong chương trình đào tạo bậc cử nhân ở các trường sư phạm của ta còn rất khiêm tốn.

Sự phân tích trên đây có thể còn phiến diện và chắc chắn chưa thể là toàn bộ những gì cần đề cập khi nói tới nhu cầu nhân lực GDMN của nước ta hiện nay.

Song qua đây, có thể thấy: mục tiêu đào tạo của chúng ta còn quá hạn hẹp không đáp ứng đòi hỏi đa dạng về nguồn nhân lực GDMN. Tại sao các trường sư phạm từ trung học cho tới cao đẳng và thậm chí cả đại học ở nước ta lại chỉ đào tạo GVMN? Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc giới hạn mục tiêu này là gì? Trong khi, hoạt động đào tạo các nhà chuyên môn GDMN của nhiều nước tiên tiến trên thế giới (CHLB Nga, Hoa Kỳ, Úc…) từ lâu đã được tổ chức theo hướng vừa đảm bảo tính chuyên ngành, vừa đảm bảo tính phân hoá thì ta vẫn tiếp tục kiên trì giới hạn trên? Để làm rõ vấn đề đang đề cập, chúng tôi xin đưa ra một vài dẫn chứng sau:

Tại Hoa Kỳ, việc đào tạo các nhà chuyên môn hoạt động trong lĩnh vực giáo dục trẻ em (Earlychildhood professionals) được thực hiện trong một hệ thống chặt chẽ với những chương trình liên thông một cách hữu cơ, vừa đảm bảo tính chuyên ngành vừa mang tính phân hoá rõ rệt.

Hệ thống đào tạo của Hoa Kỳ chủ động cung ứng cho xã hội nguồn nhân lực giáo dục cho trẻ em, theo các chức danh sau:

Giáo viên chuẩn (earlychildhood accomplished teacher).
Cán bộ quản lý (Earlychildhood administrator)
Chuyên gia hoạc địch chính sách xã hội và luật định về giáo dục trẻ nhỏ (earlychildhood public policy and advocacy specialist)
Giảng viên hoặc người làm công tác nghiên cứu giáo dục trẻ em (early childhood teacher educator/ researcher)…

Điều đáng lưu ý là, để được xem là các nhà chuyên môn giáo dục trẻ em (early childhood professionals) tất cả các chức danh trên đều phải qua một chương trình đạo tạo chuyên môn với những nội dung và yêu cầu xác đinh. Quy định này ở nước ta hiện chưa có.

Tại CHLB Nga, từ hàng chục năm qua, việc phân cấp trong đào tạo cán bộ chuyên môn cho ngành giáo dục trẻ trước tuổi học (TTTH), giữa các hệ và phân hoá trong mỗi hệ khá rõ ràng. Hiện nay, các trường sư phạm TTTH (trước kia là trung học sư phạm), chuyên đào tạo giáo viên trực tiếp làm việc với trẻ tại các nhóm lớp. Bên cạnh mục tiêu đào tạo giáo viên nói chung, còn có chương trình nâng cao với 17 lĩnh vực chuyên môn sâu được phân hoá.

Tại các trường đại học, các khoa tâm lý – giáo dục trước tuổi học đảm nhiệm công tác đào tạo các chức danh ở trình độ đại học. Đó là:

+ Giáo viên mầm non nhưng chuyên sâu về một trong số các lĩnh vực mang tính năng khiếu, chuyên biệt họ là:
- Giáo viên dạy ngoại ngữ cho trẻ nhỏ
- Giáo viên chuyên trách công tác với trẻ có nhu cầu đặc biệt.
- Giáo viên âm nhạc
- Giáo viên thể dục thể thao…
+ Cán bộ quản lý trường mẫu giáo/ cán bộ chỉ đạo chuyên môn
+ Cán bộ giảng dạy các bộ môn thuộc chuyên ngành tâm lý học – giáo dục trước tuổi học

Các chức danh trên được đào tạo theo chương trình chung trong 2 năm đầu và phân hoá trong 2 năm tiếp theo [2]. khả năng chuyên môn và vị trí công tác mà họ có thể đảm nhiệm được ghi rõ trong bằng tốt nghiệp khi ra trường. Có thể thấy, hoạt động đào tạo ở những nước nói trên, vừa phân hoá để đảm bảo nguồn nhân lực ngày một đa dạng mà xã hội đòi hỏi, vừa chuyên sâu để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng giáo dục trẻ nhỏ.

Điều đó đáng để chúng ta suy nghĩ, xem xét lại mạng lưới đào tạo nhân lực GDMN nước ta hiện nay.

Việc đặt vấn đề phân hoá trong đào tạo như trên, hoàn toàn không có nghĩa là những sinh viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, được dặt vào các chức danh đã đào tạo một cách đương nhiên. Vấn đề sử dụng sau đào tạo phải tuân theo những quy đình và yêu cầu cần thiết khác của công tác nhân sự.

Theo Tạp chí GDMN