Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ của trẻ. Vì vậy, sau hai năm triển khai Quyết định 239/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ năm tuổi giai đoạn 2010-2015, bậc học này đã có những thay đổi đáng kể.
Giờ học vẽ của các cháu Trường mầm non Tân Thịnh B (TP Hòa Bình).
Triển khai đồng bộ
Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) cho biết, sau hai năm triển khai Quyết định 239/QÐ-TTg, mạng lưới trường, lớp mầm non được củng cố, mở rộng và phân bố đến phần lớn các địa bàn xã, phường, thôn bản, đáp ứng cơ bản nhu cầu và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Hầu hết, các tỉnh đều xây dựng kế hoạch và triển khai công tác phổ cập một cách đồng bộ. Thăm Trường mầm non Sơn Ca, xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình), dù là vùng núi nhưng trường, lớp học được xây dựng kiên cố khang trang, hệ thống thiết bị dạy học được trang bị đầy đủ. Theo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Ngự, dù là trường vùng miền núi, nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị của trường khá đầy đủ gồm: đồ dùng, đồ chơi trong lớp, ngoài trời, phần mềm dạy học, máy tính, ti-vi... Mặt khác, để bảo đảm số trẻ đến trường đầy đủ, nhất là trẻ năm tuổi, nhà trường thường xuyên phối hợp chính quyền địa phương, các thôn, xóm rà soát lại toàn bộ số trẻ trong độ tuổi của xã, tuyên truyền vận động các bậc phụ huynh và cộng đồng huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp. Vì vậy, toàn bộ số trẻ trong độ tuổi mẫu giáo của xã đều đến trường, được chăm sóc tốt. Không chỉ ở Phú Minh, theo Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh, dù có tới 49 xã đặc biệt khó khăn, 23 xã vùng lòng hồ sông Ðà... nhưng toàn tỉnh xác định hoàn thành đề án PCGDMN năm tuổi ngay trong năm 2012, nhằm tạo tiền đề nâng cao chất lượng giáo dục cho các cấp học tiếp theo.
Chỉ riêng hai năm vừa qua, tỉnh đã đầu tư 77,5 tỷ đồng để xây dựng phòng học và mua sắm trang thiết bị, đồ chơi. Công tác xây dựng đội ngũ giáo viên và vận động trẻ ra lớp đạt kết quả tốt, với 100% lớp mẫu giáo năm tuổi (719 lớp) được bố trí phòng học kiên cố hoặc bán kiên cố một lớp/phòng; toàn bộ giáo viên mầm non năm tuổi đều đạt chuẩn trình độ đào tạo, trong đó có 20% đạt trên chuẩn; 100% số trẻ trong độ tuổi được học hai buổi/ngày...
Theo Thứ trưởng Bộ GD và ÐT Nguyễn Thị Nghĩa, thực hiện chương trình PCGDMN cho trẻ năm tuổi đến hết năm 2011, cả nước có 12.976 trường mầm non, tăng 610 trường so với hai năm trước đây. Ðáng chú ý, trong phát triển quy mô trường lớp, cả nước có 33 tỉnh, thành phố phê duyệt đề án và thực hiện chuyển được 3.473 trường mầm non bán công sang công lập, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác PCGDMN năm tuổi. Nhiều địa phương đã ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư kinh phí xây mới trường mầm non tư thục đạt chuẩn và hiện đại với quy mô lớn để huy động trẻ mầm non ra lớp, với tổng số 269 trường mầm non tư thục được thành lập. Ngoài ra, một số tỉnh, thành phố đã chú trọng những điểm còn thiếu trường mầm non như TP Hồ Chí Minh xây dựng, thành lập mới 12 trường thì có chín trường trong các khu chế xuất, khu công nghiệp... Chương trình GDMN mới được các địa phương triển khai tích cực, giáo viên linh hoạt, sáng tạo trong đổi mới phương pháp, tạo môi trường phong phú cho trẻ tích cực tham gia các hoạt động. Ðến hết tháng 2-2012, cả nước đã có 1.543/11.069 xã, phường được kiểm tra công nhận đạt chuẩn PCGDMN cho trẻ năm tuổi. Riêng mười tỉnh đăng ký hoàn thành PCGDMN cho trẻ năm tuổi trong năm 2012 đã có 35,9% số xã, phường được công nhận đạt chuẩn PCGDMN năm tuổi...
Tháo gỡ khó khăn về cơ chế
Có thể nói, việc thực hiện Quyết định 239/QÐ-TTg đã thúc đẩy giáo dục mầm non phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã nảy sinh một số vướng mắc, nhất là những bất cập về cơ chế, chính sách cần có sự tháo gỡ kịp thời. Phó Giám đốc Sở GD và ÐT Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga cho rằng: Bộ GD và ÐT cần tham mưu với Chính phủ vấn đề xếp lương theo ngạch bậc đào tạo cho cán bộ quản lý, giáo viên, tránh thiệt thòi. Vì hiện nay, nhiều giáo viên mầm non có bằng đại học chính quy về ngành mầm non nhưng cũng chỉ được hưởng lương như trung cấp. Mặt khác, cần có những điều chỉnh Thông tư 71/2007/TTLT - BGDÐT - BNV vì nhân viên chăm sóc nuôi dưỡng quan trọng không khác gì giáo viên, nhưng hiện nay lại không có định biên hoặc không được hưởng theo thang bảng lương như viên chức. Theo Phó Giám đốc Sở GD và ÐT thành phố Hồ Chí Minh Trần Thị Kim Thanh, cần phải xác định rõ thời gian lao động cho cán bộ, giáo viên mầm non. Trong khi đó, Giám đốc Sở GD và ÐT Ðiện Biên Lê Văn Quý băn khoăn, lớp học mầm non phân bố ở các bản, trong khi đặc thù các tỉnh miền núi chủ yếu là các bản làng thưa thớt, có bản chỉ có 10 đến 20 hộ dân, cho nên tỷ lệ trẻ năm tuổi ít, phải mở lớp ghép, nhưng không có chế độ cho giáo viên lớp ghép.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, việc PCGDMN cho trẻ năm tuổi theo kế hoạch thực hiện trong năm năm là một thách thức. Chăm lo cho các cháu năm tuổi hiện nay chính là chăm lo cho tương lai đất nước. Từ sau giải phóng đến nay, mầm non là bậc học đầu tư còn hạn chế, trường lớp ít, giáo viên thiếu, khả năng đến đâu do địa phương... Vì vậy, hai năm đầu thực hiện PCGDMN năm tuổi có ý nghĩa quan trọng, các địa phương đã có sự chỉ đạo đồng bộ từ cấp tỉnh, huyện, xã cho nên quy mô trường lớp và số trẻ năm tuổi đi học tăng lên. Chính phủ đã ban hành chính sách liên quan đến PCGDMN năm tuổi, sau hai năm sẽ xem xét các cơ chế nếu cần thiết sẽ có những bổ sung cho những năm tiếp theo để phù hợp thực tiễn triển khai, nhằm thực hiện tốt hơn. Tuy nhiên, những nơi khó khăn cũng cần có suy nghĩ và tính toán sâu sát hơn nữa. Những địa phương khó khăn chậm hoàn thành thì hằng năm Bộ GD và ÐT làm việc với địa phương để cùng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn với mục tiêu hoàn thành PCGDMN năm tuổi vào năm 2015 một cách thiết thực, không chạy theo thành tích.
Theo Nhân Dân