SỬ DỤNG YẾU TỐ TRỰC QUAN CÓ TÍNH THỬ NGHIỆM KHI CHO TRẺ MẪU GIÁO 5 TUỔI LÀM QUEN VỚI THIÊN NHIÊN VÔ SINH
Đỗ Thị Hoa – Phó trưởng phòng GDMN
Sở GD&ĐT Lạng Sơn
Thiên nhiên vô sinh là những sự vật và hiện tượng trong thế giới tự nhiên, bao gồm sỏi, cát, đất, đá, nước, không khí, ánh sáng…, thiên nhiên vô sinh không có quá trình đồng hoá và dị hoá, chúng không sinh ra mà chỉ bị tan rã và bị bào mòn do ảnh hưởng của những hiện tượng tự nhiên, chúng rất gần gũi với con người, bao quanh con người và có ảnh hưởng rất lớn đến sự tồn tại và phát triển của con người. Vật liệu trong thiên nhiên vô sinh vừa là phương tiện, vừa là đối tượng kích thích trẻ hoạt động để phát triển về thể chất và tinh thần. Vì chính trong quá trình hoạt động với vật liệu của thiên nhiên, trẻ em có thể phát hiện ra nhiều điều kỳ thú, hấp dẫn, làm nảy sinh ở trẻ những xúc cảm tinh tế, tạo ra trạng thái tinh thần dễ chịu và thoải mái.
Có thể nói rằng nơi nào có nhiều sỏi, cát, đất đá, nước, ánh sáng… thì nơi đó có sức quyến rũ đối với trẻ, vì đến với thiên nhiên vô sinh là sở thích vốn có của trẻ, nhưng không phải cứ đến với thiên nhiên vô sinh là trẻ biết phát hiện và cảm thụ được tính chất riêng biệt của nó. Nhiều cháu đến với thiên nhiên vô sinh là để chơi, để nghịch cho thoả thích, nhiều khi còn có hành động phá phách nữa, do đó người lớn cần phải dạy trẻ biết ngắm nhìn, quan sát và hoạt động với thiên nhiên vô sinh với thái độ say mê, trân trọng, cần phải tạo điều kiện để trẻ được tiếp xúc với thiên nhiên vô sinh không chỉ qua các buổi đi dạo, đi chơi, tham quan mà cả trên tiết học cụ thể nữa.
Nhiều công trình nghiên cứu sư phạm và tâm lý học đã chứng tỏ rằng: việc trẻ nắm được những nội dung tri thức khác nhau là kết quả hoạt động tư duy của chúng do giáo viên tổ chức một cách phù hợp. Tri thức bao giờ cũng là sản phẩm của những nhận thức nhất định của trẻ. Vì vậy tiết học (1) là điều kiện thuận lợi để tổ chức hoạt động tạo ra những hứng thú nhận thức của chúng.
Tiết học làm quen với thiên nhiên vô sinh được giới hạn trong phạm vi hẹp hơn so với dạo chơi, tham quan, hình thức tiết học có ưu thế hơn các hình thức khác trong việc giúp trẻ lĩnh hội tri thức, việc lĩnh hội có tính liên tục và chính xác hơn. Đồng thời trên tiết học, dưới tác động của việc dạy, các thao tác trí tuệ được tiến hành một cách tích cực hơn, việc phát triển năng lực trí tuệ của trẻ cũng được thúc đẩy một cách nhanh chóng và mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên việc tiến hành tiết học “Làm quen với thiên nhiên vô sinh” có phần khó dạy, khó gây được hứng thú lâu đối với trẻ và trẻ cũng khó khăn trong việc lĩnh hội tri thức. Vì vậy để khắc phục những nhược điểm đó cần tìm ra những phương pháp và biện pháp dạy thật thích hợp.
Để khêu gợi hứng thú nhận thức của trẻ, thúc đẩy sự tập trung chú ý làm cho nó vững chắc thì trong quá trình cho trẻ làm quen với thiên nhiên vô sinh cần tính đến vấn đề luôn cho trẻ làm quen với cái mới, cái chưa biết rõ, tìm hiểu những tính chất, những mối liên hệ của sự vật hiện tượng bằng cách cho trẻ làm những thí nghiệm đơn giản, trong quá trình hoạt động với đối tượng, sự tập trung chú ý của trẻ trở nên vững chắc và lâu dài hơn, đứa trẻ tiếp nhận những thông tin đầy đủ hơn về sự vật, hiện tượng. Được làm các thí nghiệm đơn giản sẽ làm thỏa mãn tính tò mò tự nhiên của đứa trẻ, cung cấp cho trẻ những khả năng vận dụng một cách chủ động, sáng tạo những kiến thức, kỹ năng trong hoạt động.
Ví dụ: khi cho trẻ làm quen với đất sét, cô giáo cho trẻ được véo đất, vê đất, nặn đất và cho trẻ được làm thí nghiệm bằng cách bỏ cục đất sét vào nước xem nó chìm hay nổi, có thấm nước không?… vừa làm cô vừa hỏi trẻ, quá trình đó sẽ giúp trẻ nhận thức tính đơn giản của sự vật một cách dễ dàng rằng:
- Đất sét, mềm, không tan trong nước, chìm trong nước, không thấm nước, có màu vàng… và cho trẻ hiểu đất sét dùng để làm chum, vại, bát đĩa…
Song để việc sử dụng trực quan có tính thử nghiệm trên tiết học được hiệu quả cao thì một trong những vấn đề quan trọng không thể không nhắc tới đó là những thủ thuật của cô giáo để kích thích trẻ tập trung chú ý vào tiết học, mà quá trình sử dụng trực quan có tính thử nghiệm trên tiết học cô giáo phải kết hợp nhiều thủ thuật đó chính là các câu hỏi kích thích trẻ hoạt động với đối tượng tập trung chú ý để tìm ra lời giải đáp.
VD: đây là cái gì? Không biết nó có tan trong nước không? Làm thế nào để biết được?… những câu hỏi như vậy sẽ kích thích trẻ, buộc trẻ phải suy nghĩ, hoạt động với đối tượng để tìm ra lời giải đáp đúng đắn. Các câu hỏi đó sẽ làm cho trẻ trở nên say sưa, tìm kiếm những cái mới, cái chưa biết về sự vật, hiện tượng, và với giọng nói có sức thuyết phục, lời giải thích rõ ràng, mạch lạc, tác phong sư phạm của cô giáo cũng góp phần quan trọng vào việc gây hứng thú cho trẻ trên tiết học.
Như vậy khi cho trẻ làm quen với bất kỳ một đối tượng nào trong thiên nhiên vô sinh cô giáo cần:
1. Những thí nghiệm và những đối tượng đưa ra dạy trẻ phải phù hợp với đặc điểm tâm lý nhận thức của trẻ; tính trực quan, dễ nhận biết sự thay đổi.
2. Dựa vào những thuộc tính vốn có của sự vật, hiện tượng đưa ra những thí nghiệm đơn giản, qua đó giúp trẻ tự đưa những nhận xét đúng đắn những tính chất đơn giản của sự vật, hiện tượng.
3. Cho trẻ trực tiếp tiếp cận đối tượng, hoạt động với đối tượng, tự tay làm những thí nghiệm đơn giản như: tự tay bỏ đất, cát vào chậu nước xem nó chìm hay nổi hoặc cuộn miệng túi ny lông lại xem nó như thế nào? tại sao nó phồng lên?…
4. Quá trình hướng dẫn trẻ cô giáo phải dùng nhiều thủ thuật đưa ra những câu hỏi kích thích trẻ tập trung chú ý vào tiết học tạo cho trẻ niềm say mê, hứng thú tìm tòi, khám phá phát hiện những cái mới, cái chưa biết của sự vật, hiện tượng.
5. Để thực hiện tốt loại tiết học này đòi hỏi cô giáo phải có chuẩn bị kỹ lưỡng cả về đối tượng dạy, tính thử nghiệm, những thủ thuật, hệ thống câu hỏi định đưa ra trong tiết học.
Trong thực tế các trường mầm non, việc cho trẻ làm quen với thiên nhiên vô sinh còn rất hạn chế thậm chí nhiều trường chưa chạm đến lĩnh vực này, vì vậy việc áp dụng yếu tố trực quan có tính thực nghiệm trên tiết học “Làm quen với thiên nhiên vô sinh” trong quá trình cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh là rất quan trọng và cần thiết để tiết học đạt hiệu quả cao và đây cũng chính là điều kiện để trẻ thấy rõ hơn sự phong phú đa dạng của thế giới tự nhiên.
Dưới đây là một ví dụ
Cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi làm quen với đất sét
I. Yêu cầu: giúp trẻ
- Biết một số đặc điểm cơ bản của đất sét: dẻo, chìm trong nước, không thấm nước, không tan trong nước…
- Biết lợi ích của đất sét dùng để làm bát, đĩa, chum, vại, lọ hoa, chậu hoa, cây cảnh…
II. Chuẩn bị:
- Đất sét đủ cho cô và trẻ
- Chậu nước nhỏ
- Bảng con
- Một số sản phẩm làm từ đất sét trưng bày ở góc (bát, đĩa, thìa, ấm, chén, lọ hoa, chậu hoa, cây cảnh, đồ vật, con vật… làm bằng đất sét)
- Bàn để bày sản phẩm do cô và trẻ tạo ra
III. Gợi ý hoạt động:
- Trò chuyện với trẻ về các loại đồ dùng bằng sứ
- Cho trẻ lăn đất, nặn đất, véo đất, vê đất và bỏ viên đất nhỏ vào chậu nước, quan sát viên đất trong nước, lấy viên đất ra… (vừa làm cô giáo, vừa gợi hỏi trẻ: đất chìm hay nổi, có tan trong nước, có thấm nước không, đất có màu gì và nói cho trẻ biết lợi ích của đất sét)
- Cho trẻ tạo sản phẩm theo ý thích
- Trưng bày sản phẩm và nhận xét sản phẩm
- Tham quan góc sản phẩm tạo ra từ đất sét
Theo Tạp Chí GDMN