Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đừng ép con ăn bằng mọi giá!


Các bố mẹ hãy yên tâm là con mình sẽ không bao giờ bị "chết đói" vì biếng ăn.


Vì sao trẻ biếng ăn?
Theo thống kê, trẻ thường mắc chứng biếng ăn ở độ tuổi từ 2 đến 3, tuy nhiên một số trường hợp kéo dài đến tầm 7 tuổi. Chứng biếng ăn ở trẻ thường xuất hiện do: khẩu phần ăn không đa dạng, chỉ xoay quanh bột, cháo, trẻ sẽ nảy sinh tâm trạng không muốn ăn, chán ăn các loại thức ăn mới khác. Và trẻ thường chỉ chọn ăn những món gì mình thích. Ví dụ như khi ăn món rau trộn, có những trẻ chỉ ăn cà rốt có màu cam trong khi một số trẻ khác lại chỉ ăn hạt đậu...


Xét theo khía cạnh tâm lý, việc trẻ biếng ăn, không chịu ăn cái nọ, cái kia không chỉ là biểu hiện của tính khí thất thường khi nhỏ tuổi mà đó cũng là một cách để trẻ tự khẳng định mình. Vì vậy thay vì nóng vội ép trẻ ăn, bố mẹ cần khéo léo và tinh tế để uốn nắn trẻ trong việc ăn uống.


Có nên ép con ăn bằng mọi giá?
Câu trả lời là không. Các bố mẹ hãy yên tâm là con mình sẽ không bao giờ bị "chết đói" vì biếng ăn. Theo bản năng, trẻ luôn biết lượng thức ăn nạp vào cơ thể bao nhiêu là đủ và cũng cảm thấy rất nhanh nếu bị ngấy. Vì vậy bố mẹ không nên ép con ăn quá mức, rất dễ dẫn đến chứng sợ ăn và chỉ làm cho bữa cơm mất ngon mà thôi. Nếu bữa này bé ăn ít, hãy dỗ bé là bữa sau sẽ ăn nhiều hơn và khi nấu, bạn nên lưu ý đừng bỏ qua những thực phẩm, thức ăn mà bé thích.

Để có thể khiến cho bé thích thú với việc ăn uống, bố mẹ cần có những biện pháp khéo léo để bé luôn muốn thử các món ăn mới, dần dần vị giác của bé sẽ được phục hồi và không còn chán ăn nữa. Bạn có thể thử bằng một chút "ngụy trang": khi trẻ nhìn thấy bố mẹ ăn một món gì đó có vẻ rất ngon lành, chắc chắn bé cũng sẽ muốn được tự mình nếm thử món ăn đó!


Lời khuyên dành cho cha mẹ
Cũng như việc ru ngủ, bố mẹ nên hình thành cho con thói quen ngồi vào bàn ăn một cách nghiêm túc nhất. Hãy thông báo trước 10 phút thời điểm ăn cơm để bé có thời gian kết thúc mọi hoạt động khác như chơi đùa, xem tivi... Nếu bé lớn hơn một chút, bạn hãy để bé cùng tham gia vào việc dọn bàn ăn, bé chắc chắn sẽ thích thú với bữa cơm mà mình đã công phu chuẩn bị.


Trong trường hợp trẻ nhăn mặt cảm thấy một món ăn không ngon, đừng ép chúng ăn mà hãy khen ngợi về gu thưởng thức của con. Hãy tránh việc mắng mỏ và làm căng thẳng bất cứ chuyện gì trong bữa cơm của gia đình vì "trời đánh còn tránh miếng ăn", một bữa mà cơm không lành, canh không ngọt thì đương nhiên bé nhà bạn cũng chẳng thấy có gì thích thú!


Một lưu ý quan trọng nữa là đừng để bé bị gián đoạn bởi những hoạt động khác trong bữa ăn. Để dỗ cho con ăn, nhiều gia đình thường cho bé chơi đồ chơi trong khi ăn, nhưng bàn ăn không phải là sân chơi, vì vậy không nên để bé có thói quen này. Bạn cũng không nên bật tivi trong bữa cơm, trẻ không có đủ khả năng tập trung vào hai công việc cùng một lúc: ăn cơm và xem tivi, bé sẽ rất dễ bị tivi cuốn hút và quên luôn việc phải ăn hết chỗ cơm trong bát của mình.


Theo afamily