Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Mầm non ngoài công lập: Nhiều vướng mắc trong quản lý


Trong khi hệ thống công lập mầm non quá tải thì việc "gánh đỡ" tới hơn 66.000 trẻ được chăm tại các cơ sở ngoài công lập Hà Nội là con số đáng kể. Tuy nhiên khi chất lượng của các trường chưa được kiểm soát đầy đủ thì nhiều rủi ro có thể sẽ rơi vào giáo viên và trẻ mầm non vốn đã không được hưởng ưu đãi như khối công lập.

Mong muốn cho con em mình có một môi trường chăm sóc tốt, không ít phụ huynh đã bỏ số tiền học phí gấp hàng chục lần so với hệ công lập để con em mình được học tại các trường ngoài công lập, đặc biệt là những trường có yếu tố nước ngoài. Vậy mà gần đây các phụ huynh trường mầm non Maple Bear đã phải lên tiếng phản ứng về tình trạng thiếu ổn định trong hoạt động chăm sóc, giáo dục, gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý, sức khỏe của trẻ. Với hơn 9 triệu đồng học phí mỗi tháng, các mẹ ở đây phản ánh là lớp của con mình đổi tới 10 cô trong hơn một năm học. Điều này cũng được chính hiệu trưởng các trường mầm non ngoài công lập thừa nhận về việc đội ngũ giáo viên thiếu ổn định. Đại diện trường Mầm non Lê Quý Đôn, Từ Liêm cho biết, có những thời điểm số lượng giáo viên thay đổi tới 14 người trong một năm. "Rất khó ổn định các lớp học khi nhà trường phải liên tục tuyển thêm giáo viên và thực hiện bồi dưỡng lại cho giáo viên mới" - đại diện trường này cho biết.


Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Phó phòng GD-ĐT Tây Hồ cho biết, quận Tây Hồ chỉ có 8 trường công lập, nhưng có đến 16 trường ngoài công lập, trong đó 5 trường có yếu tố nước ngoài. Lớp học hầu hết đi thuê, chỉ có một trường do đất của gia đình tự xây. Các lớp học này chính là phòng ở của gia đình nên không thuận lợi cho việc chăm sóc trẻ. Bên cạnh đó, do các đơn vị ngoài công lập mượn lý do thuê nhà đắt nên trả lương giáo viên thấp. Điều này khiến các trường vừa không giữ được giáo viên đồng thời cũng không thể yêu cầu họ làm thật tốt về chuyên môn.


Trong khi thu học phí ở các trường có yếu tố nước ngoài cao là vậy nhưng việc đảm bảo chất lượng chỉ là cam kết của cơ sở đào tạo, còn việc kiểm soát, công nhận chất lượng theo chức năng của các cấp quản lý lại rất hạn hẹp. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh cho biết, hiện tại những trường do UBND quận quyết định thành lập đã tạo được nếp sinh hoạt chuyên môn với phòng GD-ĐT nhưng những trường do thành phố cấp quyết định thành lập là rất khó quản lý. "Chúng tôi muốn xuống kiểm tra phải báo trước và các cơ sở này cũng không sinh hoạt chuyên môn theo khối quận. Muốn kiểm tra, chúng tôi phải phối hợp với CAQ, mời cả phòng Nội vụ quận. Năm ngoái, đoàn kiểm tra liên ngành đã phạt một trường 15 triệu đồng vì để giáo viên nước ngoài dạy khi chưa có giấy phép lao động" - Bà Thanh cho biết.


Khó khăn trong công tác quản lý được đại diện Phòng GD-ĐT Thanh Xuân cho biết, quận này có 100 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, mỗi cơ sở có từ 2-3 nhóm lớp. Phòng GD-ĐT Thanh Xuân không thể quản lý được hết 100 cơ sở này vì vậy phải giao cho các trường công lập trên địa bàn giúp đỡ chuyên môn cho các lớp tư thục. Việc kiểm tra chỉ có thể thực hiện 6 tháng/lần.


Để đảm bảo chất lượng, quản lý được đồng đều các hoạt động giáo dục của cơ sở mầm non ngoài công lập, bà Nguyễn Thị Kim Thanh cho rằng thành phố cần có sự phân cấp quản lý với trường mầm non có yếu tố nước ngoài để tạo điều kiện cho công tác chỉ đạo của cấp địa phương. Được biết, Hà Nội hiện có 831 nhóm, lớp và 177 trường mầm non ngoài công lập.


Theo ANTĐ