Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ em Việt Nam bị thấp, còi do nuôi không đúng cách


Trong Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011- 2015 đã đặt ra một số mục tiêu như tăng tỉ lệ trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu lên 27% vào năm 2015 và 35% vào năm 2020.


Ngày 22-5, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cùng Tổ chức Nuôi dưỡng và phát triển (A&T) tổ chức Hội thảo khoa học về nuôi dưỡng trẻ nhỏ. Ông Nguyễn Duy Khê, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế cho biết: Hiện nay, ở nước ta chỉ có hơn 60% trẻ được bú mẹ trong vòng 1 giờ đầu sau sinh; chỉ 1/5 trẻ sơ sinh được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và vẫn còn tới gần 1/3 trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi - đây là nguyên nhân Việt Nam đứng thứ 13 trong số các nước có tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thấp còi cao nhất thế giới.


Từ những bất cập đó, trong Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011- 2015 đã đặt ra một số mục tiêu như tăng tỉ lệ trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu lên 27% vào năm 2015 và 35% vào năm 2020. Giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 26% vào năm 2015 và xuống còn 23% vào năm 2020.


Cùng đó, các chuyên gia dinh dưỡng trong và ngoài nước nhận định, tỉ lệ trẻ thấp còi ở Việt Nam còn cao là do nhiều bà mẹ chưa cho trẻ bú sớm và không cho trẻ bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho trẻ ăn thức ăn đặc quá sớm hoặc thức ăn nghèo dinh dưỡng. Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo: Trẻ sơ sinh cần được bú mẹ sớm ngay từ giờ đầu sau sinh, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu - nghĩa là không dùng bất cứ loại đồ ăn thức uống nào khác kể cả nước và được cho ăn bổ sung hợp lý tiếp tục được bú mẹ đến 24 tháng hoặc lâu hơn.


Theo PL&XH