Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

"Bạc mặt" chạy cho con vào lớp 1


Muốn con vào học trường điểm, trái tuyến, các bậc phụ huynh phải đáp ứng tiêu chuẩn: có tiền, có quyền và có quan hệ.

Tháng 7 mới là thời điểm chính thức nộp hồ sơ tuyển sinh vào lớp 1, song các bậc PHHS ở Hà Nội đã đua nhau lo "chạy trường" cho con.

Phụ huynh luôn muốn con mình phải vào trường công cỡ Tiểu học Thực nghiệm, chí ít cũng phải Tiểu học Thành Công, Kim Liên... Nếu trường dân lập cũng là trường "có số, có má" như Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Siêu...

 

 

Muốn con vào học trường điểm, trái tuyến, các bậc cha mẹ đã lên kế hoạch từ khi các bé vào mẫu giáo lớn. Không những vậy, còn phải có 1 trong 3 yếu tố: Có tiền, có quyền, có quan hệ. Và cũng rất thấu đáo học kinh nghiệm người đi trước về đường đi nước bước, vì không phải cứ chi đẹp là đủ. Một số phụ huynh lắm tiền còn chơi sang "đi trước đón đầu", chọn trường gần nhà bằng cách bán nhà ở khu vực "trái tuyến" để mua nhà, nhập hộ khẩu ở khu vực đúng tuyến, tiện cho việc chọn trường đúng nguyện vọng, lại "đúng luật".

Cũng có khá nhiều cha mẹ học sinh đã "ngộ" ra, việc "chạy trường" vất vả, tốn kém. Như anh Nguyễn Đình Chính (phố Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm) đúc kết thành một quan điểm xem ra được sự đồng thuận từ nhiều người: "Cấp 1 chọn cô, cấp hai chọn lớp, cấp 3 chọn trường". Vẫn là "chọn" thôi, nhưng "chọn cô" ở cấp 1, trọng tâm, thiết thực hơn. Nhiều vị phụ huynh cho rằng, dù trường công, hay tư, trường quốc tế hay trường "làng" thì vai trò quan trọng, đảm bảo chất lượng học cho trò bao giờ cũng nằm ở nhân vật "trung tâm" của nhà trường phổ thông: Thầy cô giáo. Chị Thục Quyên - nhà ở phố Thái Hà, không xa Trường Tiểu học Thành Công - chán ngán khi chứng kiến cảnh phụ huynh chen chúc chờ đợi mua đơn xin học cho con.

Sau khi cân nhắc, chị cùng chồng quyết định xin cho con học đúng tuyến, gần nhà đảm bảo sức khỏe cho các cháu, không tốn thời gian của bố mẹ trong việc đưa đón con, tiết kiệm được tiền bạc. Hơn nữa, các cô giáo đều được đào tạo chính quy, trường nào cũng có cô dạy giỏi, dạy khá, điều quan trọng là các cô phải có nhân cách ông thầy, là "Tấm gương sáng cho học sinh noi theo".

Chị Thúy Loan, cô giáo đang dạy tiểu học, nêu quan điểm: "Các bé đang học tiểu học, các bậc cha mẹ không nên đặt nặng thành tích là phải trở thành học sinh giỏi, đứng đầu lớp... như vậy sẽ tạo cho các cháu một áp lực, vượt khả năng các cháu, nhiều cháu không thực hiện được yêu cầu của cha mẹ nên rất lo sợ, tự ti, trầm cảm, chán học".

Để khắc phục cơn sốt " thật" lẫn sốt "ảo"- " chạy trường" đầu năm học - trách nhiệm thuộc ngành chủ quản - giáo dục. Những nhà quản lý giáo dục cần tạo sự công bằng chất lượng giáo dục giữa các trường. BGH từng trường phải tự làm mới mình bằng cách quản lý giáo viên, động viên các thầy cô thường xuyên tự học, tiếp cận kiến thức khoa học công nghệ tiên tiến, biết cải tiến nội dung, phương pháp dạy để PHHS yên tâm cho con học đúng tuyến.

Theo Lao động