Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Dạy bé từ những việc sai


Cùng tham khảo những câu chuyện dạy con từ 2 người mẹ.

Câu chuyện thứ nhất: Giành giật đồ chơi giữa hai anh em

Tim (4 tuổi) hay tranh giành đồ chơi với em gái Dưa (3 tuổi). Một lần, anh Tim có món đồ chơi khá độc đáo nên Dưa muốn mượn để chơi. Tim từ chối, liền bị em giật mất đồ chơi khỏi tay. Bực mình nên Tim tát vào mặt em. Khi mẹ của hai bé trở về và hỏi chuyện gì xảy ra, Dưa hét lên: "Anh Tim tát con" trong khi đó Tim khăng khăng phủ nhận: "Con không đánh em".

 

Cách ứng xử của mẹ trong trường hợp này:

Kiểm tra thực tế: Một bé nói dối để che đậy hành động hung hăng có thể để lại những "dấu vết" trên cơ thể người bị hại; chẳng hạn như gây thương tích cho họ. Cha mẹ nên kiểm tra để xem liệu bé có nói dối hay không, từ đó có cách dạy con phù hợp, thay vì coi việc này như một bằng chứng để phạt bé nặng nề.

Điều cha mẹ nên nói: Tránh đặt một câu hỏi để kiểm tra độ trung thực của bé, chẳng hạn: "Nhìn thẳng vào mắt mẹ và thề là con không đánh em đi". Bởi như thế, bạn chỉ khiến bé sợ thêm mà không dám nói thật. Thay vào đó, bạn nên nói: "Mẹ biết con và em đã giành nhau đồ chơi nhưng mẹ hứa là không phạt, nếu con nói thật là con có tát em hay không?". Nếu bé có vẻ biết lỗi, bạn có thể trấn an bé thêm: "Ai cũng có thể mắc lỗi, nhất là khi đang cáu giận nhưng quan trọng là con biết nhận lỗi".

Điều cha mẹ nên làm: Sau khi kiểm tra chắc chắn hai bé không bị thương nặng, bạn có thể ngồi xuống với Tim, hỏi xem làm sao để xin lỗi em Dưa bây giờ. Bạn cũng có thể cung cấp cho con các gợi ý nếu thấy bé đang lúng túng; ví dụ, ra xin lỗi em và hứa sẽ cho em mượn đồ chơi trong 2 tiếng. Sau đó, gọi hai anh em ra nhắc nhở về chuyện vì sao không nên tranh nhau đồ chơi.

Câu chuyện thứ hai: Anh chửi bậy với em

Bi (6 tuổi) thích chơi trò xây tháp bằng những khối gỗ với em trai Bin (4 tuổi). Một lần, anh Bi xây được một "tòa tháp cao chọc trời" thì bị em Bin lỡ tay làm đổ. Bin đã nhanh nhảu: "Em xin lỗi" nhưng anh Bi vẫn rất tức giận và chửi em khiến em Bin phải nức nở chạy ra chỗ mẹ.

Cách ứng xử của mẹ trong trường hợp này:

Hiểu về bé: Các bé thường có cảm xúc mạnh nhưng lại yếu từ vựng để bày tỏ nỗi thất vong, giận dữ của mình. Vì thế, nhiều bé cáu giận là chửi bậy.

Điều cha mẹ nên nói: Mẹ có thể giúp anh Bi phát triển "từ vựng cảm xúc" bằng cách đặt tên cho cảm xúc của Bi. Ví dụ, nói với bé rằng: "Khi con tức giận con có thể nói: ‘Anh buồn em lắm' hoặc ‘Anh rất bực mình vì em làm hỏng tòa nhà của anh'... nhưng tuyệt đối không được chửi bậy". Đó là ngôn ngữ có thể làm em Bin thấy buồn và tổn thương. Sau đó, gợi ý cho anh đi xin lỗi em và nhắc nhở bé rằng, nếu sau này em có làm gì sai mà xin lỗi thì nên tha thứ cho em.

Điều cha mẹ nên làm: Trong trường hợp này, nếu Bi bình tĩnh và chịu tiếp thu lời mẹ nói thì tốt. Tuy nhiên, nếu bị mẹ ép buộc phải xin lỗi em thì với Bi, đó không phải sự hối lỗi thực sự, thậm chí nó còn làm bùng nổ mạnh hơn cơn giận dữ của bé. Mẹ có thể làm người "cầu hòa trung gian", quay sang nói với em Bin là: "Mẹ chắc anh Bi đã biết lỗi vì đã nói không đúng với con. Mẹ biết con buồn lắm". Sau đó, bạn nói với anh Bi là khi bình tĩnh hơn thì hai mẹ con sẽ nói chuyện về việc xin lỗi và chuộc lỗi với em trai.

Theo Mevabe