Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Khi con là... “kẻ trộm”


 

"Con không phải là kẻ trộm, con thấy tiền rớt trên bàn. Tại mẹ chứ đâu phải tại con!"

Mặt đỏ gay, cậu bé 10 tuổi của tôi gào lên, nước mắt giàn giụa. Tôi mới phát hiện tờ 100 ngàn đồng mà mình đi chợ về để trên bàn bị mất. Lúc đó chỉ có con và tôi ở nhà.
Thú thật, lúc đầu tôi định đánh cho con một trận. Nó thừa biết tiền trên bàn, trong nhà mình thì chỉ là tiền của mẹ. Lấy được tiền của mẹ, chắc chắn nó có thể lấy tiền của bất cứ ai. Tôi hình dung một ngày nó bị người ta bắt vì tội ăn trộm, bị đánh đập tàn nhẫn... Tôi thất vọng quá đỗi, mới 10 tuổi, nhu cầu chi tiêu chưa là bao mà thấy tiền con đã tham thì không biết lớn lên sẽ thế nào.
Tôi đang loay hoay với tâm trạng rối bời thì con cầm tờ 100 ngàn đồng đặt lên bàn, lí nhí: "Con xin lỗi. Nhưng mẹ đừng để tiền lung tung nữa nhé". Thấy thái độ sợ sệt của nó, lòng tôi chùng xuống. Ừ nhỉ, thì cũng một phần tại tính mình hay quẳng tiền lung tung. Tôi gọi con lại nói chuyện. Tôi nói với con cảm giác của mình khi phát hiện con là kẻ trộm. Tôi cũng xin lỗi con về cái tính luộm thuộm của mình và hứa sẽ cẩn thận hơn. Nhưng tôi muốn con biết cảm giác hụt hẫng, thất vọng và có phần hoảng hốt của tôi khi phát hiện con đã lấy tiền.

Con trai giọng buồn buồn thanh minh: "Với mẹ không nhiều nhưng con rất cần khoản tiền đó. Con đang muốn mua một con JoJo". Tôi chợt nhớ ra mấy hôm trước nó đòi mua đồ chơi. Tôi bảo không có tiền và phải chờ khi nào sinh nhật con tôi mới tặng. Nhưng tính ra phải còn 10 tháng nữa mới tới sinh nhật con, mà bọn con trai lớp nó đứa nào cũng có con JoJo. Tôi thấy thương con nhưng vẫn giận nên không thèm ôm nó vào lòng. Nó cố gắng xích lại gần tôi hơn, hình như nó đang ân hận vì điều đó.
Tôi hỏi con về cảm giác của nó khi lấy tiền của mẹ, nó trả lời: "Con hồi hộp, lo lo và hơi thích vì được cầm tiền". Tôi không phủ nhận cảm giác của con, vì nó đang chia sẻ rất thật. Tôi muốn biết con mình hành động một cách có ý thức hay chỉ là một phút bốc đồng.
Tôi nói với con về nguy cơ của những thói quen xấu. Nhu cầu tiền bạc lúc nào cũng có, càng ngày càng nhiều hơn. Lúc đầu thì mình có thể lấy cắp ít, lấy đủ nhu cầu mua sắm cụ thể của mình. Nhưng dần dần, mình sẽ có thói quen gặp cơ hội là lấy và "để dành". Rồi thậm chí lúc nào, đi đâu cũng để ý tìm sự sơ hở của người khác để lấy tiền, lấy đồ của họ. Có tiền sẵn, sẽ tiêu pha vô tội vạ. Một lần lấy được tiền người khác, nếu không bị phát hiện thì sẽ lấy thêm nhiều lần nữa. "Một mất mười ngờ", khi mất tiền, người ta sẽ nghi ngờ người này người khác. Như vậy vô tình sẽ làm mất niềm tin của những người xung quanh, và nhiều người sẽ bị nghi oan.
Con trai tôi không nói gì, mắt nó rơm rớm. Tôi biết cu cậu đang hối hận về hành động của mình. Cũng may mà tôi đã phát hiện sớm. May là tôi cũng đã bình tĩnh để cùng con chia sẻ và giúp nó kịp thời. Tôi cũng thầm cảm ơn con, có "sự cố" này mà tôi cẩn thận với tiền bạc hơn. Tôi hứa cuối tuần sẽ cùng con đi chọn mua con JoJo mà nó mong ước.

Theo PNO