Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trường hợp đầu tiên pin tiểu nổ gây tổn thương mắt


Gần đây xảy ra nhiều trường hợp pin điện thoại di động nổ, ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Mới đây xảy ra một trường hợp pin tiểu nổ (pin thường sử dụng cho xe điện, đồ chơi dành cho trẻ em), than trong pin bắn vào mắt gây tổn thương giác mạc cho một em bé 3 tuổi. Phụ huynh cần phải cẩn trọng khi cho trẻ chơi các loại đồ chơi có gắn pin. Vụ việc này được đặt ra tại Văn phòng Khiếu nại người tiêu dùng TPHCM vào ngày 2-8 Suốt buổi chiều 2- 8, Văn phòng Khiếu nại người tiêu dùng TPHCM tiến hành hòa giải vụ pin tiểu loại 2A (1,5 V) gây nổ làm cho cháu Vũ Khắc Thắng (3 tuổi), con ông Vũ Khắc Thạnh ngụ tại 421/2C Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, gây tổn hại cả 2 mắt do than trong pin bắn vào mắt vẫn không đạt được kết quả. 6 ngày mới mở được mắt Trong đơn khiếu nại gửi đến Văn phòng Khiếu nại người tiêu dùng TPHCM ghi rõ: Ngày 5-6, gia đình ông Thạnh tổ chức về quê ở Cai Lậy, Tiền Giang và có mua một số trò chơi điện tử, trong đó có loại pin tiểu của Công ty Pinaco. Khoảng 21 giờ 30 phút cùng ngày, cháu Thắng lấy đồ chơi ra chơi tiếp thì xe không hoạt động được (có thể do hết pin). Cháu Thắng tháo pin ra khỏi xe thì viên pin phát ra tiếng kêu “bụp”, tiếng nổ này không lớn. Cháu Thắng ôm mặt khóc và gọi: “Mẹ ơi cứu con”. Lúc này mẹ cháu Thắng nằm ngay bên cạnh, thấy mặt và mắt cháu dính đầy than đen. Gia đình nhanh chóng đưa cháu đến Phòng khám Đa khoa Khu vực Long Trung và chuyển tiếp đến Bệnh viện Khu vực Cai Lậy. Trong đêm cháu được chuyển về Bệnh viện Mắt TPHCM và nhập viện, với chẩn đoán: Mắt phải bị dị vật kết mạc + phù giác mạc. Phải mất 6 ngày, cháu Thắng mới mở được mắt. Chưa tìm được nguyên nhân gây nổ Ông Lê Văn Năm, cán bộ Phòng Kỹ thuật Công ty Pinaco, cho biết đây là sản phẩm của Pinaco, nếu pin nổ do lỗi kỹ thuật thì công ty sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm. Đây là trường hợp hy hữu, công ty chưa hề gặp. Để hiểu thêm về bản chất sự việc, ông Năm phân tích: Nếu có lỗi về kỹ thuật, có một viên pin bị nổ phải kéo theo hàng loạt viên khác của lô hàng nổ theo, nhưng đây chỉ là một viên nổ! Trường hợp pin nổ, đẩy được phần lõi bên trong ra được thì đáy viên pin phải bị phù, phần mép phải nhăn nheo. Trong khi viên pin này vẫn không có hiện tượng trên, kể cả thân pin cũng không bị móp méo. Tuy nhiên, về kỹ thuật thì pin không thể tự động nổ được mà phải có một tác động khách quan bên ngoài như đập, cạy mới có khả năng gây nổ. Nghe đến đây, ông Vũ Khắc Thạnh phản ứng ngay: Nếu công ty cho rằng phải có tác động từ bên ngoài thì sẵn có pin mới có thể đập, cạy hoặc đốt thử xem có bị nổ hay không? Nếu nổ, tôi xin rút lui không kiện cáo gì hết! Pinaco phải “bảo hành” đến 18 tuổi Ông Thạnh cho rằng, hiện cháu Thắng còn quá nhỏ. Theo bác sĩ thì khó biết được điều gì xảy ra sau này khi đã bị tổn thương đến giác mạc. Trường hợp ghép giác mạc thì quá tốn kém (khoảng 25 triệu đồng), chưa kể phải có người cho giác mạc. Sắp tới chưa biết được điều gì xảy ra, phía gia đình nạn nhân yêu cầu Pinaco làm cam kết bảo đảm giác mạc cho cháu đến 18 tuổi, trong thời gian trên nếu giác mạc có vấn đề gì thì công ty phải chịu trách nhiệm chữa trị. Pinaco cho biết trước mắt công ty sẽ hỗ trợ 5 triệu đồng tiền thuốc và đề xuất gia đình cháu Thắng cho biết cụ thể mức bồi thường và hỗ trợ bao nhiêu vì chỉ đạo của ban giám đốc là muốn giải quyết vụ việc này một lần, chứ không thể làm cam kết chịu trách nhiệm cho nạn nhân đến 18 tuổi như phía gia đình yêu cầu. Ông Thạnh yêu cầu Pinaco phải có biện pháp giải quyết thỏa đáng đối với con của ông và sớm trả lời trong vài ngày tới. Nếu không giải quyết thỏa đáng, ông sẽ đưa vụ việc này nhờ tòa giải quyết và đeo đuổi vụ việc đến cùng. Bà Nguyễn Hạnh Uyên, Chủ nhiệm Văn phòng Khiếu nại người tiêu dùng TPHCM, yêu cầu Pinaco nhanh chóng tìm ra nguyên nhân gây nổ để kịp thời khắc phục. Vấn đề này rất quan trọng đối với trẻ em, bởi đa số trẻ em đều thích chơi các loại đồ chơi điện tử có gắn pin. Các loại pin có thể gây nổ trong trường hợp nào? Ông Nguyễn Đức Thành, giảng viên Bộ môn Điều khiển Tự động, Khoa Điện trường Đại Học Bách khoa TPHCM, cho rằng nhiều khả năng dẫn đến gây nổ đối với pin tiểu là do thành phần axít trong pin gây điện phân, dẫn đến tạo điện áp giữa 2 cực và sinh ra nhiệt. Hiện tượng này bốc hơi nóng, hơi nóng tăng dần và để giải phóng, nó sẽ gây nổ. Tương tự, theo Viện Khoa học Công nghệ hóa học, pin nổ có thể do loại hóa chất NH4Cl tích tụ khí và tìm chỗ yếu trên viên pin để thoát ra. Cũng có thể do phản ứng điện hóa, do khí hydro tích tụ, vô tình gặp chỗ xung yếu sẽ thoát ra gây nổ. Cho dù pin yếu (không thể vận hành được xe trò chơi điện tử), từ 1,5 V còn 1,2 V, nhưng lúc này pin vẫn còn điện và như thế có khả năng dẫn đến chạm mạch phóng điện tại chỗ. NGUYỄN HẢI - L.Giang (NLĐ) (Hình: Gia đình cháu Thắng tại Văn phòng Khiếu nại người tiêu dùng TPHCM (ngày 2-8))