Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bé thích nói 'không' luôn miệng


Có bao giờ bạn rơi vào tình cảnh này khi có con đang tuổi học nói: Bạn đề nghị: ‘Con cất giày đi nhé', bé đáp ngay: ‘Không'. Khi bạn hỏi: ‘Con có thích ăn chuối không?', bé nhanh nhảu: ‘Không'... Thậm chí, ngay cả khi bạn cáu: ‘Con không thể trả lời câu nào khác ngoài nói ‘không' à?' thì bé vẫn tiếp tục: ‘Không, không'...


Các bé có thể luôn miệng nói "không" ở giai đoạn 15-18 tháng tuổi và thậm chí còn tiếp diễn cho tới tuổi lên 3 (hoặc lớn hơn).

Lý do đằng sau câu nói "không" của bé: Càng lớn, bé càng không thích bị kiểm soát. Vì thế, nói "không" là cách cơ bản để bé tự kiểm soát quyền độc lập, tự chủ ở giai đoạn này.

Ngoài ra, do vốn từ vựng còn hạn chế nên bé chưa thể đưa ra những lý do thuyết phục khi muốn từ chối. Hoặc đôi khi, tâm lý thách thức cha mẹ, muốn chạy ra vòng kiểm soát của cha mẹ cũng khiến bé thích nói "không" liên tục, cho dù đó là những đề nghị hợp lý của cha mẹ...

Cách để chấm dứt: Để hạn chế bé nói "không", tốt nhất là cha mẹ tránh những câu hỏi mà đáp án sẽ là "có" hoặc "không". Chẳng hạn, thay vì nói: "Con có thích đi giày không?", bạn có thể gợi ý: "Con thích đôi giày màu xanh hay màu nâu? Con chọn một đôi đi rồi mẹ sẽ giúp con đi giày".

Nếu bé nhà bạn nói: "Mẹ ơi, con muốn ăn kẹo" nhưng bạn không muốn cho con ăn, thay vì nói: "Không được", bạn có thể nói: "Con chỉ được ăn kẹo một lần vào buổi chiều thôi nhưng bây giờ, con có thể ăn táo hay ăn nho?".

Cần chắc chắn là cha mẹ không liên tục nói "không" vì như thế, bé có thể bị "nhiễm" từ này của cha mẹ. Ngoài ra, nên cho bé nhiều cơ hội để lựa chọn cũng là cách hạn chế bé nói "không" luôn miệng. Phụ huynh chỉ nên nói "không" ở những tình huống như: "Không sờ tay vào nước nóng", "Không sang đường mà không có mẹ đi cùng"... Như thế, bé sẽ hiểu những lúc mẹ nói "không" là trong những tình huống thực sự nguy hiểm.

Theo Mevabe