Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nói ngọt để trị con nói bậy


Bé Gấu (3 tuổi) nhà Liên dạo này học nói bậy khủng khiếp. Đang đi, vấp vào chân ghế là cu cậu quay lại ngay, trợn mắt, chu môi chửi... cái ghế. Liên nhắc con không được nói bậy thì Gấu còn ‘lý sự': ‘Con chửi cái ghế mà'....

Một lần, thấy con cầm que vụt lung tung, sợ làm vỡ cốc chén, tivi, Liên liền quát con nhưng cu Gấu không nghe lời mẹ, còn "múa" hăng hơn. Bực mình, Liên chạy tới giằng gậy từ tay con thì bị con... chửi bậy. Những lúc như thế, Liên càng giận dữ quát con rồi tét đít thì cu cậu càng nói bậy nhiều hơn. "Chẳng hiểu cu con học ai mà tức giận là gào lên ‘Mẹ ăn cứt bò khô'. Cả ông bà nội, cả bố cũng bị cu Gấu nói như thế. Bực mình với con lắm nhưng mình càng mạnh tay thì càng thấy không hiệu quả" - Liên chia sẻ.

Vì thế, Liên đã tự nhủ mình phải bình tĩnh hơn, tránh tuyệt đối tức giận hay đánh con mỗi khi cu Gấu nói lời bậy bạ. Thay vào đó, Liên giả vờ đáp lại: "Hả, con bảo gì, bảo mẹ ăn cơm á? Có, mẹ có ăn cơm, cơm ngon lắm". Thế là cu Gấu dù đang hờn mẹ đến mấy cũng không nói bậy nữa, còn nhắc lại lời mẹ: "Mẹ ăn cơm". Sau đó, Liên dỗ dành rồi phân tích với con nói thế này mới đúng. Hoặc khi nghe con nói từ khó chịu, Liên vẫn từ tốn nhắc con: "Con phải nói là mẹ ăn cơm chứ", tuyệt đối tránh nhắc lại cụm từ xấu để cu Gấu không bắt chước theo. Theo Liên, trẻ con rất mau quên nên mình cứ dạy con dùng một cụm từ khác thay thế những từ bậy kia thì bé sẽ sớm quên đi những từ ngữ xấu mà học mới được những ngôn ngữ tốt.

 

Cũng áp dụng cách nói ngọt khi con nói bậy như Liên là Mai (Hà Đông, Hà Nội). Bé nhà Mai gần 3 tuổi và học nói bậy từ mấy anh lớn trong ngõ rất nhanh. Sau đó, mỗi khi ai không làm cu cậu vừa ý, thậm chí, Mai vô tình đứng chắn tivi trước mặt con là cũng bị con... văng bậy.

"Lẽ thường, nghe thấy con nói bậy với bố mẹ là ‘điên hết cả người' rồi. Phản ứng tự nhiên của vợ chồng mình là quát nạt con, bắt con hứa không được nói thế nữa. Chồng mình nóng tính, có lần còn đánh con rõ đau cho chừa cái tật nói bậy" - Mai chia sẻ.

Thế mà bé nhà Mai có chừa đâu, vẫn nói bậy "kinh người". Mai cũng áp dụng đủ cách như quát con, bắt phạt bằng cách úp mặt vào tường, "tét đít" con nhưng càng thế thì cu cậu càng gào thét, càng nói bậy, chống đối, đánh đá lại mẹ, thậm chí còn hậm hực, đưa tay áp tai vờ alo, gọi chú công an tới bắt mẹ đi...

Cuối cùng, Mai phải chọn cách nhẹ nhàng với con. Ví dụ, nếu thấy con đi cục đầu vào cánh cửa rồi quay lại chửi... cánh cửa, Mai sẽ phân tích ngay: "Ui, con phải nói là ‘Bạn cánh cửa làm tớ đau chứ' mà cũng tại ‘Cái bạn đầu này không để ý cơ'...". Nhiều lần như thế, Mai thấy con bớt nói bậy mà học nói theo mẹ: "Bạn cánh cửa làm tớ đau. Bạn hư lắm"...

Hoặc mỗi khi con nói bậy trước mặt mình, Mai cũng phải nhẹ nhàng đánh trống lảng: "Con bảo gì? Đúng rồi, mẹ xinh nhỉ?". Thế là cu cậu hớn hở chạy lại mẹ, khen mẹ xinh rối rít hoặc cười cười chê: "Mẹ xấu, chả xinh"... Mai chia sẻ, cách này Mai áp dụng thấy bé nhà mình bớt nói bậy hẳn. Bây giờ thì hầu như cu cậu không còn nói bậy nữa. Theo Mai, bé ở tuổi này nói bậy chủ yếu do bắt chước hoặc muốn lôi kéo cha mẹ vì thế, cứ đánh lạc hướng bé sang chuyện khác rồi vờ như không nghe thấy từ bé vừa nói là hiệu quả nhất.

Theo Mevabe