Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đừng tạo thêm áp lực cho con


Chiều nay, đứng chờ rước em, con chứng kiến một cảnh tượng hết sức đau lòng: một cậu bé vừa chạy ào đến chào mẹ, cô ấy giằng lấy tập sách của cu cậu: "Cho mẹ xem!". Mặc cho vẻ mặt đang hớn hở của con trai đang dần... méo xệch, người mẹ kéo khóa, lấy vở con ra săm soi từng cuốn một: "Trời, toán sai đến ba bài hả, có bảy điểm thôi hả? Trời ơi là trời, lại mượn tập bạn Thịnh cho mẹ xem". Không chỉ người mẹ kia, ở sân trường tiểu học A., Q.Gò Vấp chiều ấy, hàng chục bà mẹ, ông bố khác cũng đang soát tập con như thế.


Chứng kiến cảnh ấy, con chỉ muốn hét lên thật to rằng: "Ba mẹ ơi, đừng tạo thêm áp lực nào cho chúng con nữa, ở trường, con đã quá căng thẳng vì những thành tích của thầy cô đặt ra rồi. Ngày nào cũng tăng tiết, thêm giờ, bài tập môn nào cũng đầy ắp và đều qu an trọng như nhau, suốt 12 năm học chưa bao giờ tụi con hết áp lực học hành... 12 năm đi học của con bây giờ không phải là những tháng ngày học trò thơ mộng, mà chúng con đang phải học miệt mài, mỏi mệt. Môn nào cũng học. Ở cấp I, lớp 2 đã bắt đầu có đến bốn, năm môn; lớp 4 tăng thêm ba môn nữa, chưa kể nếu chúng con phải học bán trú, học tăng cường tiếng Anh... Đời học trò của con căng thẳng lắm. Cô giáo, thầy giáo của con cũng bị áp lực không kém trong chỉ tiêu, kế hoạch".


Tại sao cha mẹ cứ nghĩ, xét tập vở, coi bài của con mới là quan tâm đến con? Kiểm tra bài vở đâu phải là việc làm ngay ở sân trường. Khi con học cả buổi, cả ngày, mà còn bị la mắng như thế, con dễ tổn thương và "hận thù" chuyện học. Chị em con đều thấy, chỉ vì chuyện học mà ba mẹ cáu bẳn với mình. Con đọc được đâu đó trên mạng rằng, có mối liên quan giữa sự chịu đựng áp lực tâm lý và mức độ stress của một cá nhân. Đối với người lớn, nhờ kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng giải quyết vấn đề, họ có thể điều chỉnh áp lực bằng nhiều cách, nhờ đó có thể chủ động giải tỏa stress. Còn tụi con, khi bị áp lực làm sao có khả năng tự giải tỏa? Với vai trò làm con, làm sao chúng con dám lên tiếng trước nhiệm vụ học tập mà ba mẹ đã giao cho mình?


Khi chúng con đang muốn chia sẻ niềm vui với cha mẹ, đang muốn tìm sự khích lệ từ cha mẹ, thì hành động của cha mẹ lúc ấy lại "dập tắt", dồn thêm áp lực cho chúng con bằng những yêu cầu, đòi hỏi. Sự hụt hẫng của tụi con dễ chuyển thành cảm xúc tiêu cực: đau buồn, tổn thương, ấm ức, căng thẳng, mệt mỏi, chán nản. Nếu thiếu sự hướng dẫn, đa phần chúng con chỉ âm thầm chịu đựng, hoặc lao vào học tập, hoặc lao vào những hoạt động mong khỏa lấp áp lực như lang thang trên mạng internet, chơi game...


Thưa ba mẹ, chúng con đạt thành tích cao trong học tập là điều đáng mừng, nhưng không nên đánh đổi bằng sức khỏe tinh thần của chúng con như vậy. Con nghĩ, ba mẹ cũng cần xem xét những yêu cầu của mình xem có phù hợp với con không. Mỗi đứa trẻ có những thế mạnh riêng, những nét riêng trong các giai đoạn phát triển. Khích lệ con cùng với sự lắng nghe, đón nhận và chia sẻ cảm xúc là cách giúp con phát triển hài hòa, có sức sống khỏe mạnh để tiếp tục hành trình đi đến tương lai.


Bây giờ là cuối tháng Ba, con vừa dứt điểm hai tuần kiểm tra một tiết. Tháng Tư, con vào cao điểm thi thử để tháng Năm thi tốt nghiệp phổ thông. Lúc đó, em con cũng sẽ thi hết học kỳ II. Đầu óc chúng con sẽ căng ra...


Con ước chi ba mẹ hiểu giùm, chúng con cũng gặp không ít mệt mỏi!


Con của ba mẹ.


VÕ THỊ THIÊN TRANG (Q.GÒ VẤP)
Theo PN