Quy định giảm giờ làm cho giáo viên mầm non theo Thông tư 48 của Bộ GD-ĐT đã ban hành từ tháng 10-2011 và có hiệu lực từ 9-12-2011. Tuy nhiên cho đến nay, giáo viên các trường vẫn trong tình trạng quá tải giờ làm, thu nhập thấp và lòng thấp thỏm chờ ngày mai tươi sáng hơn. Hiệu trưởng các trường án binh bất động vì một thông tư thiếu thực tế...
Thông tư đánh đố các trường
Theo quy định này, đối với giáo viên dạy các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày, mỗi giáo viên dạy trên lớp đủ 6 giờ/ngày và thực hiện các công việc chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp cũng như các công việc khác do hiệu trưởng quy định để quy đổi đảm bảo làm việc 40 giờ/tuần. Đối với giáo viên dạy các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 1 buổi/ngày, mỗi giáo viên dạy trên lớp đủ 4 giờ/ngày.
Giờ chơi của học sinh Trường Mầm non Họa Mi 3, quận 5, TPHCM.
Tuy nhiên, cô Phạm Thị Mai, giáo viên Trường Mầm non Họa Mi 3 quận 5 TPHCM, cho biết: "Nghe thông tin sẽ được giảm giờ làm, chúng tôi rất vui. Tuy nhiên, nhìn thực tế công việc thì không thể hy vọng thực hiện được quy định. Hiện nay, chúng tôi phải làm việc từ 6 giờ 30 sáng đến 17 giờ chiều. Nếu phụ huynh đón con trễ, chúng tôi cũng phải ở lại trông giữ. Mỗi lớp có 2 hoặc 3 cô phụ trách nhưng trung bình có hơn 40-50 học sinh/lớp và không có bảo mẫu nên phải làm tất cả mọi việc từ đút ăn, vệ sinh cho cháu, lau chùi phòng học, đến tổ chức sinh hoạt ngoài trời... Buổi trưa, các cháu ngủ, chúng tôi cũng phải trông chừng chứ không dám chợp mắt. Trẻ nhỏ thường hay bị nôn trớ nên luôn phải canh chừng để tránh chuyện bị nghẹt đường thở. Thậm chí, mới đây, có bé trong lớp bị động kinh, co giật, nếu cô giáo không phát hiện kịp thời, tính mạng cháu sẽ gặp nguy hiểm. Nói như thế để thấy giáo viên ngày nào cũng làm quần quật trên 10 giờ, rồi còn phải soạn giáo án, làm đồ dùng dạy học. Vậy quy định giảm giờ làm còn 6 giờ/ngày sẽ giảm như thế nào? Các trường cũng đã tính toán đến một số phương án để giảm giờ làm nhưng cũng không khả quan".
Bà Tăng Lang, Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi 2, quận 5 TPHCM cho biết: "Xét về lý thuyết, quy định này sẽ giảm tải áp lực công việc cho giáo viên mầm non nhưng thực tế để áp dụng được rất khó. Công việc của giáo viên mầm non là đặc thù và vất vả. Các cô luôn phải theo sát cháu, không thể lơ là. Không có bảo mẫu nên các cô phải làm mọi việc. Nếu áp theo quy định chỉ dạy 6 giờ/ngày, các cô chỉ dạy từ 7 giờ sáng đến 13 giờ chiều. Vậy thời gian còn lại, các cháu sẽ giao cho ai trông? Nếu để phụ huynh đón, chắc chắn không được vì phụ huynh cũng phải đi làm. Chúng ta đang thực hiện chủ trương dạy 2 buổi/ngày, học bán trú nên không thể thực hiện theo phương án này. Còn nếu tuyển thêm giáo viên hoặc bảo mẫu, trường không đủ kinh phí trả lương".
Vẫn là bài toán thiếu giáo viên
"Không thể thực hiện được" là khẳng định của nhiều lãnh đạo phụ trách ngành học mầm non ở các quận huyện tại TPHCM khi nói đến việc giảm giờ làm cho giáo viên.
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó phòng Giáo dục quận 3, cho biết: "Việc thiếu giáo viên hiện nay đang là nỗi lo lắng nhất ở các trường. Quận 3 hiện vẫn còn thiếu 20 giáo viên mầm non. Các cô giáo từ trước đến nay đã phải làm 10 giờ/ngày nhưng chế độ đãi ngộ không có, lương không đủ sống. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hàng loạt khó khăn, thậm chí luôn trong vòng luẩn quẩn lâu nay. Không nên quan tâm bằng cách áp đặt phải giảm giờ làm vì thiếu giáo viên thì làm sao thực hiện".
Bà Nguyệt phân tích, nếu thực hiện giảm giờ làm thì phải có thêm giáo viên để làm ca 2 nghĩa là phải có 1 giáo viên làm từ 7 giờ sáng đến 13 giờ chiều và 1 giáo viên làm từ 10 giờ - 16 giờ chiều và một bảo mẫu làm việc 8 giờ/ngày trong lớp. Tuy nhiên, điều cần thiết nhất vẫn là phải đủ giáo viên. Còn vượt quá số giờ đã quy định theo Bộ luật Lao động thì nhà trường phải thỏa thuận thu tiền từ phụ huynh để chi trả cho giáo viên những giờ làm thêm vì buổi chiều chủ yếu giáo viên làm theo nhu cầu của phụ huynh là chính.
Giảm giờ làm là điều rất cần thiết cho giáo viên mầm non. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn cụ thể hơn dựa trên đặc thù công việc của các cô để địa phương có thể thực hiện. Ngoài ra, cần phải có chính sách ưu đãi cho giáo viên để các cô yên tâm làm việc. Bên cạnh đó, ngành giáo dục cần có quy định thêm chức năng bảo mẫu ở các trường mầm non nhằm giảm bớt áp lực về lao động chân tay cho các cô giáo. Hãy để các cô được làm công việc đúng nghĩa của người giáo viên mầm non: nuôi và dạy học sinh.
"Cho đến nay, TP vẫn chưa thể triển khai thực hiện thông tư này vì không phù hợp với hoàn cảnh của các trường. Thậm chí khó thực hiện được vì các trường còn thiếu giáo viên, sĩ số học sinh luôn quá tải"
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TPHCM
Theo SGGP