Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Dinh dưỡng hợp lý cho trẻ 6-9 tuổi - Phần cuối


Thừa cân, béo phì là một hiện tượng nổi cộm không chỉ ở các nước phát triển; trong những năm gần đây, nó đã xuất hiện tương đối nhiều ở Việt Nam và có khuynh hướng ngày càng tăng. Nguyên nhân của thừa cân thường là do trẻ được cung cấp chế độ ăn vượt trên nhu cầu năng lượng cần thiết trong một thời gian dài. Chính vì vậy việc khắc phục hậu quả cần phải tốn một thời gian dài không kém với sự hợp tác chặt chẽ của gia đình, trường học, thầy thuốc và cả bản thân trẻ.


Điều đầu tiên cần lưu ý là độ tuổi tiểu học cũng chính là lúc mà tiềm năng phát triển chiều cao đang dồi dào nên ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt cần có ý kiến của các chuyên gia, thường ta không khuyến khích "bỏ đói" trẻ để cho trẻ giảm cân mà nên áp dụng một chế độ dinh dưỡng hợp lý nhằm kiểm soát cân nặng của trẻ trong khi giúp tăng phát triển chiều cao.


Bạn hãy phân chia các bữa ăn trong ngày của con theo một thời gian biểu hợp lý. Trẻ có thể ăn 4 đến 5 bữa / ngày theo như nguyên tắc chung (3 bữa chính + 1-2 bữa phụ) nhưng bữa ăn cuối cùng trong ngày nên càng sớm càng tốt (khoảng 7 giờ tối). Các thức ăn được đưa vào cơ thể sau thời gian này thường được tiêu hóa trong thời gian trẻ ngủ, tức là khi cơ thể không hoạt động nên sẽ chuyển thành dạng năng lượng dự trữ.


Bạn cũng đừng thấy con đã thừa cân mà ngăn cấm con uống sữa. Theo khuyến cáo chung vẫn phải cho trẻ dùng sữa nhưng nên lựa chọn loại sữa không có chất béo (sữa gầy, sữa tách béo, sữa tách bơ) hoặc sữa đậu nành. Cần lưu ý đến lượng đường cho thêm vào sữa, tốt nhất nên tập cho trẻ uống sữa lạt không đường.


Lựa chọn thức ăn như thế nào cũng rất cần được lưu ý trong điều trị thừa cân. Các thức ăn được lựa chọn cho trẻ thừa cân phải theo nguyên tắc "giảm bột đường, béo và tăng rau trái". Thay vì ăn thịt, nên cho trẻ ăn cá, đậu hũ; khi ăn thịt, hãy loại bỏ các loại mỡ thịt, da, lòng động vật ra khỏi chế độ ăn, thay các thức ăn chiên xào bằng các thức luộc, hấp, canh. Các thức ăn nhẹ nhàng như bún, cháo, phở... nên được chọn thay cho các loại thức ăn có năng lượng cao như xôi, bánh mì, bánh chưng; tránh các loại thức ăn nhanh, thực phẩm công nghiệp. Mỗi bữa ăn giảm của bé từ 1/2 đến 1 chén cơm và thay vào đó bằng canh rau hay trái cây (các loại trái cây không ngọt như thanh long, cam bưởi, dưa hấu, dưa bở...). Các bữa phụ nên chọn ăn trái cây, khoai củ và không được cho trẻ ăn vặt ngoài bữa ăn, nhất là với các loại thức ăn giàu năng lượng như bánh kẹo ngọt, sô-cô-la.


Không nên để các bé thừa cân dễ dàng tiếp cận với đồ ngọt (Ảnh: Inmagine)


Chế độ tập luyện cần phải được chỉ định đi kèm với chế độ ăn. Có thể cho trẻ tập bất cứ môn thể thao nào mà trẻ ưa thích, thời gian tập khoảng 3 - 4 lần một tuần, mỗi buổi từ 1,5 - 2 giờ. Ngoài ra, nên tập cho trẻ một thói quen sống năng động, tham gia công việc gia đình, đi dạo cùng mẹ, cha, em bé, giảm các trò chơi không vận động như video - game, hay đọc sách.


Điều trị tâm lý cho trẻ cũng là một nội dung quan trọng trong điều trị béo phì. Cần giúp trẻ vượt qua các mặc cảm về bản thân, tham gia vào các hoạt động có tính tập thể, khuyến khích động viên trẻ để trẻ áp dụng được các chỉ định điều trị của thầy thuốc - thường khô khan và và rất khó theo đuổi. Nên giáo dục cho trẻ ý thức về lợi ích của từng việc cần làm để đánh thức tính tự giác nơi chúng. khen ngơi trẻ khi chúng đạt được các thành quả khả quan và an ủi khi chúng thất bại trong một việc gì đó.


Dinh dưỡng hợp lý để đạt được sức khỏe tối ưu cho cá nhân và cộng đồng là mục tiêu quan trọng mà ngành dinh dưỡng nói riêng và ngành y tế nói chung đang phấn đấu thực hiện bằng mọi cách. Để đạt được điều này cần sự liên kết chặt chẽ của mọi thành viên trong xã hội, trong đó việc chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ lứa tuổi tiểu học là một bộ phận quan trọng không thể thiếu.


Nguồn: Webtretho