Hiệu trưởng nhiều trường mầm non ở TPHCM cho biết rất khó tuyển bảo mẫu, cả với người chỉ mới tốt nghiệp THCS cũng không dễ vì thu nhập quá thấp.
Tại hội nghị giao ban 5 TP trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TPHCM và Cần Thơ) vừa được tổ chức ở TPHCM, Sở GD-ĐT TPHCM đã đề nghị Bộ GD-ĐT bổ sung định biên cấp dưỡng và bảo mẫu trong trường mầm non. Đề nghị của TPHCM xuất phát từ thực tế ngành giáo dục mầm non của TP thiếu hụt lực lượng bảo mẫu do chỉ được hợp đồng lao động từng năm và thu nhập quá thấp.
Thu nhập dưới 2 triệu đồng/tháng
Ngày nào cũng vậy, công việc của bảo mẫu cứ lặp đi lặp lại với một quy trình: từ 6 giờ, các cô phải tất bật với việc đón cháu, làm vệ sinh lớp học và đồ chơi, vệ sinh thân thể cho học sinh, chuẩn bị dọn dẹp bàn ăn, vui chơi cùng các cháu... Công việc của các cô chỉ kết thúc khi toàn bộ các cháu được phụ huynh đón về, vào khoảng lúc 17 giờ.
Vất vả là thế nhưng chế độ đãi ngộ cho đội ngũ này lại không tương xứng. Bà Vũ Thị Tố Loan, Hiệu trưởng Trường Mầm non 27 (quận Bình Thạnh - TPHCM), cho biết theo quy định, những người lao động không có văn bằng chuyên môn thì hợp đồng theo lương khoán. Trong đó, hệ số lương 1.0 của bảo mẫu luôn cố định. Ngoài mức lương 830.000 đồng/tháng như hiện nay, bảo mẫu ở trường này còn hưởng thêm tiền phụ trội 150.000 đồng/tháng, phúc lợi của nhà trường 200.000 đồng/tháng và tiền công phục vụ bán trú 800.000 đồng/tháng.
Bảo mẫu của Trường Mẫu giáo Mèo Con (quận 7-TPHCM) hướng dẫn các cháu trong bữa ăn trưa. Ảnh: TẤN THẠNH
Tổng thu nhập 1.980.000 đồng/tháng của bảo mẫu ở Trường Mầm non 27 được coi là cao bởi theo bà Loan, trường thực hiện tự chủ tài chính một phần nên trả công phục vụ bán trú cao với 800.000 đồng/tháng chứ ở những trường công lập bình thường khác thì mức trả tối đa chỉ 500.000 đồng/tháng.
Hiệu trưởng nhiều trường mầm non khác cho biết thu nhập của bảo mẫu nếu có cải thiện hơn thì đó là khoản hỗ trợ của phụ huynh nhưng năm học tới phần hỗ trợ đó có nguy cơ bị cắt, bởi điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh không cho phép dùng quỹ phụ huynh để chi.
Định biên được không?
Đặc thù của giáo dục mầm non là phải thực hiện hai nhiệm vụ: chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ. Do vậy, nhiệm vụ của bảo mẫu, cấp dưỡng là rất quan trọng. Tuy nhiên, TPHCM còn thiếu 7.253 bảo mẫu, tương đương 80% số lượng bảo mẫu cần thiết trong các trường mầm non.
Sự thiếu hụt nghiêm trọng đó đòi hỏi ngành giáo dục phải tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu nhân lực nhưng hiệu trưởng nhiều trường mầm non ở TPHCM cho biết rất khó, ngay cả với những người chỉ mới tốt nghiệp THCS. Bà Loan cho rằng những người có trình độ không ai làm bảo mẫu, với những người không có học vấn cao cũng không dễ gì chịu làm hay gắn bó lâu dài vì thu nhập quá thấp như hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non - Sở GD-ĐT TPHCM, cho rằng để có thể tuyển dụng và giữ chân bảo mẫu thì lực lượng này phải được định biên. Khi đó, họ sẽ yên tâm hơn, gắn kết lâu dài hơn với trường.
Ông Đặng Thanh Tuấn, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp-TPHCM, nói nếu bảo mẫu và cấp dưỡng ở trường mầm non thuộc quận Gò Vấp - TPHCM, được định biên thì ngân sách Nhà nước cấp tăng lên là không đáng kể, quận hoàn toàn có thể đáp ứng được.
Xác định chính danh
Ông Văn Công Sang, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ - Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết lâu nay chức danh bảo mẫu trong trường mầm non như là "định biên chui", bởi tên gọi của họ là nhân viên phục vụ.
Nay, Sở GD-ĐT TPHCM đề nghị Bộ GD-ĐT định biên 2 lực lượng này là để xác định chính danh lao động cho họ, khi đó nguồn kinh phí cấp về cho các trường sẽ tăng lên để các trường có tiền chi trả cho cấp dưỡng, bảo mẫu.
Ông Sang cũng cho biết thêm là UBND TPHCM đã có văn bản số 5344, ký ngày 22-8-2008, quy định định biên bảo mẫu và cấp dưỡng trong trường mầm non nhưng đây chỉ là công văn có tính địa phương. Vì vậy, mỗi lần xác định ngân sách thì Sở GD-ĐT phải đi năn nỉ Sở Tài chính nên việc thực hiện chủ trương của UBND TP chưa tới đâu.
Theo NLD