Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Có nên ép trẻ ăn đủ số lượng?


Bất cứ những ai đã từng làm cha mẹ đều trải qua nỗi khổ tâm khi con biếng ăn, chậm lớn. Càng lo lắng, cha mẹ càng ép cho con ăn đủ số lượng mà không biết rằng khi ép trẻ ăn dễ gây nên một số kết quả không mong muốn.


Trên thế giới, có khoảng 50% ông bố bà mẹ lo lắng về chế độ dinh dưỡng cho con cái. Tuy nhiên, không phải lo lắng là cha mẹ có quyền ép buộc con mình trong việc ăn uống. Trong mọi trường hợp không nên bắt buộc trẻ em ăn vì điều này được xem là nguy hiểm hơn cả sự suy dinh dưỡng.


Ảnh: Cung cấp bởi Công ty TNHH Dược Phẩm Hoa Sen.


Nhiều nghiên cứu cho thấy việc bắt buộc trẻ thường không có hiệu quả mà còn làm tổn thương tình cảm mẹ con và ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ. Vì vậy, các chuyên gia dinh dưỡng không bao giờ đưa ra con số về thức ăn cần thiết cho trẻ vì thường khiến các bà mẹ ngộ nhận là phải bắt con ăn đủ số lượng đó. Điều quan trọng là khuyến khích trẻ thèm ăn chứ không phải bắt trẻ ăn đủ số lượng.


Phương pháp cho con ăn và chăm sóc dinh dưỡng cho con
Ở Việt Nam, nhiều trẻ em biếng ăn là do phải trải qua quãng thời gian ăn cháo quá dài, từ 1 tuổi đến 2-3 tuổi. Phụ huynh cần lưu ý thức ăn phải phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Trẻ nhỏ chưa đủ răng phải chọn thức ăn loãng, trẻ lớn đủ răng thì chỉ thích thức ăn cứng để nhai như người lớn. Nếu cho ăn cháo thường xuyên, kéo dài thì trẻ sẽ dễ chán ăn, thậm chí có thể tạo ra tâm lý sợ thức ăn loãng. Trẻ từ 3 đến 4 tuổi trở lên thì phải dùng nhiều loại thức ăn đa dạng như người lớn mới giúp trẻ phát triển tốt được.


Nguyên tắc cơ bản của việc cho bé ăn là cha mẹ nên lưu ý 3 vấn đề: khi nào ăn, ăn gì, ăn tại đâu? Còn trẻ sẽ quyết định là ăn bao nhiêu. Lời khuyên dành cho phụ huynh là hãy cho trẻ ăn vào những thời điểm cố định trong ngày (3 bữa ăn chính + 1 bữa ăn nhẹ- có thể là bánh hoặc snack).


Dưới đây là một số nguyên tắc mà các chuyên gia dinh dưỡng đã đưa ra, các bậc cha mẹ có thể tham khảo và áp dụng khi cho con mình ăn:


- Thứ nhất, tránh ép buộc trẻ ăn, dễ gây tâm lý sợ ăn ở trẻ- xem việc ăn uống là cực hình.


- Thứ hai, tập trung vào bữa ăn, không cho trẻ xem ti vi, đọc truyện tranh, chơi đùa trong khi ăn.


- Thứ ba, tránh những thức ăn không thích hợp với lứa tuổi của trẻ như: thức ăn quá cứng ở những trẻ chưa đủ răng hoặc quá loãng ở trẻ đã lớn.


- Thứ tư, Tránh cho bé ăn vặt hoặc uống nước trái cây trước giờ ăn vì những thứ này sẽ khiến bé mau no.


- Thứ năm, bữa ăn không nên kéo dài quá 20 phút, dù trẻ ăn chưa hết cũng nên ngưng, đừng sợ trẻ ăn thiếu vì trẻ sẽ ăn bù vào những bữa sau.


Ngoài ra, cha mẹ cũng nên tạo không khí ấm cúng trong gia đình khi ăn, cho trẻ cùng ngồi ăn với gia đình, tự ăn dù còn vụng về làm rơi vãi thức ăn...


Cùng với đó, cha mẹ có thể sử dụng thực phẩm chức năng để kích thích sự thèm ăn của trẻ và bổ sung những dưỡng chất cần thiết cho quá trình phát triển toàn diện của trẻ cả về chiều cao, cân nặng và trí tuệ.


Theo WTT