Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nhìn bước đột phá của giáo dục mầm non


Tính đến tháng 02/2012, Hà Tĩnh đã chuyển đổi thành công 165/278 (tỉ lệ 59,4%) trường mầm non bán công sang công lập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, tạo tiền đề để thực hiện tốt nhiệm vụ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.


Trẻ em Trường Mầm non Thạch Trị (Thạch Hà) nhận quà của nhà tài trợ trong chương trình nhân đạo


Cả xã hội vào cuộc
Ngày 12/12/2009, Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh khóa XV, kỳ họp thứ 16 đã ban hành Nghị quyết số 113/2009/NQ-HĐND về việc phê duyệt đề án chuyển đổi loại hình trường mầm non bán công sang công lập, dân lập, tư thục; ngày 29/12/2009, UBND tỉnh có Công văn số 4070/UBND-VX về việc hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện.


Nhận thức đúng mục đích, yêu cầu và lợi ích của việc chuyển đổi trường mầm non bán công sang công lập nên các đơn vị, các địa phương đã tập trung huy động các nguồn lực và bằng nhiều hình thức xã hội hóa, huy động các nguồn kinh phí, ngày công trong nhân dân, các doanh nghiêp, các tổ chức kinh tế - xã hội và các cá nhân để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mở rộng khuôn viên, sân chơi, xây dựng tường rào, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, từng bước đảm bảo các điều kiện thiết yếu phục vụ việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.


Trường mầm non Phúc Lộc (Can Lộc), ngoài ngân sách địa phương chi ra hàng tỉ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, nhà trường và địa phương còn vận động nhân dân và phụ huynh tham gia hàng trăm ngày công để xây dựng hàng rào, chuyên chở hàng trăm khối đất để san lấp mặt bằng, cải tạo khuôn viên.


Trường mầm non Thạch Văn, Thạch Long (Thạch Hà) trong một thời gian ngắn, bằng nguồn kinh phí của địa phương và sự đóng góp của nhân dân đã nỗ hoàn thành cơ sở vật chất trường chuẩn quốc gia.


Huyện Hương Khê phát động chiến dịch xây dựng cơ sở vật chất trường học, đã huy động hàng tỉ đồng từ nguồn đóng góp của nhân dân, hàng ngàn ngày công để tu sửa, nâng cấp phòng học, mua sắm đồ dùng, trang thiết bị dạy học.


Tính đến ngày 30/10/2011, toàn tỉnh đã có 325 phòng học cao tầng, 1.18 phòng học cấp 4 và một số phòng chức năng như văn phòng, phòng hiệu bộ, phòng Âm nhạc. Nhiều trường mầm non công lập có hệ thống cơ sở vật chất khang trang, hiện đại như Kỳ Liên, Kỳ Long, Kỳ Hưng (Kỳ Anh); Cẩm Lộc, Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên); Thạch Văn, Thạch Tân (Thạch Hà); Thụ Lộc, Thạch Mỹ (Lộc Hà); Tùng Lộc, Thượng Lộc (Can Lộc); Nam Hồng (TX Hồng Lĩnh); Xuân Trường, Xuân Viên (Nghi Xuân); Đức Hòa (Đức Thọ); Đức Lĩnh I (Vũ Quang),...


Các địa phương đã kết hợp vừa chuyển đổi sang công lập, vừa sắp xếp lại mạng lưới trường lớp; các lớp lẻ chuyển về cụm trung tâm, các trường có điều kiện phân chia trẻ theo độ tuổi để tổ chức nuôi dạy theo chương trình giáo dục mầm non mới. Ngoài việc đảm bảo các điều kiện thiết yếu khi chuyển sang công lập, các địa phương đã thực hiện mục tiêu kép là xây dựng trường mầm non công lập đạt chuẩn quốc gia. Trong số 165 trường mầm non công lập đã có 65 trường đạt chuẩn quốc gia, trong số này có trường mầm non Kỳ Liên (Kỳ Anh) đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh.


Hiệu quả tích cực
Các trường mầm non sau khi chuyển sang loại hình công lập, phụ huynh thấy được lợi ích và hiệu quả tích cực nên đã khắc phục mọi khó khăn gửi con em vào các nhà trường để được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục đầy đủ. Vì vậy tỉ lệ huy động trẻ tăng nhanh, đến đầu năm học 2011-2012, tỉ lệ nhà trẻ là 22,4%, mẫu giáo là 94,6%, trẻ mẫu giáo 5 tuổi là 99,88%; 100% trẻ em được học chương trình GDMN mới, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng chỉ còn 9,8%.


Việc tổ chức bán trú được quan tâm đúng mức, bảo đảm các điều kiện như phòng học đạt chuẩn, công trình vệ sinh tự hoại liền kề, nguồn nước sạch, các bếp ăn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.


Nhiều giáo viên mầm non vất vả, đi sớm về muộn nhưng do hưởng lương theo hợp đồng lao động nên thu nhập mỗi tháng chỉ xấp xỉ hơn 1,2 triệu đồng. Nay, khi chuyển đổi loại hình mầm non từ bán công sang công lập, các cô được vào biên chế, được hưởng lương theo ngạch bậc, các cô vui mừng vì thu nhập cao hơn, đời sống gia đình đỡ chật vật hơn.


Nhiều giáo viên trẻ cho biết, họ rất vui vì được tuyển dụng vào biên chế, thu nhập ổn định, được đảm bảo mọi quyền lợi nên sẽ rất yên tâm gắn bó với nghề. Các giáo viên đều cố gắng chăm lo học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, luôn nhiệt tình, yêu nghề, yêu trẻ. Năm học 2010 - 2011 có 87% giáo viên mầm non xếp loại khá trở lên về Chuẩn nghề nghiệp.


Các trường mầm non công lập được phân cấp quản lý tài chính, hỗ trợ ngân sách chi thường xuyên nên các trường đã tự chủ trong mọi hoạt động, số nhân viên kế toán được tập huấn nghiệp vụ, công tác tài chính đi vào nề nếp.


Kết quả thu được qua công tác chuyển đổi loại hình trường mầm non bán công sang công lập có ý nghĩa to lớn trong việc thực hiện công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, tạo đà vững chắc cho các bậc học khác, đặc biệt là trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.


Thành công của công tác chuyển đổi đã giải quyết những bất cập, những khó khăn cho bậc học mầm non, đây là bước đột phá của giáo dục mầm non Hà Tĩnh.


Theo Tamnhin.net