Không phải bốc thăm trúng thưởng quà khuyến mãi mà là bốc thăm trúng... một chỗ học. Chuyện éo le này vừa xảy ra với phụ huynh tại một số phường ở TP.HCM. Vì sao vậy? Cuộc họp của các phụ huynh có con vào lớp 1 năm học 2006 - 2007 thuộc khu phố 1, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM diễn ra vào tối 21-6-2006 có sự hiện diện đầy đủ các ban, ngành từ lãnh đạo phường đến đại diện UBMTTQ, Hội cựu chiến binh, thanh tra nhân dân khu phố, cảnh sát khu vực... Khi thùng phiếu được mang xuống dưới hội trường, lập tức hơn 40 phụ huynh ào lên, chen chúc nhau đòi bốc thăm... Cho con vào lớp 1 mà phải tham gia bốc thăm, đánh cược với số phận thì quả là hết sức éo le và căng thẳng! Cùng phường – người được, người không! Chị cho biết: “Từ nhà tôi đến Trường Nguyễn Thanh Tuyền chỉ có vài bước nhưng cơ may con tôi được vào học lớp 1 ở đó sao mong manh quá. Trường học ở ngay trên địa bàn phường mình mà phải bốc thăm tranh giành nhau. Như thế sao gọi là phân tuyến?”. Nếu như Trường Nguyễn Thanh Tuyền được xem là trường hút phụ huynh ở Q.Tân Bình - phải rất khó khăn mới có được một chỗ học ở đây cũng không khó hiểu, nhưng như Trường tiểu học Phú Lâm - một trường không thuộc danh sách trường điểm của Q.6 mà phụ huynh ở khu phố 3 và 4, P.12 cũng phải bốc thăm cho con vào lớp 1 thì quả hết sức gay go. Nhiều phụ huynh bốc phải thăm trắng đã bức xúc: “Nhà chúng tôi ở giáp ranh với Trường Phú Lâm nhưng bây giờ con cái đi học phải chạy ngược lại qua Trường Lam Sơn với quãng đường dài gấp nhiều lần”. Và những rắc rối như trên không phải là ít.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải - trưởng Phòng GD - ĐT Q.Tân Bình: “Trường Nguyễn Thanh Tuyền năm nay chỉ nhận 150 HS lớp 1 trong khi HS 6 tuổi ở P.2 có đến 427 em. Phòng GD-ĐT đã làm công tác phân bổ chỉ tiêu HS lớp 1 (các trường ở phường lân cận P.2 như: Lê Văn Sĩ, Tân Sơn Nhất, Bình Giã, Nguyễn Viết Xuân, Hoàng Văn Thụ sẽ nhận HS P.2), việc phân tuyến cụ thể giao cho UBND phường thực hiện”. Tuy nhiên, theo giải thích của bà Nguyễn Thị Thu Thủy - chủ tịch UBND P.2, Q.Tân Bình: “Do Trường Nguyễn Thanh Tuyền và Lê Văn Sĩ có phần trội hơn so với trường khác, đây cũng là hai trường “truyền thống” của con em nhân dân P.2 nên UBND phường chọn phương pháp tuyển sinh theo cách bốc thăm chứ không phân tuyến ngay. Tất cả HS trên địa bàn chín khu phố đều có cơ may được vào học tại hai trường trên. Sau khi bốc thăm, những HS không trúng tuyển sẽ được phân tuyến theo khu phố (HS ở gần trường nào nhất sẽ vào học tại trường đó)”. Dĩ nhiên, đã bốc thăm phải chấp nhận sự may rủi. Và chắc chắn nó sẽ tạo ra tình trạng trái khoáy: HS ở xa được vào học, còn HS ở gần thì lại phải đi trường khác xa hơn. Khác với Tân Bình, ông Ngô Văn Tấn, trưởng Phòng GD-ĐT Q.6, cho biết: "Trường tiểu học Phú Lâm nằm trên địa bàn P.14 nên phải ưu tiên nhận trẻ P.14 (chỉ tiêu 279 HS P.14), chỉ nhận thêm 22 HS của P.12". Thế nhưng, số trẻ trong độ tuổi vào lớp 1 cư trú tại khu phố 3,4, P.12 (giáp ranh Trường Phú Lâm, Trường Lam Sơn tuy thuộc P.12 nhưng địa bàn phường khá rộng nên phụ huynh phải đi xa) lại hơn 40 HS. Cung không đủ cầu, UBND phường phải áp dụng phương pháp bốc thăm. Mà bốc thăm cũng không ổn, trước yêu cầu bức thiết của người dân, Ban chỉ đạo chống mù chữ - phổ cập giáo dục P.12, Q.6 đã phải thảo văn bản gửi UBND và Phòng GD-ĐT Q.6 đề nghị tăng thêm chỉ tiêu cho HS P.12 được học ở Trường Phú Lâm. Không chỉ với HS lớp 1, qui định về tuyển sinh lớp 6 của các quận, huyện cũng khiến nhiều phụ huynh phải kêu trời. H.A. có hộ khẩu Q.5 nhưng từ nhỏ ở với bà ngoại bên Q.6 nên học tiểu học ở Q.6. Học hết lớp 5, H.A. được bố mẹ đón về nhà. Ngặt nỗi điều kiện của Phòng GD-ĐT Q.5 “phải đạt điểm chuẩn vào lớp 6 công lập tại quận HS học tiểu học” (điểm chuẩn của Q.6: 17,25 điểm trong khi Q.5: 16,5 điểm). H.A. chỉ đạt 17 điểm và như vậy coi như không có “cửa” vào trường THCS công lập tại Q.5 lẫn Q.6! Bên cạnh đó, những trường hợp “ở quận này học tiểu học ở quận kia” nay muốn trở về học THCS gần nơi cư trú, dù có hộ khẩu nhưng một số nơi vẫn liệt kê “thuộc diện ngoài tuyến”. Mà diện ngoài tuyến đi xin học thì cực kỳ nhiêu khê “phải chờ tuyển sinh xong diện trong tuyến, nếu còn chỗ mới nhận”. Phụ huynh chỉ còn biết ngậm ngùi quay về nhà và chờ đợi trong sự lo âu... Tuổi Trẻ |