Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

“Choáng” với giá thực phẩm trường mầm non


Trong khi giá cả ngày một leo thang, các trường học phải xoay xở để không tăng tiền ăn mà vẫn đảm bảo chất lượng bữa ăn cho trẻ thì một số trường mầm non lại chọn những loại thực phẩm khá cao cấp khiến tiền ăn tăng cao.


Lựa chọn này không chỉ tạo sự chênh lệch lớn giữa các trường mà còn khó đảm bảo đủ dinh dưỡng cho trẻ.


Chọn thực phẩm ngon nên giá cao
Trong bảng giá thực phẩm tháng 2 được công khai tại Trường Mầm non 19/5 (quận 8) có các mức giá cao ngất so với thị trường như gạo 26.000 đồng/kg, dầu ăn 46.600 đồng/lít, đường 28.100 đồng/kg, muối 7.300 đồng/kg... Được biết ngay từ tháng 1-2012 những thực phẩm này cũng có mức giá tương tự. Không chỉ vậy, một số thực phẩm khác cũng có mức giá khá cao như thịt nạc lưng 145.500 đồng/kg, tỏi 59.400 đồng/kg, ngò rí 60.500 đồng/kg, bún gạo 38.500 đồng/kg.... So với mặt bằng chung, mức giá này chênh lệch khá cao.


Một phụ huynh sau khi xem xong thở dài: "Nhà tôi ăn gạo ngon cỡ 18.000 đồng/kg. Mà ở ngoài gạo ngon lắm cũng chỉ 22.000 đồng/kg chứ chưa thấy đến 26.000 đồng. Không biết ngon đến cỡ nào mà giá cao quá!". Nhiều phụ huynh cũng cho rằng nhìn thấy bảng giá cao chỉ nghĩ thực phẩm đó sẽ chất lượng cho các cháu chứ không dám thắc mắc tại sao.

 


Bảng giá thực phẩm tháng 2 với những mức giá cao ngất tại Trường Mầm non 19/5. Ảnh: PHẠM ANH


Lý giải về mức giá này bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường Mầm non 19/5, giải thích hơn bốn năm nay trường lấy thực phẩm từ Công ty IMEXCO. Trong đó có nhiều loại thực phẩm với mức giá khác nhau nhưng trường chọn loại ngon, tốt để đảm bảo bữa ăn của trẻ được chất lượng nên giá hơi cao so với thị trường hay những đơn vị khác. Đơn cử như gạo, có nhiều loại gạo nhưng trường lấy gạo Nàng Hương vì gạo này dẻo, thơm sẽ giúp trẻ dễ ăn và ăn ngon hơn giá lên đến 26.000 đồng/kg, những thực phẩm khác tương tự. Cũng vì lấy từ công ty thực phẩm nên giá nhỉnh hơn vì trường phải trả thêm 10% hóa đơn tài chính khi chuyển khoản. Ngoài ra, giá cao còn do biến động của thị trường nhất là sau tết đến nay".


Bà Dung cho biết thêm đúng là những mức giá này hơi cao. Trường sẽ làm việc lại với phía công ty để có thể điều chỉnh lại mức giá. Tuy nhiên, giá thực phẩm niêm yết cao nhưng tiền ăn của các cháu vẫn ở mức 23.000 đồng/ngày. Chỉ cần các cháu ăn ngon và tốt hơn thì dù những thực phẩm này cao trường vẫn sẽ chấp nhận mà không tăng tiền ăn của các cháu.


Tại Trường Mầm non Tuổi Thơ 7 (quận 3), các thực phẩm tươi sống có giá vừa phải, riêng một số loại thực phẩm cũng có giá khá cao như dầu ăn 47.093 đồng/lít, đường 28.300 đồng/kg, nước mắm 28.000 đồng/lít...


Phải cân đối tiền và dinh dưỡng
Việc các trường lựa chọn loại thực phẩm giá quá cao, chưa biết chất lượng tốt đến đâu nhưng dễ ảnh hưởng đến thu chi tiền ăn đối với phụ huynh hoặc nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ.


Khảo sát tại nhiều trường mầm non trên địa bàn TP như Trường Tuổi Ngọc (quận 8), Họa Mi 2 (quận 5)... chúng tôi thấy giá thực phẩm không quá cao so với mức giá trên. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó phòng GD&ĐT phụ trách mầm non quận 3, cho biết các trường mầm non được tự chủ tài chính nên có thể tính toán mua các loại thực phẩm từ công ty sao cho giá cả hợp lý, đảm bảo đủ calo cho trẻ. Phòng vẫn thường đi kiểm tra các trường về chất lượng và nguồn gốc thực phẩm, thực đơn... "Hầu hết giá thực phẩm tại các trường trong quận 3 không quá cao và không có sự chênh lệch lớn giữa các trường. Trường nên chọn thực phẩm chất lượng nhưng giá vừa phải vì giá cao hay thấp cũng cho lượng calo như nhau. Nếu chọn giá quá cao sẽ khó đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng toàn diện cho trẻ" - bà Nguyệt nói.


Tại Trường Mầm non quận Tân Bình, cùng thời điểm tháng 2 cho thấy sự khác biệt rõ rệt như trường này chỉ lấy gạo ở mức giá 19.000 đồng/kg, dầu ăn 36.650 đồng/lít, đường 20.400 đồng/kg, thịt nạc 110.000 đồng/kg... Một số thực phẩm trong tháng 2 tại Trường Mầm non Họa Mi 2 (quận 5) cũng có giá khác hẳn như tỏi 40.000 đồng/kg, thịt nạc 93.000 đồng/kg, gạo 19.500 đồng/kg, đường 22.450 đồng/kg, ...


Cô Trần Thị Kim Thoa, Hiệu trưởng Trường Mầm non 11 (quận Tân Bình), cho rằng giá cả thực phẩm giữa các trường có sự chênh lệch khó có thể so sánh và giải thích được vì nó phụ thuộc vào từng loại, nguồn cung cấp và tính toán của mỗi trường. Nhà trường sẽ phải cân đối cả về thu chi và thành phần dinh dưỡng cho trẻ mà không làm ảnh hưởng đến tiền ăn mỗi ngày theo quy định trên từng địa bàn. "Sự chênh lệch về giá cả không quan trọng mà quan trọng là chất lượng bữa ăn của trẻ như thế nào. Thu tiền ăn 23.000 đồng/ngày/trẻ mà mua gạo 26.000 đồng/kg thì lấy tiền đâu mà bù đủ đạm cho trẻ? Trường chỉ cần chọn thực phẩm vừa rẻ, tiết kiệm mà vẫn đảm bảo chất lượng là được chứ không cần quá cao cấp" - cô Thoa nói.


Rục rịch tăng tiền ăn
Từ sau tết, thị trường có nhiều biến động khiến các trường mầm non cũng đang tính toán lại việc lựa chọn loại thực phẩm sao vừa chất lượng mà rẻ, tính toán lại thực đơn,... để ứng phó với biến động giá cả.


Hiện tại, hầu hết các trường mầm non ở vùng ngoại thành vẫn giữ mức thu trung bình trong mức cho phép từ 18.000 đến 23.000 đồng/ngày/trẻ. Tuy nhiên, trách nhiệm của nhà bếp và bộ phận chăm sóc sẽ nặng hơn khi phải cân đối thu chi mỗi ngày. Cô Trần Thị Kim Thoa, Hiệu trưởng Trường Mầm non 11 (Tân Bình), cho biết hiện tại trường vẫn thu tiền ăn của mỗi trẻ là 22.000 đồng/ngày (trưa + xế). Quận cũng cho mức trần tiền ăn là 25.000 đồng, nếu thị trường trượt giá cao ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn của trẻ thì trường sẽ xem xét tăng lên ngang giá trần.


Một số trường mầm non tại quận 1 như Mầm non Thành phố 19/5, Trường 30/4... đã quyết định tăng giá lên mức 30.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, phần lớn các trường nội thành vẫn cố gắng giữ mức thu cũ từ 20.000 đến 25.000 đồng để tránh gây hoang mang cho phụ huynh.


Theo Pháp Luật TPHCM