Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Thức ăn bổ dưỡng có thật cần cho trẻ?


Đã qua rồi cái thời mà những món ăn được truyền tụng là... "thập toàn đại bổ" chỉ dành để tiến vua hoặc được dùng trong những gia đình quyền quý. Ngày nay, các gia đình chẳng cần phải giàu có cũng có thể mua được các món ăn lừng danh như nhân sâm, yến sào, nhung hươu, mật gấu... để mong cải thiện sức khỏe, giữ gìn tuổi xuân hay thậm chí để... chữa bệnh nan y.


Với người lớn, thôi thì, nếu không đạt hiệu quả về thể chất, ít ra hiệu quả về tinh thần cũng là điều không thể không công nhận. Vấn đề chỉ trở nên đáng chú ý khi ngày càng có rất nhiều trẻ em, thậm chí trẻ mới... bốn tháng tuổi (!) cũng được bố mẹ, ông bà ưu ái cho dùng các món ăn này để bồi bổ. Người lớn vô tình không biết rằng việc "bồi" này chẳng những không "bổ" mà có khi dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng cho con.


Thành phần chủ yếu của các món ăn quý có dược tính như sâm, nhung, yến... là các axít amin, vitamin, chất khoáng và các chất chức năng. Các chất chức năng này giúp gia tăng tốc độ chuyển hóa và sử dụng dưỡng chất của từng tế bào, hiểu nôm na là kích hoạt các tế bào hoạt động "sung" hơn để mang lại cảm giác cơ thể sung mãn. Các chất này có thể cần cho người lớn khi bị suy nhược cơ thể, nhưng khi cho trẻ em dùng thì không tốt.


Trẻ em là cơ thể đang phát triển nên nội tiết tố và hoạt động của tế bào... phải ở mức độ cao mới đáp ứng đủ cho tốc độ phát triển, vì vậy ở trẻ thường có mức chuyển hóa cơ bản cao và các tế bào thường hoạt động mạnh mẽ hơn hẳn so với người lớn. Có thể thấy rõ hiện tượng này ở một số biểu hiện bên ngoài như trẻ thường có khuynh hướng hoạt động suốt ngày, dễ thích nghi với môi trường như chịu nóng, chịu lạnh tốt hơn, nhiệt độ ở da thường cao hơn... so với người lớn. Bình thường đã hoạt động như thế, giờ lại bắt hoạt động nhiều hơn, nguy cơ đầu tiên là tế bào sẽ bị ứ đọng chất chuyển hóa, trở nên mệt mỏi sớm và tăng nguy cơ sao chép sai, tổng hợp sai các yếu tố di truyền. Hậu quả của quá trình này có thể là tình trạng tế bào bị tổn thương và lão hóa nhanh hơn, rút ngắn giai đoạn trưởng thành sinh lý, đôi khi dẫn đến các bệnh lý liên quan đến cấu trúc tế bào. Với những trẻ suy kiệt, kém dinh dưỡng, sự gia tăng hoạt động chuyển hóa của cơ thể là một yếu tố làm cơ thể trẻ hao hụt dưỡng chất dự trữ trong cơ thể hơn (vì đã yếu còn bắt làm việc nhiều). Với những trẻ thừa cân, béo phì, sự gia tăng hoạt động của các nội tiết tố kết hợp với tăng lượng tế bào mỡ dự trữ có thể làm thúc đẩy dậy thì, một tình trạng đang được báo động của thời đại công nghiệp hóa vì những hậu quả nghiêm trọng về thể chất lẫn tâm lý.


Nhìn chung, không nên cho trẻ dưới độ tuổi trưởng thành dùng các loại thức ăn "bổ", tức là những loại thực phẩm có những chất chức năng làm tăng hoạt động của cơ thể tạo ra cảm giác hưng phấn, khỏe mạnh... như một cách bồi dưỡng cơ thể. Đừng quên, mỗi cơ thể sống của bất kỳ sinh vật nào đều bắt buộc phải trải qua bốn giai đoạn sinh lý: sinh ra, trưởng thành, suy thoái (lão hóa) và tàn lụi. Sự thúc đẩy tăng trưởng quá mức trong giai đoạn trưởng thành sẽ rút ngắn thời gian này lại, giai đoạn suy thoái sẽ đến sớm hơn so với chương trình đã được lập sẵn trong tế bào. Đương nhiên, nếu chỉ là "nếm thử một miếng cho biết" thì chẳng có gì đáng ngại cả!


THS-BS ĐÀO THỊ YẾN PHI
(CHỦ NHIỆM BỘ MÔN DINH DƯỠNG ĐẠI HỌC Y KHOA PHẠM NGỌC THẠCH, TP.HCM)