Học trước: lợi bất cập hại! Vào mùa tuyển sinh mỗi năm, Phòng Mầm non, Sở GD - ĐT đều có văn bản nhắc lại việc nghiêm cấm các trường mầm non và cô giáo dạy trẻ lớp 4 - 5 tuổi nhận dạy học sinh (HS) viết, làm toán thêm ngoài chương trình. Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Mầm non, Sở GD-ĐT giải thích về vấn đề này: "Ngay từ lớp mầm, bậc mầm non đã chuẩn bị cho trẻ năng lực tư duy như tính chú ý, trí nhớ, khả năng quan sát, nghe, hiểu và phát triển khả năng ngôn ngữ... Nói chung là các bé đã nhận biết được 24 chữ cái và ráp chữ được rồi. Khi qua 60 tháng tuổi, tay và mắt trẻ bắt đầu phối hợp nhanh nhẹn nên việc học sẽ diễn ra nhanh. Đây cũng chính là lý do tại sao trên toàn thế giới đều cho trẻ học lớp 1 lúc 6 tuổi. Việc phụ huynh cho con em mình học thêm ở bên ngoài ngành GD không thể can thiệp. Nhưng đừng nên làm gì trái với quy luật phát triển". Về chuyên môn đào tạo thì yêu cầu với HS lớp 1 chỉ cần biết đọc, biết viết là đủ và chất lượng giáo viên các lớp đầu cấp được các trường tiểu học quan tâm đầu tư. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn hiện tượng nhiều giáo viên mới vào đầu năm lớp 1 đã phàn nàn với phụ huynh là con em họ chưa biết hoặc viết kém, tốt nhất nên đến nhà để cô dạy kèm. Do vậy mà nhiều năm qua, cuối học kỳ 2 sĩ số HS lớp lá ở bậc mầm non cứ "rơi rụng" dần với lý do đi học thêm. Có những bé, chiều tan lớp được ba mẹ đón về cho ăn uống qua quýt rồi đưa đến lớp học, có tối thì ngoại ngữ, tối khác thì làm toán, viết chữ... Tới ngày đi khảo sát năng khiếu ngoại ngữ thì bị cảm giác lo lắng dẫn đến ăn, ngủ thất thường... Đề cập đến vấn đề này, ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: "Các trường tiểu học phải dạy theo đúng chương trình của Bộ tức là bắt đầu từ bài đường nét đầu tiên hướng dẫn các em viết chữ chứ không phải đó thuộc trách nhiệm của bậc mầm non mà đòi hỏi các em biết viết thành thạo. Vì vậy phụ huynh chú ý, nếu có hiện tượng cô giáo phân loại học sinh hay phàn nàn và la mắng học sinh khi chưa biết viết, nên phản ánh ngay với Phòng hoặc Sở GD để kịp thời chấn chỉnh và xử lý". Mới đây, thạc sĩ Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, trong buổi làm việc với báo chí cũng khuyến cáo trong năm học mới, trường nào để xảy ra tình trạng giáo viên ép học sinh học thêm sẽ đề nghị thôi chức hiệu trưởng trường đó. Cho trẻ học tiếng Anh Theo kế hoạch tuyển sinh năm học 2006-2007, Sở quy định các trường tiểu học có lớp tăng cường ngoại ngữ tổ chức khảo sát năng khiếu vào ngày 12/7. Do đó sau khi các trường TH nhận HS theo phân tuyến quy định sẽ phát hồ sơ đăng ký dự thi khoảng đầu tháng 7. Thông thường, các em sẽ được thử khả năng nghe, nói, phát âm bằng cách cô giáo cho nghe băng một từ tiếng Anh rồi lặp lại, nghe cô đọc rồi lặp lại để kiểm tra xem phát âm có giống không, có bị ngọng không? Tiếp đến là kiểm tra khả năng phân biệt bằng cách chỉ ra các từ giống nhau trong số những từ gần giống nhau được đưa ra. Cũng theo ông Điệp thì: "Thực ra đây là kỳ kiểm tra với hình thức trò chuyện vui vẻ giữa giáo viên và HS để chọn ra những HS có ham thích học ngoại ngữ bên cạnh đó có thêm một số tố chất như bắt chước giỏi, phát âm tốt (không ngọng bởi quá trình giao tiếp sẽ bị phá vỡ nếu phát âm không chuẩn) rồi sau đó mới kể đến sự sáng dạ, tinh mắt dùng để ghi nhớ từ đã học và có năng lực tạo ra những lời nói khác có tình huống". Tuy nhiên, cũng để tránh tình trạng "không bình tĩnh, khó có thể phát huy khả năng" như lời một cô giáo nhiều năm làm giáo viên khảo sát thì với những câu hỏi không có nội dung kiến thức, dựa hoàn toàn vào khả năng của trẻ thì việc phụ huynh chuẩn bị vốn ngoại ngữ cho con em mình là tốt, nhưng đừng vượt ngưỡng khả năng tiếp thu cho phép dẫn đến quá tải. Vì vậy, để các bé bước vào lớp 1 với tư thế bình tĩnh, tự tin, cũng theo thạc sĩ Kim Thanh, trong những ngày hè này nên cho các em vui chơi, du lịch hoặc nếu có thì nên đi học thêm những môn năng khiếu như nhạc, họa tại các nhà văn hóa hoặc chương trình Anh văn thiếu nhi với hình thức vui chơi... chứ đừng nên bắt học kiểu chín ép như trên. Thanh Niên |