Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chăm sóc dinh dưỡng khi trẻ bệnh


Với trẻ dưới hai - ba tuổi, hệ miễn dịch còn non yếu, nên thường cứ hai tuần khỏe lại có thể một tuần bệnh. Đây là chuyện bình thường, và chính là giai đoạn mà hệ miễn dịch của trẻ đang ráo riết luyện quân, rèn vũ khí để mỗi ngày trở nên mạnh mẽ hơn.


Vì vậy, thay vì hốt hoảng tìm cách cách ly con mình khỏi môi trường chung quanh, nên hỗ trợ cho quá trình rèn luyện miễn dịch này của trẻ bằng cách chăm sóc đúng cách khi trẻ bệnh: điều trị đúng phác đồ và chăm sóc dinh dưỡng phù hợp.


Khi có sự xâm nhập của vi sinh vật, cơ thể trẻ sẽ có những phản ứng chống lại: tăng tiết dịch để ngăn chặn sự xâm nhập của vi trùng, tạo phản ứng viêm tại chỗ để các tế bào miễn dịch theo máu dồn về tiêu diệt vi trùng, tăng thân nhiệt để làm môi trường trở nên bất lợi với vi trùng... Các phản ứng này sẽ dẫn đến các triệu chứng như sổ mũi, ho, tiêu chảy, sưng đỏ, sốt... và từ đó gây ảnh hưởng đến toàn thân, cả đến chuyện ăn uống và tiêu hóa. Hệ tiêu hóa thường làm việc kém hơn nên trẻ ăn khó tiêu; đàm mũi kích thích vùng hầu họng làm trẻ dễ nôn ói; tiêu chảy làm tổn thương niêm mạc ruột khiến trẻ đau bụng, kém hấp thu... Trong tình trạng như thế mà vẫn bắt trẻ ăn giống như ngày khỏe, thậm chí bổ dưỡng hơn thì không khác nào bắt người ốm đi vác đá!


Ảnh: SS


Một số điều cần lưu ý trong chuyện ăn uống khi trẻ bệnh:
- Luôn chú ý làm sạch mũi, họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý (NaCl 0,9%). Lưu ý nếu dịch tiết ở mũi họng nhiều và đặc thì lượng nước muối sử dụng phải trên 5ml - 10ml mỗi lần mới đủ để rửa sạch và làm thông thoáng vùng hầu họng.


- Cung cấp chất bột đường đầy đủ và chế biến thức ăn theo khẩu vị của trẻ: một chén chất bột loại nào cũng cung cấp năng lượng như nhau, vì vậy không nên ép trẻ ăn loại chất bột mà... mẹ thích!


- Không cần quá quan tâm đến thức ăn giàu đạm (thịt, cá, tôm, cua...) trong giai đoạn này. Chỉ cần một chút để tạo mùi vị hoặc bỏ hẳn nếu trẻ chỉ thích ăn cơm trắng với nước tương!


- Sữa luôn là loại thực phẩm dễ tiêu hóa và hấp thu nhất. Nên cho trẻ uống từng ít một, suốt ngày, như uống nước, vừa tránh căng thẳng cho hệ tiêu hóa vốn đã mệt mỏi khi bệnh, vừa giúp sự hấp thu diễn ra từ từ, các chất dinh dưỡng được sử dụng hiệu quả hơn. Có thể pha vào sữa bất cứ thứ gì trẻ thích, như sôcôla, ca cao, ít mứt dâu... và cũng không cần phải uống sữa nóng.


- Chọn loại trái cây mềm, chín kỹ, cho trẻ ăn xen giữa các bữa ăn chính. Có thể dùng nước trái cây cho uống sau các bữa ăn chính, nhưng giữa các bữa ăn nên cho uống sữa hơn là cho uống nước trái cây.


- Luôn cho trẻ đi khám và điều trị đúng y lệnh của bác sĩ. Không được tự trị bệnh tại nhà cho trẻ dưới ba tuổi, vì ở trẻ nhỏ, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, bệnh thường diễn tiến bất ngờ và rất khó theo dõi, nhất là khi có hiện tượng bội nhiễm thêm loại vi trùng khác so với vi trùng ban đầu.


- Có thể dùng men tiêu hóa để hỗ trợ, nhưng hoàn toàn không nên bổ sung vitamin và chất khoáng ngay trong đợt bệnh. Đừng quên vi trùng cũng là tế bào sống, việc bổ sung vi chất trong giai đoạn này sẽ giúp vi trùng... khỏe mạnh hơn, sống dai hơn và con mình sẽ khó khăn hơn trong việc tiêu diệt chúng.


- Khi cơn bệnh đã lui, gia tăng phục hồi dinh dưỡng cho trẻ bằng sữa và thức ăn (cho ăn tăng thêm bữa phụ, tăng lượng sữa)... Giai đoạn này chính là giai đoạn cần cung cấp dinh dưỡng để phục hồi đợt bệnh cũ, đồng thời dự trữ dinh dưỡng chuẩn bị cho... đợt bệnh mới.


ThS-BS Đào Thị Yến Phi (Chủ nhiệm bộ môn Dinh dưỡng Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM)
Theo PN