Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nên khám và tư vấn 1-2 năm trước khi mang thai


Việc khám tiền thai giúp phát hiện những nguy cơ ảnh hưởng xấu tới thai kỳ. Qua đó, bác sĩ sẽ tư vấn nên có thai hay không, nếu chấp nhận mang thai thì khi nào là an toàn nhất.

Cách đây trên 50 năm, sản khoa đã chia sản phụ ra hai nhóm - nhóm nguy cơ cao và nhóm ít nguy cơ - để đối phó với tai biến lúc sinh. Phụ nữ được khuyến cáo trước khi có thai 1-2 năm nên đi tư vấn tiền thai. Ở Việt Nam mới chỉ khám quản lý thai cho mọi người bất kể nhóm nào và quy ước 3 lần khám trong một thai kỳ. Khám thai lần đầu khi được 6-8 tuần lễ.

Khám tiền sinh là để lượng giá những biến chứng tiềm ẩn trong thai kỳ cho đến lúc sinh. Một bệnh lý nội ngoại khoa tiềm ẩn có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào khi mang thai; thày thuốc có kinh nghiệm vẫn có thể vướng mắc nếu không chuẩn bị từ sớm.

Tư vấn tiền thai phải tiến hành trước khi bệnh nhân có thai dưới sự trợ giúp của các xét nghiệm cận lâm sàng. Nhờ đó, bác sĩ nắm được tình hình sức khỏe hay bệnh lý của người phụ nữ, đánh giá được những yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng xấu đối với thai kỳ để tư vấn lúc nào nên có thai và chấp nhận biến chứng sau đó. Nếu cặp vợ chồng chấp nhận có thai, bác sĩ sẽ tư vấn lúc nào sinh là an toàn nhất?

Người phụ nữ trước khi mang thai 1-2 năm phải ý thức được lợi ích thiết thực của khám tư vấn tiền thai, khám định kỳ và thực hiện các xét nghiệm cần thiết cho chẩn đoán xác định, biết cách ngừa thai theo yêu cầu của chuyên môn.

Người phụ nữ sẽ được khám bệnh tổng quát, khám sản phụ khoa để phát hiện các bệnh mãn tính tiềm ẩn nhằm chữa trị kịp thời, phát hiện các bệnh lý sản khoa để phần nào có thể tiên lượng được cuộc sinh. Hiện nay Việt Nam chỉ xét nghiệm protein niệu, đo huyết áp vào 2 tuần lễ tiêm phòng uốn ván, làm một số xét nghiệm cần thiết về máu, siêu âm... nên không thấy hết được nguy cơ của các bệnh tiềm ẩn. Hậu quả là các bác sĩ phải đối phó các nguy cơ cấp cứu.

Cần làm bệnh án và xác định yếu tố nguy cơ: Tiền sử bệnh nội ngoại khoa; đặc biệt chú ý tới các tai biến sản khoa có tiềm năng tái phát, nhiễm chlamydia, toxoplasma. Hồ sơ cũng cần có thông tin về việc sử dụng thuốc trong quá khứ; thói quen hằng ngày, nghề nghiệp, môi trường sống và làm việc. Bác sĩ cần tư vấn với người bệnh những yếu tố nguy cơ đặc biệt liên quan đến nghề nghiệp, người thân trong gia đình; thảo luận về chế độ dinh dưỡng, về những căn bệnh có thể gây rối loạn kinh nguyệt, vô sinh, hiếm muộn.

Việc bổ sung dinh dưỡng cũng cần được làm trước khi mang thai. Hai chất quan trọng dễ thiếu nhất là sắt và axit folic. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ Hb dưới 11 g/dl thì nên bổ sung sắt trong 2-3 tháng liên tục: uống 60 mg/ngày hay 120 mg/tuần, uống hằng ngày sẽ hiệu quả hơn. Với axit folic (phòng ngừa dị tật nứt đốt sống), dùng 4 mg/ngày từ một tháng trước khi có thai đến hết quý đầu của thai kỳ.

Trong khi mang thai, cần tầm soát đái tháo đường trong thai kỳ - một bệnh khá phổ biến ở nước ta.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)