Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chuẩn bị cho ngôi nhà của bé.


Cả bố lẫn mẹ phải lên kế hoạch có con ít nhất ba tháng trước khi thụ thai. Bạn phải chuẩn bị thật tốt "ngôi nhà đầu tiên của bé", ngôi nhà đó chính là bản thân bạn vì những tuần đầu của thai nhi là giai đoạn quan trọng nhất. Bạn hãy chuẩn bị thật chu đáo cho mình và cho con.

Khi bạn bị suy dinh dưỡng

Nếu mẹ bị suy dinh dưỡng trong thai kỳ dễ dẫn tới các nguy cơ: sẩy thai, thai chết lưu, dị tật bẩm sinh, sinh non, suy dinh dưỡng bào thai...

Để tăng cân? Phải tăng cung cấp năng lượng cho mẹ bằng cách ăn thêm từ 1 đến 3 bữa ăn phụ. Chọn các thức ăn giàu năng lượng: chất béo, ngọt... Cần giảm bớt tiêu hao năng lượng: chữa bệnh, xổ lãi, nghỉ ngơi, chữa răng sâu...

Thừa cân thì sao?

Nếu mẹ bị thừa cân dễ có nguy cơ: giảm khả năng thụ thai, rối loạn đường huyết trong thời gian mang thai dẫn tới nguy cơ tiểu đường, dễ bị cao huyết áp phù trong thời gian mang thai làm tăng nguy cơ nhiễm độc thai. Đồng thời, nếu mẹ thừa cân, nguy cơ sinh khó cũng cao.

Để giảm cân? Cần giảm cung cấp năng lượng bằng cách giảm sử dụng các thức ăn giàu năng lượng (chất béo ngọt), giảm sử dụng tinh bột trong bữa ăn. Ăn nhiều rau và trái cây. Tăng hoạt động thể lực: chơi thể thao, tập thể dục, năng động trong cuộc sống (đứng, đi lại, không ngồi một chỗ nhiều). Nếu ăn giảm đi từ 500 đến 1.000kcal một ngày thì có thể giảm từ 1/2 đến 1kg trong một tháng.

Ăn uống hợp lý

Bà mẹ cần ăn đủ năng lượng nhu cầu: 25–50kcal/kg. Ăn đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu: 40 chất. Ăn cân đối giữa các chất dinh dưỡng: 50g thịt, 50g cá, 70g đậu hũ, 300g rau các loại, 200g trái cây... Muốn vậy cần: ăn đa dạng trên 20 loại thực phẩm hàng ngày; ăn chừng mực, không ăn thứ gì quá nhiều, không ăn bữa nào quá no; ăn thức ăn nguyên vẹn, ít chế biến.

"Ngôi nhà đầu tiên của bé" cần được tu sửa nếu: bạn mắc các bệnh mãn tính hoặc cấp tính: lao, tiểu đường, cường giáp, thiếu máu… Hãy trị dứt hoặc đạt được ổn định mới quyết định có con. Bạn đang dùng thuốc ngừa thai, cần phải ngưng sử dụng thuốc và chờ ít nhất có 3 kỳ kinh nguyệt đều mới mang thai. Nếu bạn và vị hôn phối của bạn đang tiếp xúc với các hóa chất độc hại, X quang,... nên tìm cách hạn chế tối đa. Rượu và thuốc lá đều có hại cho bé, kể cả khi bạn hít phải khói thuốc.

Tăng cân khi mang thai

Khi có thai, mỗi người cần tăng từ 6-16kg trong thai kỳ, tùy thuộc vào tình trạng dinh dưỡng của mẹ trước khi có thai.

Trung bình, thai phụ cần tăng từ 10-12kg trong suốt thời gian có thai.

  • 3 tháng đầu: cần tăng khoảng 1kg
  • 3 tháng giữa: cần tăng khoảng 4-5kg
  • 3 tháng cuối: cần tăng khoảng 5-6kg
  • Từ tháng thứ tư trở đi, mỗi tuần bạn cần tăng từ 300g đến 500g.
  • Nếu bạn bị thừa cân hoặc béo phì, vẫn cần phải tăng từ 6-8kg.

Trong 3 tháng đầu, thai phụ thường có cảm giác chán ăn, hay nhợn ói. Bạn nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, ăn thêm bữa phụ bằng các thức ăn dễ chấp nhận. Ăn lúc sáng sớm mới thức dậy. Không nên ăn các thức ăn nhiều gia vị, dầu mỡ... không uống nước lúc đang ăn. Bạn có thể uống bổ sung thêm viên đa sinh tố, vi lượng. Không nên uống thuốc chống ói.

Càng về cuối thai kỳ, thai phụ càng dễ bị táo bón do thai càng ngày càng lớn gây chèn ép trực tràng. Vì vậy bạn cần phải uống nhiều nước, nhất là lúc sáng sớm: khoảng 6 đến 8 ly một ngày. Nên ăn nhiều thức ăn giàu chất xơ: rau, trái cây, đậu đỗ. Tập nếp sống năng vận động: đi lại nhiều, vận động cơ bụng, xoa bụng. dành thời gian cho việc đi vệ sinh khi có nhu cầu. Không nên uống thuốc xổ, thuốc nhuận tràng. Bé đã biết nghe và hiểu bạn từ lúc 24 tuần tuổi, vì vậy cả bố lẫn mẹ nên trò chuyện với bé từ khi còn trong bụng mẹ.

Để an toàn tối đa cho bạn và bé, bạn cần: tránh tiếp xúc với các nguồn lây bệnh, các hóa chất độc hại, nhất là trong ba tháng đầu. Không được tự ý dùng thuốc, và luôn cho bác sĩ biết bạn đang có thai khi kê toa. Không được sử dụng rượu dù là một chút vì không có một nồng độ rượu nào là an toàn cho thai nhi.

Nếu bạn hít phải khói thuốc hay còn gọi là hút thuốc "thụ động" cũng có hại cho bạn và bé. Cuối cùng bạn cần tránh các nguy cơ gây tai nạn.

Thai phụ cần đi cấp cứu ngay nếu thấy các triệu chứng sau:

  • Nhức đầu dữ dội không trị được.
  • Nhìn mờ, hình ảnh nhòe nhoẹt.
  • Đau bụng dữ dội, kéo dài.
  • Chảy máu nhiều.
  • Rỉ chất dịch ở âm đạo (vỡ ối sớm).
  • Hay mót tiểu, đau rát khi đi tiểu.

Và hãy khám bác sĩ trong vòng 24 giờ nếu bạn có:

  • Tay, mặt, mắt cá chân bị phù.
  • Nôn mửa dữ dội và nhiều lần.
  • Sốt  > 38,5ºC.
  • Thai nhi không máy động hoặc đạp dưới 10 lần trong 12 giờ sau tuần 28.

BS. Nguyễn Thị Kim Hưng
Nutifood