Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nguy hiểm từ thuốc.


Có rất nhiều hiện tượng trẻ sinh ra bị quái thai, thiếu chi,... mà nguyên nhân cũng chỉ vì một vài viên thuốc do mẹ sử dụng trong thời gian mang thai, và hậu quả của nó là cả cuộc đời trẻ.

Đối với phụ nữ có thai, cần lưu ý rằng, thuốc được sử dụng trong thời gian này có thể gây tác dụng xấu đến bất cứ giai đoạn phát triển nào của thai kỳ, đặc biệt là ba tháng đầu khi phôi thai tạo hình và biệt hóa các bộ phận của bào thai.

Sự nguy hiểm của việc dùng thuốc khi mang thai

Khi mang thai, nếu dùng thuốc có tác dụng cản trở sự tượng hình và biệt hóa (ví dụ như: thuốc an thần, kháng sinh, nội tiết tố, chống ung thư,...) có thể gây ra quái thai, dị tật bẩm sinh, và xảy ra ở bất cứ bộ phận nào: tim mạch, đầu, mặt, bộ phận tiết niệu, sinh dục, tiêu hóa, xương cơ, các chi... Năm 1962, hàng ngàn phụ nữ Châu Âu sinh ra quái thai, cụt chi giống như hải cẩu, do đã uống thuốc an thần THALIDOMIDE trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Từ tháng thứ tư trở đi, bào thai đã tượng hình, một số thuốc có thể gây ảnh hưởng xấu đến các chức năng của các cơ quan sau này của trẻ, do có độc tính đối với các mô đang phát triển của bào thai. Ví dụ: thuốc kháng sinh Tetracylin gây ảnh hưởng xấu đến mô xương và răng, thuốc kháng sinh thuộc họ aminosid như Streptomycin gây độc tính với cơ quan thính giác và thận... Ngay trước khi trở dạ, một số thuốc vẫn có thể tác động đến thai nhi như: Morphin (ức chế hô hấp).

Như vậy, tốt nhất là không nên dùng thuốc đối với phụ nữ có thai. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp phải dùng thuốc, vì nếu không chữa trị cho thai phụ sẽ nguy hiểm cho thai nhi. Đó là trường hợp thai phụ bệnh đái tháo đường, động kinh, một số bệnh nhiễm khuẩn... Trường hợp này bắt buộc phải dùng thuốc chữa bệnh, thậm chí, nếu không chữa bệnh sẽ sinh quái thai. Trường hợp phụ nữ có thai bị cao huyết áp, bị suyễn cũng thế, ngưng điều trị là sai lầm lớn.

Lưu ý: Những thứ có thể gây quái thai: rượu, thuốc ức chế men chuyển, thuốc chống động kinh (carbamazepin, phenytoin, acid valproic), thuốc trị ung thư (cyclophosphamid, methotrexat), diethystilbestrol, idod, isotretinoin, lithi, thalidomid, warfarin...

Đặc biệt lưu ý các thai phụ

- Nếu có thể, tuyệt đối tránh dùng mọi thứ thuốc trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Có người cẩn thận hơn, khuyên thêm rằng: nếu có thể, trong phân nửa cuối của chu kỳ kinh nguyệt (tức là từ lúc rụng trứng cho đến khi có kinh) tránh dùng mọi thứ thuốc ở bất kỳ phụ nữ nào còn trong tuổi hoạt động sinh dục có khả năng thụ thai. Bởi vì có nhiều thứ thuốc có tính tích lũy, đào thải rất chậm ra khỏi cơ thể, khi uống lúc chưa thụ thai nhưng đến khi thụ thai thì thuốc còn giữ lại trong cơ thể người mẹ gây ảnh hưởng xấu cho thai.

- Nếu cần thiết phải dùng thuốc để chữa bệnh, như những trường hợp đặc biệt ở trên, thì tốt nhất là đến khám ở bác sĩ để được chỉ định thuốc. Khi đó, bác sĩ sẽ cân nhắc thật kỹ giữa lợi ích sức khỏe của bà mẹ, và mức ảnh hưởng đến bào thai, để chọn những thuốc hiện diện trên thương trường nhiều năm được công nhận là an toàn đối với thai phụ và cho dùng liều thấp nhất có hiệu lực.

Phân loại các thuốc nguy hiểm cho thai phụ

Năm 1979, cơ quan Quản lý Thực - Dược phẩm FDA (Mỹ) đưa ra hệ thống phân loại thuốc có nguy cơ ảnh hưởng xấu đối với thai đến 5 mức A, B, C, D và X. Trong đó, loại A là loại thuốc “có thể sử dụng cho phụ nữ có thai”, X là loại “chống chỉ định tuyệt đối đối với phụ nữ có thai”, còn 3 loại B, C, D là 3 loại “chống chỉ định tương đối” (bác sĩ có thể cho khi thật cần thiết). Việc chia thuốc loại “chống chỉ định tương đối” thành 3 mức khác nhau nhằm để bác sĩ điều trị có sự tính toán kỹ hơn tỷ lệ giữa lợi ích điều trị và nguy cơ gây độc cho thai. Đối với thuốc loại B, bác sĩ dễ chọn hơn thuốc loại C và D. Đối với thuốc loại D, nhiều nhà điều trị xem như loại X.

Lưu ý: Một số thuốc phụ nữ có thai không nên dùng:

(Ở đây chỉ đề cập một số thuốc thường dùng, các thuốc không được nêu không có nghĩa là an toàn đối với phụ nữ có thai).

Thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương: các Barbiturat, các Benzodiazepin, rượu.
Thuốc giảm đau chống viêm: Aspinrin, Indomethacin, Naproxen…
Thuốc giảm đau gây nghiện: Dextropropoxyphen…
Thuốc chống đau nửa đầu: Ergotamin.
Thuốc kháng sinh: các Aminosid (Gentamycin,…), Cloramphenicol, Dapson, Rifampicin, Tetracyclin, Trimethoprim, Co-Trimoxazol (Bactrim,…).
Thuốc chống sốt sét: Quinin, Primaquin, Pyrimethamin.
Thuốc loại Corticoid
Các thuốc lợi tiểu, các Thiazid (Hydroclorothiazid,…).
Thuốc hạ huyết áp: Reserpin, Nifedipin, các Chẹn Bêta.
Các thuốc hormon: Testosteron, Estrogen, Progesteron (liều cao), Stilbestrol.
Các Sulfamid hạ đường huyết (như Glicazid, Glibenclamid,...).
Thuốc hệ hô hấp: Aminophyllin.
Thuốc da liễu: Etretinat, Isotretinoin (trị mụn trứng cá nặng.
Vitamin A (liều cao), Vitamin K (liều cao).
Các loại thuốc nhuận tràng kích thích như: Neo-boldolaxine, Dulcolax...

TS.DS. Nguyễn Hữu Đức
Nutifood