Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Một em bé chết vì tràng hoa quấn cổ


Bác sĩ Nguyễn Duy Ánh, Phó giám đốc Bệnh viên Phụ sản Hà Nội cho biết, mẹ của cháu bé kể trên đã nhập viện 3 ngày trước khi sinh, qua siêu âm đã được phát hiện có hiện tượng tràng hoa quấn cổ. Tuy nhiên, do thai nhi bé (khi ra đời nặng 2,4 kg) nên các bác sĩ cho rằng có thể cho sinh đường dưới, và đây cũng là nguyện vọng của gia đình sản phụ. Cháu bé bị ngạt trong quá trình chuyển dạ đã qua đời một lát sau khi lọt lòng mẹ.

Bác sĩ Ánh cho biết bệnh viện sẽ kiểm điểm, xem xét lại ca sinh này để làm rõ trách nhiệm của kíp trực, và kết luận các y bác sĩ đã xử lý đúng hay chưa. Ông Ánh cho rằng xử lý tai biến do tràng hoa quấn cổ khi sinh là một việc khó vì tình trạng suy hô hấp biểu hiện qua tim thai xảy ra đột ngột, chỉ cần thiếu chú ý vào màn hình máy theo dõi trong một phút là có thể không phản ứng kịp. Mặt khác, nếu điều này xảy ra ở giai đoạn cuối của quá trình chuyển dạ, khi đầu em bé lọt nhanh ra ngoài thì việc can thiệp cũng không dễ dàng.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết, tràng hoa quấn cổ là cách gọi dân gian nói về hiện tượng dây rau quấn quanh cổ thai nhi khi ra đời. Đây là hiện tượng không hiếm gặp, có thể xuất hiện ngay từ quý 2 của thai kỳ. Khi em bé xoay mình để chuyển ngôi, dây rau có thể quấn quanh người bé, có khi quấn quanh cổ. Nếu dây rau dài, thai nhi ít khi bị ảnh hưởng, nhưng nếu ngắn thì có thể bị căng quá mức, có khi thắt lại, cắt đứt hoặc giảm sự trao đổi chất giữa mẹ và thai nhi. Thai không nhận được dinh dưỡng và ôxy từ mẹ sẽ tử vong.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Ánh, những trường hợp tràng hoa quấn cổ gây nguy hiểm cho em bé trong thai kỳ không nhiều (và nếu xảy ra cũng không can thiệp được). Thường khi cử động, nếu thấy bị "trói", thai nhi sẽ có phản xạ không xoay chuyển nữa. Nhiều trường hợp vòng quấn tự tuột ra do cử động của em bé. Phần lớn trường hợp tai biến do tràng hoa quấn cổ xảy ra trong quá trình chuyển dạ, khi cơn co tử cung đẩy thai nhi ra ngoài và quá trình này có thể kéo căng dây rau, khiến nó thít chặt đường thở của em bé.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến cho biết, hiện tượng dây rau quấn cổ có thể phát hiện bằng siêu âm. Không phải tất cả các trường hợp như vậy đều phải sinh mổ. Thường bác sĩ chỉ chỉ định mổ khi dây rau ngắn, quấn chặt, thai bị suy hoặc sản phụ có các biểu hiện đẻ khó. Những trường hợp còn lại đều được cho sinh thường, với sự theo dõi tim thai thường xuyên để phòng ngạt trong suốt quá trình chuyển dạ. Khi có dấu hiệu nguy hiểm, bác sĩ sẽ cho mổ cấp cứu. Tuy nhiên, theo ông Tiến, phần lớn trẻ đã ra đời an toàn.

Các bác sĩ khuyên rằng, khi có chẩn đoán dây rau quấn cổ, các bà mẹ không nên quá lo sợ, chỉ cần theo dõi thai thường xuyên hơn. Khi chuyển dạ, cần thông báo điều này với bác sĩ để siêu âm kiểm tra, quyết định phương thức sinh nở và theo dõi phòng ngạt khi sinh.

Vnexpress