Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bệnh ngứa ở các bà bầu


Nhiều phụ nữ mắc chứng ngứa trong thời gian mang thai. Chứng này thường khỏi hẳn sau sinh ít tuần lễ. Tuy nhiên, một số bệnh có tính tái phát trong những thai kỳ sau.

Ngứa khi mang thai có thể do bệnh bóng nước thai kỳ, ứ mật thai kỳ, viêm da sần ngứa. Ngoài ra, khi mang thai, làn da trở nên mẫn cảm hơn nên việc vệ sinh không đảm bảo, tiếp xúc với những chất lạ rất dễ gây ngứa.

Việc điều trị thường chỉ tập trung làm giảm triệu chứng. Gãi có tác dụng trước mắt là một phản xạ để làm dịu ngứa tạm thời. Dùng nước sạch để tắm rửa hằng ngày là cách tích cực nhất. Châm cứu có thể giảm ngứa được phần nào nhưng không khỏi dứt được.

Thoa chất béo như dầu hạnh nhân cũng có tác dụng phần nào. Xà bông loại axit pH=4,5 cũng có ích nếu không có tổn thương ngoài da. Có thể áp dụng quang liệu pháp để ức chế sinh histamine, chống ngứa.

Về thuốc, bác sĩ có thể cho thuốc ức chế thụ thể H1, H2 (polaramine, atarax) nhằm giảm tổng hợp histamine. Hoặc dùng thuốc làm giảm sự ứ đọng cholesterase thai kỳ, thuốc an thần, giảm bồn chồn lo lắng... Các thuốc này phải có chỉ định của bác sĩ.

Với bệnh bóng nước thai kỳ

Đây là bệnh ngoài da nổi phỏng do tự miễn, mắc phải trong thai kỳ. Mang thai là sự ghép tổ chức thai vào cơ thể người mẹ, với sự có mặt kháng nguyên từ màng đáy bánh nhau. Kháng nguyên đọng lại ở da rồi giải phóng những yếu tố hóa học vào da, gây nổi mẩn dạng bọng nước. Có khi mẩn đỏ lan lên niêm mạc miệng, âm đạo và nhiều vùng da khác trên cơ thể. Bệnh có khả năng tái phát lần có thai sau.

Điều trị bằng corticoid và kháng histamine.

Viêm da sần, ngứa thai kỳ

Tỷ lệ thai phụ mắc bệnh này là 0,5-2%. Lúc đầu, da nổi mảng đỏ có những nốt sần (đường kính 3-5 mm) mọc ở bụng, trên xương mu, 2 bên sườn rồi biến hết sau sinh, không lan lên mặt.

Điều trị bằng thuốc làm dịu mềm, kháng histamine uống và corticoid.

Ứ mật thai kỳ

Triệu chứng chủ đạo là ngứa do ứ mật trong gan; bệnh nặng dần khi đến ngày sinh và nhanh chóng khỏi hẳn trong thời kỳ hậu sản. Khoảng 70% trường hợp bệnh xảy ra ở tuổi thai 28-32 tuần lễ. Thai phụ rất ngứa, mất ngủ, ngứa bắt đầu từ chi lan ra toàn thân. Có tổn thương da do gãi, da và niêm mạc hơi vàng. Người bệnh mệt mỏi, nôn ói.

Khi có triệu chứng này, thai phụ cần đi khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)