Mầm non là bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ của trẻ em. Mặc dù đã được chú trọng đầu tư nhưng những khó khăn, bất cập phát sinh trong thực tiễn cho thấy, rất cần sự quan tâm hơn nữa nhằm bảo đảm cho các bé có môi trường học tập tốt nhất.
Bé học cách rửa mặt (Trường mầm non Nam Hồng, Hà Tĩnh).
Mầm non là bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ của trẻ em. Mặc dù đã được chú trọng đầu tư nhưng những khó khăn, bất cập phát sinh trong thực tiễn cho thấy, rất cần sự quan tâm hơn nữa nhằm bảo đảm cho các bé có môi trường học tập tốt nhất.
Thiếu phòng học, giáo viên bỏ nghề
Thiếu phòng học vẫn là bài toán khó chưa được giải quyết thấu đáo ở bậc học mầm non (năm học 2011- 2012 vẫn thiếu 28.886 phòng học). Ở nhiều địa bàn nông thôn, miền núi, phòng học là nhà tranh tre, nứa lá, phải học lớp ghép, học nhờ, thiếu công trình vệ sinh (CTVS) đạt chuẩn đã trở thành "chuyện thường ngày". Cô Nguyễn Thị Tân, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non (TMN) Sao Mai chia sẻ, mặc dù trường mới được chuyển từ xã Trung Minh (Kỳ Sơn) về TP Hòa Bình, phòng học khang trang hơn nhưng chưa xây được CTVS khép kín, nguồn nước chưa bảo đảm nên nguy cơ bệnh đường ruột, bệnh ngoài da tấn công luôn rình rập. Bức xúc không kém, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thiếu TMN, thậm chí có phường còn "trắng" TMN không còn là chuyện hiếm. Sức ép gia tăng dân số, khu đô thị, khu công nghiệp liên tiếp mọc lên, trong khi quy hoạch bất cập, việc xây TMN bị lãng quên dẫn đến "cung - cầu" mất cân đối. Thế là phụ huynh phải đôn đáo, khổ sở chạy khắp nơi lo xin học cho con. Học phí trường công rẻ hơn trường tư nhiều, điều kiện cơ sở vật chất và chất lượng giảng dạy bảo đảm hơn, nên có nhiều người xin học, tất yếu trở nên quá tải (có lớp sĩ số tới 70 trẻ).
Bức xúc nói trên cũng là vấn đề "nóng" được kiến nghị tại kỳ họp HÐND các tỉnh, thành phố và trên nghị trường QH vừa qua. Ðích thân Bí thư Thành ủy Hà Nội đã trực tiếp đi khảo sát thực tế và chỉ đạo gấp rút xây dựng các TMN tại quận Ðống Ða và Hai Bà Trưng, chậm nhất đến năm 2013 hoàn thành.
Hơn 60 cô giáo TMN tại xã Mậu Lâm và Thanh Tân (Như Thanh, Thanh Hóa) đồng loạt nghỉ việc ngay trong ngày khai giảng vì chế độ phụ cấp UBND tỉnh hỗ trợ quá thấp (chỉ còn 500 nghìn đồng sau khi trừ các khoản đóng bảo hiểm, công đoàn...; bằng 1/10 giáo viên mầm non (GVMN) biên chế ) tiếp tục cảnh báo về thực trạng giáo viên chán lớp, bỏ nghề. Ðể tồn tại, họ phải làm thêm đủ nghề, cố bám trường, lớp mong có ngày được vào biên chế. Không chỉ ở Thanh Hóa, câu chuyện buồn này còn xảy ra ở nhiều địa phương, nhất là tại các TMN, điểm trường xa xôi hẻo lánh. Ngược lại, ở các thành phố lớn, việc "giữ chân" GVMN nan giải không kém khi công việc nhiều áp lực mà thu nhập thấp. Với giáo viên trẻ mới ra trường, nguy cơ bỏ việc càng cao, vì có nhiều cơ hội kiếm việc khác nhàn hơn, thu nhập cao hơn. Mức lương hấp dẫn cũng khiến GVMN bỏ trường công sang dạy trường tư.
Trong cả nước, số TMN ngoài công lập chiếm gần một nửa, nhưng chế độ chính sách GVMN giữa trường công và trường tư, biên chế và hợp đồng còn nhiều bất hợp lý, trong khi cùng lao động với cường độ như nhau. GVMN ngoài công lập luôn phải chịu thiệt thòi: chưa được tăng lương định kỳ, xét ngạch bậc lương theo trình độ đào tạo. Công việc vất vả, phải đứng lớp cả ngày, trách nhiệm lại nặng nề nên nhiều người muốn bỏ nghề. Hiện tại, họ chỉ còn trông chờ cơ hội được xét duyệt vào biên chế khi UBND các tỉnh thực hiện đề án "Chuyển đổi mô hình TMN bán công sang công lập, dân lập, tư thục".
Cần tháo gỡ kịp thời
Những bất cập, khó khăn của giáo dục mầm non (GDMN) so với đòi hỏi phát triển đời sống kinh tế - xã hội hiện nay đã được Bộ trưởng GD&ÐT Phạm Vũ Luận thừa nhận trên diễn đàn QH vừa qua, bởi điều kiện, kinh phí có hạn, nhận thức về tầm quan trọng, vị trí của ngành mầm non trước đây chưa đầy đủ. Nhiều tồn tại, hạn chế đã bộc lộ trong quản lý Nhà nước về GDMN như việc chậm trễ thực hiện tăng phụ cấp cho giáo viên theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ chế hỗ trợ chính sách phát triển kinh tế-xã hội đối với các tỉnh duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, trung du và miền núi Bắc Bộ; một số quy định liên quan đến chế độ giáo viên hợp đồng trong Quyết định 161/QÐ-TTg của Chính phủ về "một số chính sách phát triển mầm non" chưa đi vào thực tế, chuyển đổi loại hình TMN còn lúng túng, chậm chạp, chi ngân sách Nhà nước cho GDMN còn thấp và thiếu hụt...
Tín hiệu đáng mừng là Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015, phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010-2015 và vừa ban hành Quyết định số 60/2011/QÐ-TTg quy định một số chính sách phát triển GDMN giai đoạn 2011-2015. Theo đó, hàng loạt giải pháp được chỉ đạo triển khai như miễn học phí, hỗ trợ trẻ em mẫu giáo trú tại các xã biên giới, vùng cao, vùng hải đảo và các xã đặc biệt khó khăn, trong diện chế độ chính sách; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị và kinh phí cho GDMN; đẩy nhanh xã hội hóa để phát triển GDMN; củng cố, mở rộng quy mô, mạng lưới TMN, ưu tiên xây mới các cơ sở GDMN công lập ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tại các khu đô thị, khu chế xuất, khu công nghiệp có đông công nhân lao động nữ; xây dựng đội ngũ GVMN bảo đảm số lượng và chất lượng. Ðặc biệt, quyết định cũng quy định rõ chế độ chính sách ưu đãi dành cho giáo viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ sở GDMN công lập, dân lập, tư thục, tạo điều kiện cho họ yên tâm công tác... Tuy nhiên, để chính sách đi vào thực tiễn rất cần sự nỗ lực, vào cuộc quyết liệt của ngành giáo dục và sự chung tay, ủng hộ của mỗi gia đình và toàn xã hội.
Theo Nhân Dân