Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cả nước sẽ đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015


Cùng với các chính sách về giáo dục thời gian qua như phổ cập tiểu học, trung học cơ sở, việc phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ 5 tuổi đã chính thức được "luật hoá". Trao đổi với bà Lê Minh Hà, Vụ Trưởng Vụ GDMN, Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai Đề án Phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015.


Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 239/QĐ-TTg phê duyệt đã được triển hơn 1 năm qua, vậy xin bà cho biết đến nay cả nước đã huy động được bao nhiêu trẻ 5 tuổi đến trường?
Bà Lê Minh Hà: Thực hiện chủ trương phổ cập GDMN 5 tuổi, tính đến ngày 30/7/2011 đã có 58/63 tỉnh, thành phố phê duyệt Đề án/Kế hoạch thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn, (chiếm tỷ lệ 92,06%). Trong đó có 10 tỉnh đăng ký quyết tâm đạt chuẩn phổ cập vào năm 2012 gồm: Hoà Bình, Phú Thọ, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nghệ An, Khánh Hoà và TP. Hồ Chí Minh.


Theo số liệu của 63 tỉnh, thành phố, kết quả bước đầu đến ngày 30/7/2011, đã huy động được 1.331.603 trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường, chiếm tỷ lệ 98,6% so với số trẻ trong độ tuổi, tăng 13.114 trẻ so với năm học trước.


Để đạt được con số này, các địa phương đã có nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến việc phổ cập GDMN 5 tuổi đến từng người dân như: sử dụng băng hình, kết hợp với đài truyền thanh - truyền hình tỉnh, huyện; thông qua các hội nghị, hội thảo chuyên đề; qua các buổi họp phụ huynh, họp thôn, bản, khu phố để tuyên truyền về lợi ích, mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch phổ cập GDMN 5 tuổi, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng, tham gia tích cực của các bậc cha mẹ và toàn xã hội.


Với số lượng trẻ kể trên, việc đảm bảo đủ trường lớp cho các em không hề đơn giản, ngành Giáo dục đã có những giải pháp gì đề giải quyết vấn đề này, thưa bà?
Bà Lê Minh Hà: Hầu hết các địa phương đã chỉ đạo phát triển quy hoạch mạng lưới trường lớp, tích cực rà soát, quy hoạch đất đai, dành quỹ đất xây dựng trường mầm non. Bên cạnh đó, khuyến khích giao quỹ đất ở các khu đô thị mới, cho thuê đất mở thêm các trường mầm non tư thục nhằm đáp ứng nhu cầu phổ cập. Điển hình là một số tỉnh như Quảng Trị, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng, Yên Bái, Bắc Ninh, Hải phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Thanh Hóa, Tuyên Quang....


Cũng nhằm đảm bảo có đủ các trường mầm non công lập đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục đối với trẻ 5 tuổi, việc chuyển đổi loại hình trường mầm non theo quy định của Luật Giáo dục được các địa phương tích cực chỉ đạo thực hiện. Đến nay, đã có 32 tỉnh/thành phố có Đề án chuyển đổi loại hình trường mầm non bán công sang công lập. Các tỉnh có số lượng lớn trường mầm non bán công chuyển sang công lập là: Nghệ An (495 trường), Hà Nội (350 trường), Thái Bình (287 trường), Phú Thọ (259 trường), Hải Phòng (159 trường), Vĩnh Phúc (158 trường)...


Thời gian vừa qua cũng có thông tin phản ánh việc một số địa bàn còn thiếu trường mầm non, thậm chí ngay trên địa bàn Thủ đô, bà có thể cho biết những biện pháp của ngành giáo dục hiện nay và trong thời gian tới để giải quyết vấn đề này ?
Bà Lê Minh Hà: Thực tế, tại các thành phố như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh,... còn thiếu nhiều trường, lớp mầm non cho trẻ đến học, dẫn đến tình trạng quá tải ở các trường mầm non công lập.


Nguyên nhân của tình trạng trên, chúng ta cũng thấy từ sự phát triển của đất nước, nhu cầu đô thị hóa cao, dẫn đến dân số cơ học tăng nhanh ở các thành phố lớn, nhưng công tác dự báo về dân số trẻ em phục vụ cho việc mở rộng và phát triển quy mô, mạng lưới trường lớp còn hạn chế. Nhiều dự án, khu đô thị, nhà cao tầng được cấp đất xây dựng, đã và đang đưa vào sử dụng, nhưng chưa có quỹ đất để xây dựng trường, lớp mầm non.


Chẳng hạn, theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, hiện tại thành phố có tới 25 khu đô thị và phường thành lập mới nhưng chỉ có 13 khu xây trường mầm non (trong đó có 4 trường công lập, 9 trường ngoài công lập), như vậy còn 12 khu đô thị chưa có trường mầm non và 21 khu đô thị chưa có trường mầm non công lập.


TP. Hồ Chí Minh có 12/318 phường/xã chưa có trường mầm non công lập, trong đó có 4 phường/xã việc quy hoạch đất dành cho GDMN rất khó khăn.


Mặt khác, sự chênh lệch quá lớn về học phí, chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất giữa trường mầm non công và tư cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải cho các trường công lập.


Để giải quyết tình trạng thiếu trường, lớp mầm non, ngành Giáo dục phối hợp với các địa phương đang chỉ đạo thực hiện các giải pháp sau đây:


Xây dựng Quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn các tỉnh và thành phố đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trong đó quan tâm đầu tư xây dựng trường học đảm bảo mỗi xã, phường, thị trấn và các khu đô thị đều có ít nhất 1 trường mầm non công lập.


Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng và uy tín cho các trường mầm non công lập và ngoài công lập, từng bước thu hẹp khoảng cách, tạo ra sự đồng đều về chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ giữa các trường công lập cũng như giữa các trường công lập và ngoài công lập...


Đã huy động được 1.331.603 trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường, chiếm tỷ lệ 98,6% so với số trẻ trong độ tuổi


Một nhu cầu bức thiết hiện nay là xây dựng trường mầm non ở các Khu Công nghiệp, Khu Chế xuất để phục vụ trẻ em là con công nhân. Mô hình này đã được bao nhiêu địa phương thực hiện, thưa bà?

Bà Lê Minh Hà: Nhu cầu về trường mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất cho trẻ em là con công nhân ngày càng trở nên bức thiết. Để đáp ứng yêu cầu của công nhân, nhất là công nhân nữ, một số địa phương đã có những mô hình trường mầm non cho trẻ em là con công nhân. Hiện nay có 2 mô hình đang tồn tại là trường mầm non do doanh nghiệp tự xây dựng và trường do nhà nước xây dựng.


Về mô hình trường mầm non do doanh nghiệp tự xây dựng, hiện đã có một Khu chế xuất tại tỉnh Bình Dương có trường mầm non ngay trong khuôn viên xí nghiệp. Tuy nhiên số doanh nghiệp xây dựng trường mầm non ngay tại xí nghiệp còn rất ít.


Đặc biệt, để khuyến khích, giúp đỡ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các trường, lớp mầm non ngoài công lập, theo quy định, các trường do doanh nghiệp tự xây dựng sẽ được hưởng chính sách khuyến khích của nhà nước quy định tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008.


Còn mô hình trường mầm non tại KCN, KCX do nhà nước đầu tư xây dựng, TP. Hồ Chí Minh đã quyết định xây dựng 9 trường mầm non công lập ngay trong 9 khu chế xuất cho con em công nhân lao động. Cách làm này giúp cho công nhân yên tâm lao động, doanh nghiệp đánh giá cao sự quan tâm của chính quyền địa phương.


Ngoài TP. Hồ Chí Minh thì một số tỉnh khác ở miền Nam như Đồng Nai, Bình Dương, Long An,... cũng đã đầu tư xây dựng trường mầm non trong khu chế xuất.


Bên cạnh việc đảm bảo đủ trường lớp, thì việc nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ đã được quan tâm ra sao, thưa bà?
Bà Lê Minh Hà: Các địa phương đã có nhiều biện pháp chủ động và sáng tạo trong việc lựa chọn, bố trí đủ giáo viên có trình độ nghiệp vụ và năng lực dạy các lớp mẫu giáo 5 tuổi.


Nhiều trường đã tổ chức các lớp học 2 buổi/ngày, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ, giáo dục trẻ. Tỉnh Khánh Hoà là một ví dụ với 100% số lớp đều tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tăng cường tổ chức ăn bán trú, hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi học tại các cơ sở GDMN có cha mẹ thường trú tại các xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn với mức hỗ trợ 120.000/trẻ/tháng trong một năm học.


Bên cạnh đó, nhiều tỉnh (ví dụ như Tuyên Quang, Hải Dương...) đã triển khai thực hiện đại trà Chương trình GDMN mới cho 100% lớp mẫu giáo 5 tuổi. Nhìn chung, các trường thực hiện chương trình GDMN mới đã từng bước đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của ngành trong việc đổi mới phương pháp dạy học, tạo môi trường cho trẻ tham gia hoạt động tích cực.


Bà có thể cho biết một vài gương địa phương tiêu biểu trong công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi?
Bà Lê Minh Hà: Các tỉnh, thành phố đều thể hiện quyết tâm cao trong công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, trong đó có một số tỉnh nổi lên như Hòa Bình. Tập trung vào nâng cao chất lượng cho lớp mẫu giáo 5 tuổi, tỉnh miền núi Tây Bắc này đã công nhận GDMN của thành phố Hoà Bình đạt tiêu chuẩn phổ cập vào tháng 7/2011, từ đó rút kinh nghiệm và làm mô hình để phấn đấu công nhận phổ cập toàn tỉnh vào cuối năm 2012.


Còn tại Nghệ An đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch phổ cập đến tận các xã, sử dụng ngân sách vượt thu năm 2010, đầu tư trên 90 tỷ đồng cho phổ cập và tuyển dụng 2.000 giáo viên vào biên chế. Tỉnh Khánh Hòa hỗ trợ trẻ 5 tuổi vùng khó khăn 150.000 đồng/tháng để duy trì bữa ăn trưa cho trẻ.


TP Hà Nội đầu tư chuyển đổi trường bán công sang mô hình công lập tự chủ một phần, xây dựng các trường công lập tại các phường chưa có trường mầm non. Trong năm 2011, thành phố đã tuyển dụng 5.835 giáo viên và 250 nhân viên cho bậc học mầm non, tạo điều kiện cho 518/577 xã, phường, thị trấn; 22/29 quận, huyện hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.


Một số địa phương đã xác định quỹ đất để tiến hành đầu tư xây dựng các trường mầm non tại các khu chế xuất và khu công nghiệp như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai,.... Tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã trích 100 tỷ đồng để đền bù, giải phóng mặt bằng mở rộng diện tích đất cho các trường mầm non...


Với các thành tích trên, có thể tin được công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi trên cả nước sẽ được hoàn thành vào năm 2015 như đúng kế hoạch không, thưa bà?

Bà Lê Minh Hà: Chúng ta có thể tin tưởng cả nước sẽ đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015 vì các lý do sau đây:


Thứ nhất, sau hơn 1 năm thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, các Bộ, ngành liên quan và tất cả các địa phương đều đã triển khai thực hiện rất nghiêm túc. Có thể nói rằng Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố đã huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia, đó là đông lực mạnh mẽ nhất để đảm bảo công tác phổ cập.


Thứ hai, việc đăng ký, lựa chọn lộ trình, thời điểm có thể hoàn thành phổ cập là do các địa phương tự quyết định dựa trên khả năng, nguồn lực, những mặt mạnh, yếu của mình. Hơn nữa các tỉnh, thành phố đã có kinh nghiệm 20 năm làm công tác phổ cập giáo dục tiểu học, 10 năm làm phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Với khả năng thực tế của địa phương và những kinh nghiệm đã có được, việc hoàn thành phổ cập GDMN của các tỉnh, thành phố theo lộ trình đã đăng ký là hoàn toàn có căn cứ.


Thứ ba, qua 25 năm đổi mới, cùng với thành tựu về phát triển kinh tế xã hội; những thành công của giáo dục và đào tạo, trong đó có GDMN là điều không thể chối cãi. Việc phát triển GDMN và phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi là nhu cầu thực sự của nhân dân, cả ở thành phố cũng như nông thôn hay vùng dân tộc ít người. Do đó, chủ trương này có cơ sở vững chắc, phù hợp với mong muốn của nhân dân.


Thứ tư, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non rất tâm huyết, yêu trẻ, yêu nghề; mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng họ thấy được sự quan tâm ngày càng lớn của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo địa phương đối với GDMN, chắc chắn họ sẽ cố gắng hết sức mình, trở thành lực lượng nòng cốt cho các địa phương hoàn thành tốt mục tiêu đã đặt ra.


Tuy các tỉnh, thành phố đã rất cố gắng trong công tác chỉ đạo, chủ động lồng ghép nhiều nguồn vốn đề thực hiện mục tiêu phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, nhưng sắp tới vẫn cần được sự quan tâm, giúp đỡ của các Bộ, ngành có liên quan, sớm giải ngân các nguồn vốn các Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội của nhà nước để góp phần cùng các địa phương đạt được lộ trình phổ cập đã đề ra trên địa bàn.


Trân trọng cảm ơn bà!


Theo Chinhphu.vn