Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bất công với con?


Có lẽ mỗi người đều thấy có sự bất công, không chỉ của cha mẹ đối với mình mà còn của bản thân đối với con mình. Tôi nhớ hồi nhỏ, có lần kéo cộ (vật dụng bằng gỗ dùng để kéo mạ, phổ biến ở miền Tây Nam bộ) cho các em chơi. Hai đứa nhỏ ngồi trên cộ được tôi kéo quanh sân nhà, thích chí cười nắc nẻ.


Chẳng may, khi kéo qua một mô đất cao, cộ bị nghiêng, một đứa bị té, đập mặt xuống cộ, giập môi chảy máu. Tức thì tôi bị ba đánh cho mấy roi vì tội... làm đau em. Tôi ấm ức hết sức, vì tôi không cố ý làm em đau, tôi chỉ muốn làm em vui thôi, đó chẳng qua là rủi ro ngoài ý muốn. Tôi cho đó là một bất công.


Tuy nhiên, khi lớn lên, có con, tôi mới thấy rõ ràng, làm cha mẹ rất hay bất công. Đó là bất công giữa đứa này với đứa kia, tức là cùng một lỗi nhưng đứa này bị phạt hay trách mắng nhiều hơn đứa kia; cùng một lỗi nhưng có lúc bị phạt có lúc không, hoặc lúc bị phạt nặng lúc bị phạt nhẹ. Thậm chí, có khi phạt rất vô cớ. Tôi nhớ có lần, hai con tôi dắt nhau đi tắm, khi vào nhà tắm, đứa chị sơ ý, không nhìn thấy tay em đang vịn ở khe cửa mà vội đóng cửa nên làm giập tay em, chảy máu. Nghe tiếng khóc ngất, tôi chạy đến xem thì tự nhiên lòng thắt lại, xót con, như chính mình bị thương, đau không tả được. Giận quá, tôi quát nạt đứa chị, rồi tiện tay tát con bé một cái. Trong khi đó, đứa em đau quá, khóc thét, tôi vừa thương vừa giận nên cũng quát cả nó. Thành ra cả ba cha con đều đau. Lúc bình tâm lại, tôi thấy rằng mình đã bất công với cả hai con.


Ảnh: Gettyimages.com


Khi tôi đang vui thì dù con có lỗi cũng không bị la mắng hoặc chỉ trách phạt qua loa; còn ngược lại, tự nhiên thành "giận cá chém thớt", nhất là khi vợ chồng đang giận nhau thì con cái rất hay bị mắng oan. Hoặc, con có lỗi nhưng thái độ của nó đáng thương, đang sợ sệt thì tự nhiên bản thân cha mẹ thấy nguôi giận và thương hại mà giảm đi sự quở phạt.


Sự bất công dù được bào chữa dưới hình thức nào thì theo tôi cũng là không hay. Trước hết là với chính bản thân mình. Gần như sự "tiền hậu bất nhất" dẫn đến thiếu nhất quán, có thể làm giảm uy tín đối với con. Còn đối với trẻ, sự bất công có thể làm giảm niềm tin ở cha mẹ, khiến nó "khó lường" sự phản ứng của cha mẹ để ứng xử cho phù hợp. Tệ hơn, đôi lúc chính điều đó tạo ra ấn tượng xấu dẫn đến ganh tị, đố kỵ nhau giữa các con, gây ra những hệ lụy nguy hiểm, phức tạp.


Qua một số lần thấy mình bất công với con, tôi đã tự điều chỉnh. Chẳng hạn, cố gắng hạn chế nóng giận quá mức khi có sự cố xảy ra. Chẳng hạn, khi con tôi vô ý làm vỡ cái ly, tôi cố gắng không trách mắng con mà nhẹ nhàng bảo: con đứng yên đó, để ba quét dọn. Vì trước đó, có lần tương tự, khi tôi quát thì con bé òa khóc rồi vội vàng bước ra khỏi chỗ đó, rất dễ giẫm lên mảnh vỡ đang vương vãi. Sau khi dọn sạch thì có thể phạt hoặc hướng dẫn con tránh tình huống tương tự. Tôi cũng thấy rằng không nên thể hiện tình thương khác nhau giữa các con với nhau. Với hai con gái của mình, mua quần áo, tôi thường mua đủ cho hai đứa, có khi cùng một loại, chỉ khác cỡ.


Dĩ nhiên, cũng cần công khai đề ra các quy tắc ứng xử, ví như trong mọi hoàn cảnh, làm chị thì phải nhường em, nếu vi phạm thì chị sẽ bị phạt; hoặc nếu chị em cùng có lỗi thì chị sẽ bị phạt nặng hơn vì chị lớn hơn, hiểu biết nhiều hơn; em phải nghe lời chị, nếu làm sai, chị có quyền la rầy hoặc méc với ba... Những quy tắc công khai đó, trong chừng mực nhất định, giúp các con tôi tự hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình mà ứng xử tốt hơn. Khi bày tỏ tình cảm với các con, vợ chồng tôi đều nói thương cả chị lẫn em "nhất" mà không nói là thương "bằng nhau" để cho con thấy mình đều là "nhất" trong lòng cha mẹ... Những cách ứng xử đó, tôi thấy là có tác dụng trong việc hạn chế sự bất công với các con.


Theo PN