Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ Mầm Non và giờ ngủ: Thực hành thời gian biểu


Thời gian biểu lúc đi ngủ không đảm bảo con của bạn sẽ không bao giờ thấy khó ngủ. Nếu như một đứa trẻ nói bé “không thể ngủ,” hãy nói cho trẻ biết điều đó ổn thôi. Trẻ chỉ cần nằm yên tĩnh trên giường, xem một quyển sách, hay yên lặng suy nghĩ điều mình muốn. Luôn giữ cho đầu óc ghi nhớ rằng đi ngủ là công việc của trẻ. Bạn chỉ có thể tạo ra cho trẻ cơ hội như vậy. Phần khó nhất của công việc của bạn có thể là phải lờ đi những yêu cầu về việc uống thêm nước, hay kể thêm chuyện sau khi bạn đã hoàn thành xong lịch trình thời gian ngủ.

Thời gian biểu lúc đi ngủ có thể làm cho bạn và trẻ cùng nhau tận hưởng một phần đặc biệt trong ngày, hơn là tập luyện cho một cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 3. Những khả năng thì nhiều vô cùng. Hãy chọn ra một số ý tưởng hấp dẫn bạn – hoặc là sử dụng sự sáng tạo của chính mình để tìm ra một thời gian biểu phù hợp cho cả bạn và con bạn. Bất cứ điều gì bạn quyết định, hãy thực hành đủ thường xuyên để nó trở thành một phần quen thuộc, có thể đoán trước được trong ngày – tức là một cách hòa bình để giúp và khuyến khích con bạn đi ngủ. Chất lượng đặc biệt của những thời gian biểu là chúng hướng dẫn chúng ta phát triển những thói quen lành mạnh, thông qua sự lặp lại nhất quán và thoải mái.

Thời gian biểu cho thời gian ngủ trưa ở trường

Giáo viên có thể thực hiện theo một phương pháp tương tự để tạo ra thời gian biểu ngủ trưa ở trường, hay lên kế hoạch cho việc chăm sóc trẻ. Hãy đưa vào thời gian biểu những bản nhạc dịu êm, việc giảm cường độ sáng hay đèn được tắt, và cả những cái vỗ lưng nhè nhẹ. Hãy để trẻ cùng giúp bạn tạo nên những điều cần có cho thời gian biểu ngủ trưa, cởi giầy và xếp giầy thẳng hàng, và sử dụng bô trước khi và sau khi nằm xuống ngủ. Những người giáo viên kiên nhẫn sẽ giúp trẻ được tận hưởng không khí thoải mái trong giờ ngủ.

Tầm quan trọng của sự thoái mái

Mặc dù chúng ta nhấn mạnh tầm quan trọng của việc để trẻ cùng tham gia, nhưng có rất nhiều việc mà người lớn có thể tự mình làm để giúp trẻ ngủ một cách dễ chịu, thoải mái. Bạn có thể đảm bảo chắc chắn việc trẻ cảm thấy thoải mái trong bộ đồ ngủ vừa vặn, thoải mái trên giường hay trong những giường cũi an toàn, và với lượng chăn đắp phù hợp. Bạn cũng phải nhớ xem xét nhiệt độ của trẻ. Khu vực ngủ đã đủ ấm áp hay đủ mát chưa? Trẻ cần yên tĩnh hoàn toàn hay một bản nhạc du dương với những thanh âm ổn định? Cần đèn ngủ hay tối hoàn toàn? Giống như người lớn, trẻ có những nhu cầu khác nhau liên quan đến sáng hay tối, ồn hay yên tĩnh. Chẳng có gì đúng hay sai ở đây; tìm ra điều gì phù hợp nhất cho con sẽ cần sự kiên nhẫn của bạn, và đôi khi bạn sẽ gặp phải thử thách hay mắc lỗi.

Nếu như trẻ trải qua phần lớn thời gian sống trong một ngôi nhà có nhiều hơn một gia đình, những mùi đặc biệt và những khoảng không gian được sắp xếp có thể làm cho thời gian ngủ bớt căng thẳng hơn. Một cái gối hay một cái chăn mà con của bạn mang đi từ hết nhà này đến nhà kia, hay một món đồ chơi trẻ thích có thể rất có ích. Người ta đều biết rằng trẻ thường cuộn áo lên nhét qua cổ áo khi chẳng có cái gì sẵn có hay món đồ chơi ưa thích bị bỏ lại, hãy tạo nên sự thoải mái từ cảm giác và mùi vị quen thuộc.

Một bữa ăn nhẹ có chứa can-xi, như là sữa hay sữa chua có thể giúp trẻ đủ thoải mái để đi ngủ. Một vài người nghĩ rằng đường kích thích giấc ngủ ở trẻ em. Mặc dù các nghiên cứu chưa đưa ra kết luận, nhưng việc tránh dùng thức ăn có đường vào buổi tối muộn hay trước khi đi ngủ trưa có thể có ích. (Hãy đảm bảo chắc chắn rằng bạn phải đọc hướng dẫn trên bao bì; bạn có thể ngạc nhiên về một số loại đồ ăn có chứa đường được cho là thức ăn tốt cho sức khỏe.) Hãy thử nghiệm và có thể bạn sẽ mắc lỗi để tìm ra điều gì là tốt nhất cho con bạn nhé!

Thời gian thử thách

Bạn đã nghe bao nhiêu lần tiếng con khóc rầu rĩ “mẹ ơi, con khát”? Sẽ là hữu ích khi nhất trí với con rằng con sẽ uống bao nhiêu nước (hãy ghi số lượng nước được chia ra từng thời điểm trong bảng thời gian biểu). Bất kỳ sự nhất trí nào của bạn và con, hãy làm theo với những hành động tốt bụng và bền bỉ. Có một vài cách để làm điều này. Bạn có thể nói, “mẹ nghe thấy rồi, và mẹ chắc chắn là con đã uống đủ lượng nước cho đến khi trời sáng.” Bạn có thể đưa ra một dấu hiệu đơn giản “uhmmmm” (trẻ thường dừng việc thử thách khi trẻ không nhận được sự đáp lại).

Nếu như sự thử thách này tăng lên và trẻ bước xuống giường, bằng hành động tốt bụng và bền bỉ mà không nói một lời nào là hiệu quả nhất. Nó giống như thế này: trẻ bước xuống giường; bạn cầm tay trẻ và đưa trẻ quay trở lại giường với cách thức tốt bụng và không nói lời nào; bạn cho trẻ một cái hôn và rời khỏi phòng. Nếu trẻ lại đi ra khỏi giường, bạn lại cầm tay trẻ và dắt trẻ quay trở lại giường với cách thức tốt bụng và không nói lời nào; bạn cho trẻ một nụ hôn và rời đi. Nhiều lần như vậy, nếu trẻ không muốn đi bên cạnh bạn, bạn cần bế trẻ lên và đưa đi. Nhắc lại lần nữa cho con về thời gian biểu, hãy làm điều này một cách hết sức bình tĩnh, thực tế với sự bền bỉ mà vẫn yêu thương. Nếu như bạn làm lại điều này nhiều lần như cần thiết (thường là một vài lần vào tối đầu tiên), con của bạn tin rằng con có thể mong chờ ở bạn về ý nghĩa điều bạn nói – và con có thể mong chờ ở bạn đối xử với con bằng sự tôn trọng và có phẩm cách thậm chí ngay cả khi con đang thử thách bạn. Hãy tập trung tất cả sự kiên nhẫn của bạn và đừng nản lòng. Khi bạn kiên định, thì thời gian thử thách này sẽ không kéo dài hơn 3 tối đến 5 tối là nhiều nhất (mặc dù bạn có thể cảm nhận thấy như 5 đêm rất dài).

Một người mẹ đã chia sẻ rằng vào đêm đầu tiên họ cố gắng thực hiện kế hoạch mới, con gái của cô phải quay trở lại giường 24 lần. Vào đêm thứ 2 là 12 lần. Vào đêm thứ 3 chỉ mất 2 lần trước khi cô con gái hiểu được ý nghĩa của điều mẹ đã không nói. Đến đêm thứ 4, con gái cô đã ngoan ngoãn làm theo thời gian biểu đi ngủ.

Kiểm soát hành vi của chính bạn

Có lẽ đã đến lúc dành cho một lời nhắc nhở rằng hành vi duy nhất bạn có thể kiểm soát được là hành vi của chính bạn. Điều kỳ lạ xảy ra ở đây là trẻ thường xuyên thay đổi hành vi để đáp lại bạn.

Câu hỏi: Chúng tôi có một cô con gái 3 tuổi, con gái tôi từ trước đến nay có một khoảng thời gian khó khăn khi đi ngủ buổi tối. Chúng tôi có làm thời gian biểu lúc đi ngủ - chúng tôi tắm cho con cùng với em bé, đọc truyện cho con nghe, cho con uống một cốc nước, và cùng nhau cầu nguyện. Đến lúc chúng tôi phải rời đi, con tôi bắt đầu gây phiền toái. Chúng tôi bảo con gái rằng nếu như con cứ tiếp tục la hét hay khóc lóc, chúng tôi sẽ phải đóng cửa lại bởi vì con làm em thức giấc. Cô bé không quan tâm đến điều này và gọi chúng tôi là ngốc nghếch, thè lưỡi ra với chúng tôi v.v… Khi chúng tôi đóng cửa, con gái tôi thật sự giận điên lên – đấm mạnh lên tường và cửa, làm tung hết màn che, làm đổ hết thùng đồ chơi, hoặc là la hét lên qua cửa sổ “có ai giúp con không – con cần bố và mẹ.”

Chúng tôi đợi khoảng 3 phút, sau đó mở cửa và hỏi bé liệu đã dừng việc nổi giận và sẵn sàng lên giường đi ngủ chưa. Cô bé sẽ nói không và lại phải trải qua sự việc tương tự trong 3 phút khác. Chúng tôi cho con thêm một cơ hội nữa và nói rằng chúng tôi sẽ đóng cửa phòng cho đến hết đêm. Một đêm khác chúng tôi phải đứng ở cửa cho đến gần 1h30 đêm, cùng với đứa con đang nổi giận trong suốt gần 4 tiếng đồng hồ. Chúng tôi để cho con ngủ dậy muộn vào buổi sáng và bé có một giấc ngủ trưa, những giấc ngủ này cần cho con nhưng chúng tôi không thể ngủ vào giờ đó. Chúng tôi kiệt sức rồi. Hãy giúp chúng tôi!

Trả lời: Có vẻ như không ai được nghỉ ngơi nhiều trừ con gái của hai bạn. 4 điều có giúp bạn kéo bức màn cho vở kịch buổi đêm này: giúp con cảm thấy buồn ngủ, tôn trọng những nhu cầu của con – và của 2 bạn, dẹp bỏ cuộc chiến – cùng nhau hướng tới sự hợp tác, kèm theo đó là sử dụng sự tốt bụng và kiên trì.

Giúp trẻ cảm thấy buồn ngủ

Dường như là con gái của 2 bạn có thể thống lĩnh mọi nguồn dự trữ về cảm xúc và thể chất cho thời gian ngủ. Tất cả chỉ là do cô bé không buồn ngủ, đặc biệt là sau khi ngủ dậy muộn vào buổi sáng và đã ngủ trưa. Có thể là cô bé chưa có đủ các bài tập thể dục vận động trong cả ngày để làm cho bé cảm thấy mệt mỏi vào buổi tối. Hãy thử tạo ra một danh sách các trò chơi sôi nổi trong thời gian biểu đi ngủ. Hãy xem xét việc dẫn con đi công viên 1 chuyến, tham gia vào một số trò nhào lộn hay thử thách, thậm chí là đăng ký lớp học bơi buổi tối cho con. Một khi mà cô bé thấm mệt, 2 bạn sẽ nhận được nhu cầu ngủ tự nhiên ngay trong cô bé. 2 bạn cũng nên xem xét việc rút ngắn những giấc ngủ trưa, cốt để cho cô bé sẵn sàng cho một giấc ngủ sớm vào buổi tối. Măc dù 2 bạn không thể kiểm soát được khi nào con mình sẽ ngủ, hay khi nào không ngủ, nhưng bằng việc giảm bớt thời gian biểu ngủ trưa, ít nhất 2 bạn cũng sẽ làm cho bé cảm thấy mệt mỏi hơn vào buổi tối.

Tôn trọng những nhu cầu của con – và của 2 bạn

Con gái của 2 bạn đang cảm thấy bị tước mất quyền vì có em. Những em bé thường lấy mất nhiều thời gian và sức lực của người lớn. Cái gì còn lại để dành cho người chị lớn hơn chứ? Cô con gái 3 tuổi của 2 bạn đã tìm ra một cách hiệu quả để có được sự quan tâm của bố mẹ. 2 bạn có thể thay thế sự quan tâm tiêu cực này bằng sự quan tâm tích cực tại bất kỳ thời điểm nào trong ngày.

Hãy dành thời gian để ở riêng với con. Chắc chắn làm cho con biết rằng đây là khoảng thời gian chỉ dành riêng cho 2 người thôi, rằng bạn rất vui khi có thời gian ở riêng với con, và bạn đang cùng người con lớn làm những điều thật đặc biệt. Khoảng thời gian này có thể chỉ đơn giản là một cuộc đi chơi tới cửa hàng thực phẩm hay thư viện, hay là đi bộ quanh khu nhà. Và khi nhu cầu của cô bé được quan tâm, và được coi là đặc biệt, được đáp ứng theo cách này, con bạn sẽ có ít lý do hơn để tìm kiếm sự quan tâm qua những cuộc chiến trong thời gian ngủ.

Tất nhiên là 2 bạn cũng có những nhu cầu riêng. Con của 2 bạn có thể sẽ tôn trọng 2 bạn hơn nếu như 2 bạn thể hiện sự tôn trọng với chính bản thân mình. Hãy tự cho mình nghỉ ngơi, thư giãn, và cùng nhau quây quần vào buổi tối. Tắm vào buổi chiều muộn, uống một tách trà, hay có một lịch trình tập thể dục ngắn sẽ tạo nên một sự khác biệt thật sự cho nguồn năng lượng. Hãy nhớ rằng đáp ứng những nhu cầu của bạn nghĩa là bạn đang có thể đáp ứng tốt hơn những nhu cầu của các thành viên khác trong gia đình.

Dẹp bỏ cuộc chiến – cùng nhau hướng tới sự hợp tác

Con gái của bạn lấy được sự ngoan cường đến tuyệt vời ở đâu vậy nhỉ? Cả bố và mẹ đều sẵn lòng đợi ở ngoài cửa trong nhiều giờ, chắc phải có một vài kết nối về gen di truyền cho cô bé đang gào thét ở bên trong. Đã đến lúc phải bắt đầu xây dựng sự hợp tác, và những người duy nhất trong cuộc chiến sức lực này có thể kiểm soát được là chính 2 bạn. Nói cách khác, 2 bạn có lẽ không thể kiểm soát được thói quen đi ngủ của con gái, nhưng các bạn có thể quyết định được các bạn sẽ làm gì. Dưới đây là một vài gợi ý:

Đề nghị trẻ giúp đỡ (2 bạn có thể sẽ ngạc nhiên bởi điều này mang lại hiệu quả tốt đến mức nào).

Hãy giải thích cho con biết rằng 2 bạn không thích đóng cửa của cô bé lại vào lúc ngủ. Hãy hỏi liệu cô bé có ý tưởng nào để 2 bạn có thể dừng làm điều đó.

Cùng nhau lập ra thời gian biểu lúc đi ngủ.

Quyết định điều bạn sẽ làm thay vì điều bạn cố gắng bắt cô bé làm. (Bạn có thể quyết định dắt cô bé quay lại giường, trao cho cô bé một nụ hôn, và rời đi.) Để cho cô bé biết kế hoạch của 2 bạn. Một vài khả năng có thể làm là 2 bạn tự đi ngủ, đọc một quyển sách, và tự đóng cửa của 2 bạn còn hơn là đứng canh cửa của cô bé.

Tìm kiếm những giải pháp phù hợp với cả 2 bạn và cô bé

Luôn dùng lòng tốt và sự kiên trì để đối xử với con

Cũng có thể là niềm an ủi khi biết rằng hai bạn không phải một mình vật lộn với những điều rắc rối trong thời gian ngủ.

Nếu như 2 bạn đã thử tất cả những biện pháp đã nêu trên và con gái của 2 bạn vẫn đi ra khỏi giường, thì đơn giản hãy đưa con quay trở lại giường. Điều này chỉ hiệu quả khi 2 bạn nhớ làm theo những việc sau:

Không nói một lời nào. Những hành động tốt hơn lời nói - và sẽ phải vất vả nhiều hơn khi tranh cãi.

Phải chắc chắn rằng những hành động của 2 bạn là tốt và kiên trì. Điều này nghĩa là 2 bạn phải xóa bỏ đi ngay cả những ngôn ngữ không lời (ví dụ: ngôn ngữ cơ thể biểu hiện sự tức giận).

Phải kiên định. Nếu như 2 bạn đặt con quay trở lại giường 5 lần và sau đó lại nhượng bộ, 2 bạn sẽ dạy cho con biết rằng con chỉ cần phải kiên trì hơn 2 bạn thôi.

Hãy chắc chắn rằng bạn sẽ dành thời gian đặc biệt cho con vào những thời gian khác trong ngày (chi tiết về thời gian đặc biệt ở Chương 9, trong phần những mục tiêu sai lầm).

Còn về thời gian ngủ trưa?

Trẻ con có thể kháng cự lại việc đi ngủ, không phải bởi vì trẻ không cần đi ngủ, mà bởi vì trẻ không muốn bỏ lỡ một điều gì đó trẻ đang khám phá trong thế giới đầy sôi động. Mỗi đứa trẻ lại cần một lượng thời gian ngủ khác nhau. Thời gian nghỉ ngơi yên tĩnh thường có vẻ phù hợp hơn đối với đa số trẻ so với thời gian ngủ trưa. Một vài trẻ có thói quen ngủ trưa cho đến độ 2 tuổi hoặc là 2 tuổi rưỡi. Những đứa trẻ khác cần ngủ trưa cho đến khi bắt đầu đi nhà trẻ (hoặc giống như một trong số các tác giả của cuốn sách này, là cần ngủ trưa mãi mãi).

Liệu với con bạn, điều phù hợp cần thiết là thời gian ngủ trưa hay thời gian yên tĩnh, hãy làm theo những chỉ dẫn sau:

Đừng nói với trẻ là bé đang mệt. Hãy thừa nhận là bạn đang mệt, và cần một khoảng thời gian yên tĩnh.

Hãy để trẻ cùng tham gia vào kế hoạch tạo ra thời gian ngủ trưa, hoặc thời gian yên tĩnh của trẻ. Hãy để trẻ lựa chọn cách thực hiện thời gian ngủ trưa đặc biệt, cùng một con thú nhồi bông, để trẻ lựa chọn một cái giường khác, hay một cái chăn khác với cái chăn trẻ sử dụng lúc đi ngủ buổi tối.

Hãy dạy trẻ sử dụng một cái máy chạy đĩa CD đơn giản, hay cát-xét: để trẻ tự chọn lựa một bản nhạc êm dịu dành cho thời gian ngủ trưa từ bộ sưu tập nhạc, và để trẻ tự bật lên. Đừng sử dụng tai nghe, hãy cho phép bản nhạc chạy với âm lượng vừa phải, êm dịu gần chỗ ngủ của bé.

Đưa cho trẻ một lựa chọn có giới hạn: "Con muốn bắt đầu thời gian ngủ trưa (hay thời gian yên tĩnh) lúc 1h hay 1h15?"

Tránh sử dụng ti vi để làm cho trẻ ngủ. Một nghiên cứu trong tạp chí Pediatrics cho biết trẻ càng ngồi lâu trước màn hình ti-vi, thì trẻ càng không thể đi ngủ.

Có một người mẹ mà chúng tôi biết, cô ấy để cho con lựa chọn một cái túi ngủ đặc biệt chỉ dành cho việc ngủ trưa. Trong suốt những buổi họp gia đình, cô con gái 3 tuổi lựa chọn căn phòng mà cô bé muốn ngủ trưa. Để tránh việc cô bé có thể sử dụng mánh khóe, cô bé chỉ có thể lựa chọn một trong hai phòng được đưa ra là: phòng ngủ của cô bé hoặc là phòng chơi. Cô bé cũng nhất trí rằng bất kỳ phòng nào cô bé đã chọn sẽ là phòng duy nhất cô bé sẽ sử dụng trong tuần đó. Sau đó cô bé và mẹ đã đặt một cái đồng hồ báo thức trong 1 tiếng (vì vậy cô bé sẽ không bỏ lỡ nhiều việc, và cốt để cho cô bé sẽ cảm thấy buồn ngủ vào thời gian ngủ buổi tối). Người mẹ hứa rằng nếu như những tiếng "ding...ding..." không đánh thức cô bé dậy được, thì mẹ sẽ đánh thức bé.

Ngủ trưa trên những chiếc giường khác nhau có thể phù hợp với thời gian ngủ trưa, nhưng thời gian biểu ngủ buổi tối đòi hỏi sự nhất quán chỉ trên một chiếc giường. Điều này tạo nên một vấn đề là trẻ sẽ ngủ trên giường của ai.

Giường của ai?

 

Có rất nhiều người muốn ngủ trong chiếc giường có cả nhà. Thường thường đây là một thời gian hạnh phúc đối với những gia đình lựa chọn nó. Tuy nhiên rất nhiều bố mẹ có những con nhỏ ngủ trên giường của họ không phải vì lựa chọn mà là bởi con của họ không thể đi ngủ mà không có mặt họ - và những ông bố bà mẹ đó đang xin sự giúp đỡ về việc làm thế nào để giải quyết vấn đề này. Họ có thể thích gần con trong một giai đoạn con còn nhỏ, nhưng bây giờ họ muốn riêng tư.

Những bậc cha mẹ phải quyết định điều họ thật sự muốn là gì, và họ có sẵn sàng thực hiện những hành động cần thiết với sự tốt bụng và bền bỉ. Sự thực là tất cả giống như những thói quen, phá vỡ một thói quen có thể làm tổn thương mọi người. Trẻ con có khả năng chuyển dịch khá tốt những ngôn ngữ không lời. Nếu như một đứa trẻ cảm nhận thấy bạn đang có mâu thuẫn trong tư tưởng nơi nào trẻ nên ngủ, trẻ cũng sẽ có những cảm xúc phân vân giống của bạn. Khi bạn chắc chắn về quyết định của mình rằng trẻ nên ngủ ở chính giường của mình, trẻ sẽ có cảm giác giống như vậy.

Marissa và chồng cô muốn quay trở lại giường riêng của hai người. Cậu bé Jonathan đã ngủ với bố mẹ đến khi cậu lên 3 tuổi. Trong 6 tháng qua, Jonathan đã có giường riêng những cậu không muốn sử dụng nó trừ khi mẹ và bố cậu bé nằm xuống bên cạnh cậu cho đến khi cậu ngủ thiếp đi. Nhưng họ thường ngủ thiếp đi trước khi cậu bé ngủ, và thế là toàn bộ buổi tối của họ quay trở lại gần như cũ. Khi họ thức dậy và đi về phòng riêng của mình, Jonathan cũng thường thức dậy và khóc cho đến khi họ đưa cậu bé về giường của họ.

Vấn đề này có một chút phức tạp hơn là bề ngoài. Vì Jonathan cùng ngủ chung giường với bố mẹ một thời gian dài rồi, nên chẳng có gì ngạc nhiên khi bây giờ cậu bé vẫn muốn tiếp tục như vậy. Ngủ với cha mẹ buổi tối có thể có nhiều ý nghĩa đối với Jonathan. Cậu bé dành được sự quan tâm, sự bảo vệ, và được nhiều sự ôm ấp. Mặt khác, ở một mình trên giường riêng sẽ cảm thấy cô đơn, và nhiều lúc có một chút sợ hãi. Những cảm xúc của Jonathan là hợp lý. Những cảm xúc này có thể tạo ra một cái cớ để cậu bé tiếp tục tìm kiếm sự quan tâm thái quá – một thói quen mà cha mẹ cậu đã củng cố thêm mà không ý thức được. Cậu bé đang bỏ lỡ một cơ hội để học kỹ năng tự làm dịu đi nỗi đau, một kỹ năng sống quan trọng. Bây giờ câu hỏi thật sự là cha mẹ cậu thật sự muốn điều gì – và họ sẵn sàng làm điều gì để thay đổi thói quen của con trai họ.

Bố mẹ của Jonathan phải quyết định điều họ muốn là gì, vì tất cả các bậc cha mẹ đều phải làm điều này. Chọn lựa cả gia đình cùng ngủ một giường có một vài sự gắn kết sâu xa. Điều lớn nhất sẽ xảy ra khi bạn quyết định bạn muốn con bạn ngủ riêng? Điều gì xảy ra nếu như bạn là một bậc cha mẹ độc thân muốn tái hôn? Con của bạn (hay người vợ/chồng mới) có muốn bạn ngủ cùng với người kia?

Nếu bạn quyết định rằng đã đến lúc con bạn ngủ trên giường riêng, hãy làm theo những gợi ý được nêu ra ở trên. Làm ơn hãy nhớ phải thực hiện nhiều việc hít thở sâu, bởi vì kế hoạch này đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn.

 

Học ngủ trên giường riêng sẽ không tạo nên tổn thương lâu dài cho trẻ; thường thường tổn thương cho cha mẹ nhiều hơn là cho trẻ! Thái độ của bạn là điều quan trọng nhất. Nếu bạn cảm thấy tự tin rằng bạn đang làm điều đúng, bằng việc dạy con rằng con có khả năng để đi ngủ trên giường riêng của mình, con sẽ cảm nhận được nguồn năng lượng về sự tự tin của bạn. Nói cách khác, nếu bạn cảm thấy có tội, tức giận, hoặc là có mâu thuẫn trong ý nghĩ thì trẻ sẽ tiếp nhận được nguồn năng lượng của những cảm xúc đó, và điều này sẽ dẫn đến việc trẻ sử dụng các mánh khóe, gây ra tình trạng không nhận được giúp đỡ, hay thậm chí những cuộc chiến sức mạnh.

Được nuông chiều hoặc là có kỵ năng?

Sử dụng những hành vi vừa tốt bụng và vừa kiên trì cùng một lúc là những điều vô cùng quan trọng trong việc nuôi dạy con cái hiệu quả. Nhượng bộ những đòi hỏi liên tục của con không phải là cư xử yêu thương. Trẻ con không cảm thấy an toàn khi những người lớn không thiết lập được những ranh giới rõ ràng. Để trẻ học được cách tự mình đi ngủ là trao cho con một món quà cuộc sống.

 

Những gợi ý trong chương này có thể giúp những bậc cha mẹ sử dụng thời gian ngủ buổi tối như một cơ hội để dạy con những kỹ năng sống quan trọng, thay vì sử dụng mánh khóe hay gây ra những cuộc chiến quyền lực. Trẻ con có thể học những kỹ năng suy nghĩ, kỹ năng giải quyết vấn đề, tự chủ, và sự thành thật, khi cha mẹ nói một điều gì đó tức là thực sự sẽ làm như vậy, và sẽ làm theo điều mình đã nói với sự yêu thương và tôn trọng con. Trẻ cũng học được sự thành thật với bản thân, và tin rằng “con có năng lực.” Thực sự, thời gian ngủ buổi tối có thể là thiên đường thay vì là địa ngục. Bạn hãy cùng con mơ những giấc mơ đẹp!

Mamnon.com