Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Phụ cấp thâm niên cho nhà giáo - Quá chậm


Chế độ phụ cấp thâm niên cho nhà giáo được thực thi từ 1-9-2011, được tính từ ngày 1-5-2011, thế nhưng cho đến nay hơn 1 triệu giáo viên trong diện được phụ cấp thâm niên vẫn mong ngóng bao giờ khoản tiền được "hứa" sẽ "rót" cho họ trong bối cảnh lạm phát gia tăng.


Chờ đợi mòn mỏi
Cô Nguyễn Thị Kim Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, quận 11 TPHCM cho biết: Khi hay tin được hưởng phụ cấp thâm niên, giáo viên nào cũng mừng và phấn khởi, nhà trường đã lập danh sách tính toán theo thâm niên công tác của hơn 30 giáo viên trong diện này và đã gửi lên phòng tài chính - kế hoạch quận. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thấy thông tin bao giờ mới có. Cô nói: "Cứ vài ngày giáo viên lại hỏi mà tôi không biết phải trả lời như thế nào?!".


Theo cô, cứ tưởng với nghị định này giáo viên của trường năm nay sẽ được đón một cái tết đầy đủ hơn vì khoản phụ cấp sẽ phần nào bù đắp cho khoản thưởng tết chỉ được mấy trăm ngàn đồng như mọi năm. Thế nhưng, cái tết đang cận kề còn tiền phụ cấp thâm niên thì vẫn chưa thấy động tĩnh gì.


Cô N.T.M., giáo viên một trường mầm non ở quận 5 tâm tư: tôi nghĩ đã đến lúc nhà nước nên thay đổi chế độ cho chúng tôi chứ như giáo viên mầm non làm việc cả 15 năm nay nhưng lương cũng chỉ tròm trèm khoảng 3 triệu đồng, quy định phụ cấp thâm niên đã có sao mãi đến nay vẫn chưa thực hiện? Đã có nghị định thì nên thực hiện, rất nhiều giáo viên hiện nay cũng đang trông chờ vào phụ cấp này để phần nào cải thiện cuộc sống.


Giải quyết chế độ phụ cấp thâm niên để giáo viên yên tâm công tác.


Các trường học trong thành phố cũng cho biết danh sách hưởng phụ cấp thâm niên của từng giáo viên đã được gửi lên quận từ tháng 10 nhưng đến bao giờ mới có thì không ai biết được. Người thì nói tháng 5, người thì nói tháng 10-2012 mới có, trong khi quy định từ tháng 9-2011, giáo viên sẽ được lãnh phụ cấp thâm niên. Cũng bởi sự chậm trễ này, không ít thầy cô giáo e ngại, biết đâu ngân sách không được tăng thêm, nếu có phụ cấp thâm niên, lương tăng lên nhưng tổng thu nhập thực tế vẫn không thay đổi?


Cô Lê Thị Lệ Vân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi 3 quận 5 trăn trở: quy định này được ban hành là niềm vui của các giáo viên. Tuy nhiên, hiện nay nhiều nhân viên trong trường như bộ phận kế toán, bảo mẫu, nhân viên, cấp dưỡng... rất thắc mắc vì họ cũng là người phục vụ cho ngành giáo dục nhưng không thuộc diện được phụ cấp thâm niên trong khi đó lương của họ hiện nay rất thấp.


Chính vì vậy chúng tôi nghĩ nên có chế độ để hỗ trợ bởi công việc của họ cũng rất quan trọng đối với hoạt động của nhà trường. Mấy năm nay vì thu nhập quá thấp nên nhiều nhân viên cấp dưỡng, bảo mẫu đã nghỉ việc khiến cho hoạt động của trường gặp không ít khó khăn.


Nên giải quyết nhanh
Hiệu trưởng các trường cho biết, nếu tính phụ cấp thâm niên theo mức lương hiện hành, bình quân mỗi giáo viên sẽ tăng khoảng 465.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, với mỗi giáo viên sẽ khác nhau tùy theo hệ số lương, số năm giảng dạy. Cái hay của phụ cấp thâm niên là được tính đóng hưởng bảo hiểm xã hội, y tế, bảo hiểm thất nghiệp, khi các thầy cô giáo về hưu thì sẽ có mức lương hưu cao hơn hẳn so với đối tượng khác không có phụ cấp thâm niên.


Theo Bộ GD-ĐT: Mục tiêu chính của phụ cấp thâm niên nhằm động viên, khích lệ nhà giáo trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, thu nhập còn thấp hiện nay, giúp nhà giáo yên tâm với nghề, nâng cao chuyên môn. Đây cũng là một chế độ tạo sức hút những người giỏi vào nghề giáo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Phụ cấp thâm niên là phụ cấp mang tính đặc thù cho nhà giáo mà không phải là phụ cấp ngành, do đó các đối tượng như: kế toán, bảo mẫu, nhân viên, cấp dưỡng... không nằm trong diện được hưởng phụ cấp thâm niên.


Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết: Sở GD-ĐT TPHCM cũng đang hoàn tất mọi thủ tục và thống kê số lượng giáo viên nằm trong diện được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên, chắc chắn chế độ này sẽ được giải quyết trong thời gian tới và được truy lãnh đầy đủ theo quy định. Tuy nhiên, vẫn phải chờ thông tư hướng dẫn của Bộ GD-ĐT thì sở mới có thông báo cụ thể.


Về vấn đề ngân sách có đủ để chi đầy đủ cho giáo viên hay không, ông Nam cho biết thêm đây là nguồn kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo, được sử dụng từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị và nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước đảm bảo. Hơn nữa đây là chế độ góp phần động viên và giải quyết một phần khó khăn cho đội ngũ nhà giáo cũng như làm tăng phần hưởng lương hưu sau này chính vì vậy chắc chắn khi có thông tư hướng dẫn cụ thể sẽ được giải quyết đầy đủ cho các thầy cô giáo, thu nhập chắc chắn sẽ tăng.


Giải quyết phụ cấp thâm niên cho nhà giáo là một chủ trương tốt đẹp và có ý nghĩa quan trọng trong việc khuyến khích sinh viên vào ngành sư phạm. Tuy nhiên từ chủ trương đến thực tế vẫn còn cả một khoảng cách. Cho đến nay, các trường học vẫn đang chờ sở, sở thì nói chờ bộ hướng dẫn... Đến bao giờ chủ trương này mới đến được với các thầy cô giáo?


Đã đến lúc Bộ GD-ĐT cần phải có hướng dẫn cụ thể, nhanh chóng giải quyết chế độ phụ cấp thâm niên cho nhà giáo, không nên để cho giáo viên phải đợi mỏi mòn khi chủ trương là hoàn toàn phù hợp để nâng cao chất lượng đời sống giáo viên hiện nay.


Theo SGGP