Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Phụ nữ mang thai dễ bị viêm lợi


Những người mang bầu có nguy cơ viêm lợi cao hơn bình thường. Bệnh thường thấy rõ từ tháng thứ hai, tăng nặng nhất vào tháng thứ tám và có thể kéo dài tới 6 tháng sau khi sinh. 

Thủ phạm gây viêm lợi là vi khuẩn trong mảng bám răng - một màng mỏng, mềm, dính vào bề mặt răng, thành phần gồm có vi khuẩn, chất nhày dính và vụn thức ăn. Hai giờ sau khi chải răng, một lớp chất nhày có nguồn gốc từ nước bọt bắt đầu dính lên mặt răng và ngay lập tức, vi khuẩn cùng vụn thức ăn sẽ bám lên tạo thành mảng.

Viêm lợi có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào và bất kỳ đối tượng nào. Tuy nhiên, ở những người suy kiệt, người bị suy giảm miễn dịch, người bị bệnh tiểu đường, phụ nữ đang mang thai có nguy cơ bị viêm lợi cao hơn.

Trong thời kỳ mang thai có sự tăng các hoóc môn làm tăng mức nhạy cảm của hệ thống miễn dịch tại chỗ của lợi đối với vi khuẩn trong mảng bám răng. Viêm lợi thường thấy rõ từ tháng thứ 2, tăng nặng nhất vào tháng thứ 8 và có thể kéo dài tới 6 tháng sau khi sinh. Mức độ nặng hay nhẹ phụ thuộc vào tình trạng lợi trước khi mang thai. Nhiều phụ nữ đã sinh đẻ cho rằng, viêm lợi khi mang thai là chuyện đương nhiên nhưng không phải như vậy; nếu răng luôn luôn được làm sạch mảng bám thì sẽ không bị viêm lợi.

Trước khi có ý định mang thai, bạn nên đến nha sĩ kiểm tra kỹ tình trạng lợi và chữa khỏi viêm lợi (nếu có). Bạn cũng nên đi khám răng miệng định kỳ ít nhất 6 tháng một lần. Chữa và phòng bệnh viêm lợi trong lúc mang thai bằng cách chải răng hiệu quả, tốt nhất là chải răng ngay sau khi ăn, ít nhất thì cũng phải chải răng mỗi ngày hai lần, sau khi ăn sáng và ăn tối. Nên dùng bàn chải mềm, chải nhẹ nhàng để không làm xước lợi. Với các kẽ răng không thể làm sạch được bằng bàn chải thì dùng chỉ nha khoa: Bạn lấy một đoạn chỉ nha khoa dài khoảng 40 cm, quấn chặt hai đầu chỉ vào hai ngón tay giữa cho tới khi hai ngón tay cách nhau một đoạn khoảng 10 cm. Dùng đầu ngón trỏ tỳ vào sợi chỉ và đưa tới khe răng còn giắt thức ăn, nhẹ nhàng ấn sợi chỉ vào kẽ răng rồi kéo ngang 1 cm. Lấy sợi chỉ ra, thức ăn sẽ ra theo sợi chỉ.

Ngoài việc chải răng và dùng chỉ nha khoa đều đặn, bạn có thể dùng các loại nước súc miệng có bán tại hiệu thuốc. Nếu bạn đã chải răng cẩn thận mà lợi vẫn viêm thì phải đến nha sĩ để khám và điều trị. Nha sĩ sẽ làm sạch cao răng và mảng bám, chấm các thuốc giảm viêm, sau đó hẹn bạn quay lại định kỳ để kiểm tra.

Theo SK&ĐS

 Phụ nữ mang thai đặc biệt lưu ý đến răng miệng

Các nhà khoa học của trường đai học New York đã phát hiện một số loại vi khuẩn trong miệng của các bà mẹ mang thai có liên quan tới hiện tượng đẻ non và thiếu cân ở trẻ sơ sinh.

Trước đây đã có một số nghiên cứu chứng minh rằng những bệnh về răng là nguyên nhân gây nên tình trạng trẻ em bị thiếu cân do đẻ sớm. Tới bây giờ người ta có thể khẳng định rằng có thể chính những vi khuẩn có trong bựa răng cũng liên quan đến hiện tượng này.

Các nhà khoa học đã tiến hành xác định số lượng vi khuẩn trong nước bọt của 297 phụ nữ đang trong giai đoạn thứ 3 của thời kỳ mang thai. Sau đó thì họ phát hiện 2 loại vi khuẩn : loại thứ nhất có liên quan đến hiện tượng đẻ non có tên là Actinomyces naeslundii Genospecies2 (A.naeslundii gsp2) và loại thứ 2 với số lượng lớn hơn có tác động tới trọng lượng của đứa trẻ có tên là Lactobacillus casei (L.casei).

Tiến sĩ Ananda P. Dasanayake, khoa dịch tễ học và xúc tiến y tế trường đại học New York cho biết, "Việc vi khuẩn A.naeslundii gsp2 có tác động tới hiện tượng đẻ non và trọng lượng của trẻ sơ sinh là hoàn toàn khớp với lý thuyết đã được đưa ra trước đó rằng các vi khuẩn gây bệnh trong miệng và một số loại phân tử do cơ thể tạo ra để chống lại những vi khuẩn đó có thể theo máu đi tới dạ con và làm ảnh hưởng tới quá trình sinh nở. Trong khi đó vi khuẩn L.casei lại sản sinh ra axít giúp duy trì độ pH trong tử cung ở mức 4.5. Điều này có tác dụng kìm hãm sự phát triển thêm của các vi khuẩn trong đó có vi khuẩn vaginosis liên quan tới hiện tượng đẻ non".

Tiến sĩ Vincent J. Iacono nói thêm: "Điều thú vị là nghiên cứu này đã xác định chính xác rằng nếu số vi khuẩn A. naeslundii gsp 2 tăng lên 10 lần thì trọng lượng của đứa trẻ trong bào thai sẽ giảm 60 gr và tuổi thai sẽ giảm 0.17 tuần. Mặt khác nếu số vi khuẩn L. casei tăng lên 1 đơn vị thì trọng lượng của bào thai tăng 42 gr và tuổi thai tăng 0.13 tuần".

Trong tương lai sẽ có những công trình nghiên cứu cụ thể hơn về những loại vi khuẩn miệng và một số loại vi khuẩn khác không liên quan tới các bệnh răng miệng để có thể hiểu rõ hơn mối liên hệ mật thiết giữa điều kiện vệ sinh răng miệng với hiên tượng đẻ non".

Trên tạp chí Journal of Periodontology còn có một nghiên cứu khác với chủ đề là: Bệnh răng miệng với những tác hại của hiện tượng đẻ non và thai nhi thiếu cân. Kết quả của nghiên cứu này cũng cho thấy với các phụ nữ có thai mà có bệnh răng miệng thì nguy cơ đẻ non sẽ cao. Các nhà khoa học khuyên phụ nữ nên quan tâm nhiều tới vấn đề vệ sinh răng miệng trong thời kỳ mang thai.

Theo VTV/ Medical News