Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Con biết hết rồi!


Cu Tuấn, 11 tuổi tự nhiên đòi bỏ học. Lý do của Tuấn thật đơn giản: "Con không đi học nữa, trong lớp thầy cô nói gì, con cũng biết hết rồi!"

 

Chị bạn gửi email tâm sự về chuyện cháu ngoại: cu Tuấn. Chị kể rằng cả nhà chị đau đầu với Tuấn hàng tháng nay. Con gái chị chạy đôn chạy đáo tìm những người thân để giúp "đả thông" tư tưởng của Tuấn. Và chị gửi thư cho tôi xin giúp thêm chút ý kiến.

Tìm hiểu kỹ về Tuấn, tôi mới biết đó là một cu cậu rất thông minh, ham đọc sách, theo lời chị bạn thì sách gì Tuấn cũng đọc, từ khoa học như big bang, thiên văn cho đến những quyển cổ tích, truyện tranh hay trinh thám. Ngay từ lúc mới học hết lớp 2, trong hè Tuấn đã đọc và tự học xong hết sách lớp 3; rồi lên lớp 4, lớp 5... và giờ lớp 7, sự việc lập lại y như vậy. Con gái chị bạn nói: "Cháu không ép, tại nó thích, tự nó lấy sách học thôi". Hậu quả là năm học nào Tuấn vô lớp cũng không chép bài, làm bài, vì đã "biết hết rồi!". Mà quả là cháu biết thật, chat với cháu suốt hai tháng qua. Tôi thấy Tuấn giải rất nhanh những bài toán khó và trả lời trôi chảy tất cả những câu hỏi về văn học, lịch sử, vật lý, sinh học, đặc biệt là môn tiếng Anh, cháu viết tốt và phát âm rất chuẩn, còn có phần nhỉnh hơn trình độ một học trò lớp 7!
Tuấn không phải cá biệt, nhiều năm công tác trong ngành sư phạm, tôi vẫn thường gặp. Tôi đề xuất với chị bạn, đầu tiên cần phải đánh mất ý tưởng "cái gì cũng biết" hoặc "chỉ đọc là biết" nên không cần phải học của Tuấn. Ý tưởng này vô cùng nguy hiểm, sẽ đưa đến ngạo mạn trong cách xử thế khi lớn lên. Hơn nữa, sẽ làm thui chột khả năng, vì bạn thông minh cỡ nào bạn cũng phải học, tìm tòi trong thư viện, lục lọi trong ngành nghiên cứu.


Để thực hiện điều này, hãy chỉ cho Tuấn thấy những cái mà cháu không biết ngay trước mắt, trong nhà mình, hay những học cụ như: Tại sao cục tẩy lại tẩy được viết chì mà không tẩy được chữ viết mực, tại sao tai ta nghe thấy, mắt ta nhìn thấy, tại sao có người mù, có người sáng, tại sao khi ăn ta phải nhai, và nước bọt dùng để làm gì, tại sao bóng đèn sáng, tại sao có chút nước trong ly nước nhưng vài ngày sau nó biến mất, nó có thực sự biến mất không... Nhiều cái "tại sao" Tuấn không thể giải thích, để Tuấn phải học, phải hỏi. Học không có nghĩa là chỉ qua sách vở mà phải đến trường, nơi có thầy cô, bạn bè với phương pháp giáo dục, điều kiện sư phạm cần thiết tác động vào nhận thức. Nhắc lại những câu Tuấn từng hỏi cha mẹ,ông bà, cho Tuấn nhận ra Tuấn vẫn thường phải hỏi, có nghĩa là đã học đấy. Sự việc này nhằm vào mục đích làm giảm ý tưởng "cái gì cũng biết" của Tuấn.

Kế đến phân tích lúc mới sinh ra con đâu có biết đi, biết nói, biết ăn cơm và nghe người ta nói con đâu có hiểu. Tất cả những điều này con đã phải tập luyện. Khi con ăn cơm đâu phải cơm và thức ăn biến thành máu đề nuôi cơ thể ngay. Nó cần được nhai, nghiền nát của bao tử và sự giúp đỡ của nhiều bộ phận khác nữa. Khi con lên lớp 6 đâu phải con biết làm toán ngay lập tức nếu con không học lớp 1, lớp 2, lớp 3... Đưa cho Tuấn một bài toán lớp 12 chắc chắn Tuấn không làm được. Rồi hãy giải thích: Giờ con làm toán nhanh là vì có học các lớp dưới, Nếu sau này con muốn làm toán lớp 12 thật nhanh, con phải học lớp 6 lớp 7 lớp 8... Để cho con hiểu ra là không phải cái gì là biết ngay lập tức.

Giúp cho Tuấn biết những điều mình không thể làm ngay được và cái gì cũng nghĩ là hơn bè bạn. Việc không làm bài thi, bài tập ở trường, ở nhà là điều không thể chấp nhận, cho dù Tuấn làm bài điểm 10, hay chỉ cần đọc bài một lần là thuộc làu.

Với kinh nghiệm của một người trong nghề, theo tôi, những đứa bé thông minh, giải toán nhanh, học nhanh, tiếp thụ nhanh là một lợi điểm nếu thầy cô và gia đình biết cách. Còn không thì sẽ là một cản trở và bất lợi cho chính trẻ. Đây là điều cha mẹ phải quan tâm khi may mắn có đứa con xuất sắc.

Theo Afamily