Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bậc học giáo dục mầm non: Chưa được quan tâm đúng mức


Mục tiêu Phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ 5 tuổi được Chính phủ phê duyệt tới năm 2015 sẽ đạt 100% tỉnh, thành đạt phổ cập. Lộ trình xây dựng đề án đã sắp kết thúc năm thứ hai, nhưng cơ bản bậc học GDMN còn tồn tại quá nhiều khó khăn, bất cập. Nhưng vướng mắc về chất lượng giáo viên, chính sách ưu đãi lương, cơ sở vật chất trường lớp, chính sách thu hút nhân tài còn nhiều yếu kém. Vì thế, sự phát triển GDMN vẫn đang là bài toán nan giải.


Thiếu đồng bộ hệ thống mầm non
Đề án của Thủ tướng Chính phủ đã vạch rõ, dự kiến đến năm 2012 có 85% số tỉnh, thành phố đạt phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi và năm 2015 sẽ phải đạt là 100%. Đến năm học 2014-2015, sẽ có 95% số trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày; 100% trẻ trong các trường mầm non được học chương trình GDMN mới, 100% giáo viên dạy trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt chuẩn về trình độ đào tạo. Tỉ lệ các trường, cơ sở giáo dục mầm non đạt chuẩn quốc gia sẽ phát triển từ 9% năm 2005 lên 20% vào năm 2010 và 50% vào năm 2015.


Năm học 2011-2012, GDMN tập trung quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Bộ GD&ĐT đã đề ra mục tiêu lớn trong phát triển mạng lưới trường, lớp; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị, đồ dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển quy mô, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, nhất là đối với vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số để thu hút trẻ đến trường; đặc biệt là trẻ mẫu giáo 5 tuổi; thực hiện tốt việc chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1. Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi; tiếp tục triển khai thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lí, chăm sóc, giáo dục trẻ; phát triển mạnh số lượng, nâng cao chất lượng các trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.


Tuy nhiên, một điều tra mới đây cho thấy, năm học 2010-2011 chỉ có 21,5% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ đi học. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới mục tiêu phấn đấu đạt 85% số tỉnh, thành phố đạt phổ cập GDMN vào năm 2012. Một trong những bất cập hiện nay là hệ thống trường lớp mầm non còn thiếu tương đối nhiều so với quy hoạch phát triển; đội ngũ giáo viên thiếu, tính chuyên nghiệp để thích ứng chương trình GDMN mới chưa đảm bảo; chất lượng cơ sở vật chất (trường lớp, thiết bị giảng dạy, đồ chơi) tại nhiều địa phương còn chưa đảm bảo. Hơn nữa, giáo viên mầm non không được hưởng chế độ đãi ngộ như các cấp học khác. Nguồn đào tạo từ các trường ĐH-CĐ còn yếu, tỉ lệ giáo viên mầm non thích ứng được chương trình mới không nhiều. Cách đây đúng một năm, cả nước vẫn còn thiếu tới 25.327 giáo viên mầm non.


Thiếu trường học, bất cập chất lượng giáo viên
Bà Đặng Huỳnh Mai, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đưa ra trăn trở, tại các khu công nghiệp, nhà máy gần khu đô thị lớn hiện nay đang thiếu cơ bản những trường mầm non chi phí thấp, nhằm phục vụ các gia đình công nhân, viên chức có thu nhập thấp. Nhiều khu đô thị, khu công nghiệp khi xây dựng đã không quan tâm xây trường lớp, đặc biệt là trường mầm non. Vì thế, nhiều nơi đã tự phát những nhóm trông giữ trẻ theo hình thức gia đình, không đảm bảo về tính an toàn, cũng như các yếu tố bắt buộc khác.


Vừa qua, tại "Hội thảo về chính sách giáo dục mầm non" do Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức, đã đưa ra cảnh báo về đối tượng trẻ dưới 12 tháng tuổi tại Hà Nội gần như không thể gửi được tại các trường công lập. Thực tế, nhu cầu gửi trẻ ở lứa tuổi này là rất lớn, đặc biệt là đối với các gia đình công chức, viên chức, lao động phổ thông. Còn đối tượng trẻ dưới 2 tuổi cũng không nhiều lựa chọn gửi tại các trường công lập, chỉ vì lý do quá tải. Trường tư thục nghiễm nghiên thu hút phần lớn lượng trẻ, nhưng phụ huynh phải chấp nhận chi phí gấp 2-3 lần bình thường. Vì thế, các nhóm trẻ tự phát đã tự động mọc lên như nấm, bất chấp được phép hay không. Ngoài ra, năm học này Hà Nội còn tới 6 phường thiếu trường mầm non công lập; tỉ lệ trẻ/nhóm lớp đã vượt quá mức quy định từ 10-20 trẻ/lớp. Còn tại TP. Hồ Chí Minh, ngay cả các trường mầm non ngoài công lập cũng thiếu giáo viên trầm trọng, hiện phải sử dụng hơn 1.500 bảo mẫu thay thế giáo viên. Một thống kê khác cho thấy, toàn quốc hiện có trên 70% các cơ sở GDMN thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới, nhưng phần lớn giáo viên (kể cả giáo viên được đào tạo sư phạm mầm non) vẫn chưa thích ứng và không theo kịp được chương trình mới. Cảnh báo những bất cập về chất lượng giáo viên, PGS.TS Lã Thị Bắc Lý-Trưởng khoa Giáo dục Mầm non (Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết, đào tạo giáo viên mầm non hiện nay đang đứng trước nhiều bất cập về chất lượng. Chính việc nở rộ các trường ĐH, trường đào tạo đa ngành, giảng viên yếu kém đã dẫn đến chất lượng sinh viên ra trường. Nếu không kịp thời chấn chỉnh, thì hiện trạng sinh viên sư phạm mầm non ra trường không đáp ứng được yêu cầu mới, sẽ trở thành gánh nặng rất lớn cho xã hội trong tương lai.


Theo Báo Đại Đoàn Kết