"Khi sức đề kháng yếu thì hệ thống miễn dịch cơ thể sẽ trở nên rệu rã, mệt mỏi, hạn chế khả năng phát triển, học tập của bé..."
"Vì vậy, cách tốt nhất để giúp bé tránh bị nhiễm bệnh là nên chủ động tăng cường sức đề kháng hàng ngày cho bé", PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết.
Trẻ dễ mắc bệnh do sức đề kháng yếu
Tại buổi giao lưu trực tuyến "Tăng cường sức đề kháng, phòng chống các bệnh thông thường ở trẻ" do Báo GĐ&XH tổ chức (nhãn hàng Ceelin tài trợ) sáng 18/11, độc giả đã đặt ra hàng trăm câu hỏi cho các chuyên gia dinh dưỡng về vấn đề nâng cao sức khỏe cho trẻ để phòng tránh những bệnh thông thường. Rất nhiều độc giả còn quan tâm đến việc sử dụng các loại vitamin để nâng cao sức đề kháng của trẻ.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, trẻ ở nhóm tuổi nhà trẻ, mẫu giáo và tiểu học dễ lan truyền bệnh vặt như sốt, cảm cúm trong đó tỷ lệ lây truyền bệnh cúm lên đến 30%, tỷ lệ bị nhiễm bệnh là 15 - 42%.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho biết, trẻ nhỏ là lứa tuổi rất dễ bị mắc các bệnh thông thường như cảm lạnh, viêm phổi, viêm phế quản, tiêu chảy, sốt... do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Đặc biệt, trẻ em dưới 3 tuổi có thể bị viêm mũi họng khoảng 3 - 4 lần trong một năm, thường vào những lúc thời tiết thay đổi đột ngột.
Thời tiết lạnh hiện nay, trẻ thường quấy khóc, biếng ăn, kém chơi..., sau đó là ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, sốt, khò khè. Với những trẻ có sức đề kháng tốt thì chỉ cần 3 - 5 ngày uống thuốc là khỏi bệnh. Trẻ sức đề kháng kém hơn thì bệnh có thể kéo dài đến nửa tháng hoặc lâu hơn, tạo cơ hội cho các loại virus xâm nhập khiến bệnh nặng hơn. "Khi sức đề kháng yếu thì hệ thống miễn dịch cơ thể sẽ trở nên rệu rã, mệt mỏi, hạn chế khả năng phát triển, học tập và giảm sức ăn uống của bé... Vì vậy cách tốt nhất để giúp bé tránh bị nhiễm bệnh là nên chủ động tăng cường sức đề kháng hàng ngày cho bé", PGS.TS Nguyễn Thị Lâm nói.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cũng cho hay, trẻ sức đề kháng yếu, thiếu vitamin D3, canxi, kẽm, vitamin A... kéo dài sẽ gây các bệnh về răng miệng, làm cho men răng của trẻ không tốt, dễ bị mòn, sún răng. Cha mẹ nên bổ sung thêm các chất trên cho trẻ để hạn chế tình trạng này cũng như ngăn ngừa ảnh hưởng đến các mầm răng vĩnh viễn. Với trẻ lười ăn, cha mẹ nên dùng men tiêu hóa dạng enzym, bổ sung thêm đa vitamin khoáng chất. Khi trẻ ăn uống ngon miệng và khỏe mạnh thì sức đề kháng tốt hơn, phòng được các bệnh.
Bảo vệ sức khỏe với vitamin C
Một trong những vấn đề mà độc giả đặt câu hỏi nhiều nhất đến buổi giao lưu trực tuyến là vấn đề sử dụng vitamin C. Theo các chuyên gia tham gia tư vấn trực tuyến, bổ sung cho trẻ những loại thực phẩm giàu vitamin C hàng ngày là một trong những cách tốt để tăng đề kháng. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi của các mẹ cho thấy, hiện nhiều mẹ chưa biết cách bổ sung vitamin sao cho hợp lý.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho biết, vitamin C tham gia vào sự phát triển của mô, làm lành vết thương, bảo vệ cơ thể bé khỏi chứng cảm lạnh thông thường; giúp cơ thể bé sử dụng hiệu quả các vi chất như sắt, canxi và acid folic. Đặc biệt, giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ chống lại bệnh tật như: Dễ xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng hoặc màng xương, sưng nướu răng, răng dễ rụng, thiếu máu, dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm virus...
Với lứa tuổi từ 1 - 6 việc bổ sung vitamin C càng cần phải chú trọng, vì đây là giai đoạn phát triển quan trọng của trẻ. Nếu trẻ bị suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng ở giai đoạn này sẽ để lại những di chứng lâu dài tới tuổi trưởng thành, ảnh hưởng tới tầm vóc, khả năng học tập của trẻ. Mỗi ngày trẻ cần một lượng vitamin C là 100mg để giúp bé tăng đề kháng, chống các bệnh hô hấp, cảm cúm...
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm thì rất khó giữ lượng vitamin C đầy đủ trong các loại rau quả, thực phẩm tươi từ quá trình chế biến và nấu nướng kỹ. Do đó, để đảm bảo đủ lượng vitamin C cần thiết hằng ngày, các mẹ có thể cho bé bổ sung thêm bằng các chế phẩm vitamin C uy tín trên thị trường. Tuy nhiên, không nên cho trẻ uống vitamin C ngay trước bữa ăn hoặc ngay sau bữa ăn. Nên cho trẻ uống vitamin C vào buổi sáng thì cơ thể sẽ hấp thu tốt hơn vào buổi tối, hơn nữa uống vào buổi tối sẽ làm cho trẻ khó ngủ.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, vitamin C rất dễ mất đi qua nấu nướng hoặc bảo quản không đúng cách. Để bảo toàn vitamin C trong quá trình chế biến thức ăn cho trẻ cần chú ý: Với những quả chín như chanh, cam, quýt nên cho trẻ ăn ngay sau khi vắt nước hoặc bóc vỏ; các quả chín khác cũng nên ăn ngay khi bổ, hoặc xay sinh tố. Với rau xanh nên rửa sạch, ngâm 30 phút rồi mới thái nhỏ, nấu vừa chín tới và nên cho trẻ ăn ngay sau khi nấu. Khi luộc, nấu rau quả cũng cần lưu ý nếu nấu không đúng cách - cho rau vào ngay từ lúc nước lạnh, hoặc nấu xong để lâu và hâm đi hâm lại cũng làm mất gần hết vitamin C. Các loại rau quả có nhiều vitamin C là bưởi, cam chanh, quít, nhãn, vải, đu đủ...
Theo Giadinh.net