Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bé phản ứng vì bị áp đặt


‘Đưa bánh rán để bà bẻ làm đôi' - bà nội vừa nói vừa nhanh tay lấy cái bánh rán trong tay Tít, giằng làm hai, đặt vào bát để Tít dùng dĩa xiên. Bất ngờ, Tít ném tung cả bát, cả bánh xuống sàn nhà. Bà nội quát Tít ‘hư' rồi tét vào đít khiến Tít càng ‘khóc tợn'.


Mẹ Hường thấy thế bảo: "Bà chưa hỏi ý Tít mà đã bẻ bánh của Tít làm sao Tít không dỗi". Bà nội chống chế: "Thằng Tít này không biết giống ai mà ngang lắm. Cứ phải thẳng tay trị từ nhỏ mới nên người được".

Hường chia sẻ, bà nội rất hay áp đặt ý thích của mình lên Tít. Trong khi đó, Tít lại "có máu" chống đối kịch liệt nếu không vừa ý. Chính vì thế, Tít hay bị bà nội quy tội là "hư, bướng, cứng đầu - cứng cổ". Những chuyện tương tự thế này, Hường rất hiểu tâm lý của con. Chẳng hạn, khi thấy con nhét mấy múi quýt vào túi áo, Hường nhẹ nhàng: "Cho mẹ xin quýt trong túi áo Tít nào. Mẹ đói quá". Nếu Tít giữ chặt túi áo, lắc đầu: "Không cho mẹ đâu" thì phải năn nỉ thêm, Tít sẽ đồng ý ngay. Lần khác, cũng chuyện nhét quýt vào túi áo của Tít, bà nội trông thấy, thò tay lấy quýt và quát: "Quýt nát ra rồi ướt hết áo". Ngay lập tức, Tít lại "lăn đùng" ra sàn nhà kêu khóc. Bà nội mắng: "Tít hư" rồi cầm cái dép đi trong nhà "phệt" vào mông Tít. "Cuộc chiến" giữa hai bà cháu vẫn xảy ra như thế khiến Hường nhiều khi chẳng biết phải góp ý với bà nội ra sao.

Khác với gia đình Hường, người hay áp đặt Tôm (con trai 3 tuổi của Chuyên) không phải bà nội mà là chồng Chuyên. Tôm rất nghịch nhưng cũng có "chính kiến" rõ ràng ngay từ nhỏ. Chẳng hạn, khi Chuyên nấu chè đỗ đen, xúc thử một thìa cho Tôm, Tôm lắc đầu quầy quậy bảo không ăn nghĩa là Tôm không ăn. Còn những món Tôm "kết", Tôm sẽ đồng ý ngay từ "phút đầu". Chính vì thế, hễ cho con ăn món gì, Chuyên sẽ gọi tên món đó và hỏi xem con có ăn hay không.

Tuy nhiên, chồng Chuyên không đồng ý với quan điểm này của Chuyên. Anh cho rằng: "Cứ chiều nó thế nó hư. Cho cái gì thì phải ăn hết, lại còn thích với cả không
thích". Nhiều lần, Tôm lười ăn món nọ - món kia là bị bố dọa: "Không ăn, bán sang Trung Quốc. Không nuôi nữa". Tôm sợ, gào khóc thảm thiết nên càng bị bố mắng hơn. Không ít lần, Tôm bị bố "đánh đít" chỉ vì tội này.

Chưa kể, nhiều lần thấy con đang xem hoạt hình, chồng Chuyên chẳng ngại bấm chuyển kênh. Bị mất phim hoạt hình đột ngột, thấy con kêu khóc, chồng Chuyên còn quát con rồi cho rằng con "mới tý tuổi đầu mà đã hỗn".

Với không ít ông bà, cha mẹ thì chuyện áp đặt con là "chuyện thường". Người lớn luôn cho rằng quan điểm của mình mới đúng, rằng các bé là phải biết nghe lời thế mới ngoan. Ông bà, cha mẹ có thể làm theo ý mình mà không hỏi bé hoặc giải thích đúng - sai với bé. Nhiều phụ huynh không bao giờ cho phép con được lựa chọn mà nhất nhất phải tuân theo lời cha mẹ. Điều này khiến các bé (kể cả các bé còn nhỏ) có phản ứng chống đối. Bởi ngay từ khi còn nhỏ, bé cũng đã phát triển sự độc lập nhất định, bé muốn được làm theo ý mình. Do đó, để uốn nắn con vào nếp thì những chuyện nguy hiểm, cha mẹ nên giải thích và cương quyết nói "không" để bé biết tránh. Với những việc "vô hại" như chọn màu quần áo, chọn kênh xem tivi... chẳng hạn thì cha mẹ nên tập thói quen hỏi ý kiến của con trước khi đưa ra quyết định. Sau đó, có thể góp ý cho bé và hỏi xem bé nghĩ sao về ý kiến của cha mẹ.

Một khi đã hiểu nguyên nhân và bé được lựa chọn thì bé sẽ ít có phản ứng "khó chịu" trước cách dạy dỗ của ông bà, cha mẹ.

Theo Mevabe