Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ ăn nhiều nhưng tại sao vẫn thiếu chất?


"Tôi cho cháu ăn đầy đủ thịt cá nhưng bé vẫn chậm lớn và da xanh." Chị Thúy Vi (Gò Vấp, TpHCM) luôn băn khoăn lo lắng về tình trạng của bé trai đầu lòng của mình.


Tuy nhiên, sau khi được tư vấn dinh dưỡng, chị mới vỡ lẽ là do cháu ít chịu ăn rau quả. Tuy là món ăn không hấp dẫn như thịt cá nhưng rau củ quả rất cần thiết trong việc cân bằng bữa ăn hàng ngày và loại bỏ nguy cơ thiếu những chất cần thiết cho cơ thể trẻ:


1. THIẾU CHẤT XƠ (FIBER):
Đó là do tâm lý của bố mẹ thường chú trọng đến những thức ăn dinh dưỡng như thịt, cá, tôm, cua.... nên bữa ăn của các bé thường giàu chất đạm và ít chất xơ. Tuy nhiên, trẻ ăn nhiều chất đạm sẽ khó tiêu hóa. Trong khi đó, chất xơ có trong rau củ quả có khả năng hút nước làm khối lượng của phân tăng lên và kích thích nhu động ruột thúc đẩy co bóp để tống phân ra ngoài. Đồng thời, chất xơ hỗ trợ điều hòa hệ vi khuẩn đường ruột, giúp tăng cường quá trình tiêu hóa, hấp thu tại ruột.

 

2. THIẾU VITAMIN A:
Trẻ thường mắc phải các bệnh liên quan đến mắt như mắt khô, dễ chảy nước mắt hoặc quáng gà. Đồng thời, trẻ còn ăn kém, chậm lớn, mệt mỏi và làn da thô ráp, sần sùi. Vì vậy, cần bổ sung Vitamin A có nhiều cà chua, cà rốt, rau có màu xanh thẫm, khoai lang, bí đỏ, đu đủ...


3. THIẾU VITAMIN B:
Việc thiếu hụt vitamin B dễ khiến cho trẻ "đổi tính" như hay cáu gắt, hung hăng hơn, dễ chán nản... Thiếu vitamin B2 có thể gây viêm da, thiếu vitamin B6 gây chuột rút, thiếu vitamin B12 gây thiếu máu. Để cung cấp đủ lượng vitamin B cần thiết thì cần phải kết hợp nhiều loại thức ăn khác nhau, trong đó cần có các loại ngũ cốc và rau xanh.

 

4. THIẾU VITAMIN C:
Đây là loại vitamin rất dễ bị thiếu hụt. Khi đó, bé sẽ có hiện tượng chảy máu dưới da, sưng lợi, vòm miệng và lưỡi có nhiều mụn nhiệt. Ngoài ra, vitamin C còn làm vết thương lâu lành, suy giảm hệ miễn dịch nên trẻ dễ mắc bệnh đường hô hấp như suyễn, viêm phổi và trẻ hay mệt mỏi. Có thể tìm nguồn vitamin bổ sung ở cà chua, cam quýt, cải thìa...

 

5. THIẾU VITAMIN D:
Dấu hiệu rõ nhất khi thiếu hụt Vitamin D là hiện tượng còi xương ở trẻ, xương mềm, và có thể gây dị dạng về xương. Vùng đầu của trẻ mềm, trẻ mọc răng chậm, lâu biết bò, biết đi, tối ngủ hay giật mình... Trong rau quả cũng chứa vitamin D nên cần bổ sung lương chất này cho trẻ bằng việc cho trẻ ăn cải xanh, các loại ngũ cốc.

 

6. THIẾU VITAMIN E:
Trẻ sẽ có biểu hiện phù nề, khô da, phồng nơi bàn chân, thiếu máu. Vitamin E có thể tìm thấy trong lúa mì, lá cải xanh, đậu nành và ngũ cốc các loại.

 

7. THIẾU VITAMIN K:
Trẻ sẽ gặp vấn đề trong việc đông máu ở vết thương, chảy máu mũi (chảy máu cam) hoặc tiêu chảy. Nguồn rau củ quả bổ sung Vitamin K gồm lá cải xanh, đậu nành...

 

Qua đó, rau củ quả là loại thực phẩm rất có lợi cho sự phát triển toàn diện ở trẻ. Tuy nhiên, đa số trẻ thường không thích ăn rau. Vì vậy, bạn thử những biện pháp sau để giúp bé yêu món rau hơn:

- Tập cho bé thích nghi tự nhiên với mùi vị của rau từ giai đoạn có thai và cho con bú bằng cách ăn nhiều rau.
- Khi bé lớn hơn, tập cho bé ăn rau từng chút một rồi mới tăng dần lượng lên. Đồng thời, cắt nhỏ rau vừa miệng bé.
- Tạo không khí vui tươi cho bé khi ăn rau như kết hợp nhiều màu sắc trong đĩa rau, sắp xếp hình vui nhộn như hình chú thỏ, hình mặt cười... hoặc kể chuyện dí dỏm về sự tích loài rau, công dụng của rau như "ăn cà rốt mắt tinh như thỏ"...


Theo Giadinh.net